Nguy cơ mất cả tỉ USD vì bao tiêu, trợ giá

23/09/2016 10:46:00

Việc bao tiêu sản phẩm và trợ giá cho các đại gia có vốn đầu tư nước ngoài đang khiến ngân sách thất thu hàng nghìn tỉ đồng mỗi năm, còn người dân phải còng lưng gánh thuế, phí trả nợ.

 
Việc bao tiêu sản phẩm và trợ giá cho các đại gia có vốn đầu tư nước ngoài đang khiến ngân sách thất thu hàng nghìn tỉ đồng mỗi năm, còn người dân phải còng lưng gánh thuế, phí trả nợ.
 
Dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn, vốn được kỳ vọng đưa VN thành “ông lớn” dầu khí trong khu vực, nay đang đối mặt với nguy cơ nhà nước phải bỏ ra hàng nghìn tỉ đồng để bù lỗ. Theo kế hoạch, dự án sẽ bắt đầu vận hành thử từ tháng 11.2016 đến tháng 6.2017, sau đó chính thức vận hành thương mại từ tháng 7.2017, đến năm 2020 sẽ vận hành 100% công suất.
 
Dân còng lưng gánh phí
 
Theo cam kết trước đó mà Tập đoàn dầu khí VN (PVN) đã ký kết với chủ đầu tư là Công ty TNHH lọc hóa dầu Nghi Sơn (NSRP), sản phẩm của nhà máy được áp giá bán buôn ngay tại cổng bằng với giá xăng dầu nhập khẩu cộng thêm thuế nhập khẩu 7% với các sản phẩm xăng dầu, 3% đối với các sản phẩm hóa dầu (polypropylen, benzen...). Hơn nữa, trong 10 năm, nếu VN giảm thuế nhập khẩu xuống thấp hơn mức ưu đãi kể trên, PVN sẽ có trách nhiệm phải bù cho lọc dầu Nghi Sơn số tiền chênh lệch này. 
Hiện thuế nhập khẩu dầu từ ASEAN đã về 0%, thấp hơn giá trị ưu đãi, nên khi lọc dầu Nghi Sơn đi vào hoạt động, PVN sẽ phải bỏ tiền ra hỗ trợ và lợi nhuận không đủ bù lỗ. Theo tính toán của Bộ Tài chính, nếu giá dầu 45 USD/thùng, dự kiến PVN sẽ thu được 716 triệu USD trong 10 năm, còn số tiền bù lỗ từ 80 - 110 triệu USD/năm. Nếu giá dầu 50 USD/thùng, dự kiến PVN bù lỗ 1,8 tỉ USD/10 năm (tương đương 4.000 tỉ đồng/năm); giá dầu 70 USD/thùng bù lỗ 2 tỉ USD/10 năm (tương đương 4.500 tỉ đồng/năm).
 
Quyết sách vội vàng trong việc trợ giá, bao tiêu sản phẩm để thu hút dự án đầu tư nước ngoài đang khiến người dân có nguy cơ còng lưng gánh phí. Bởi để có tiền bao tiêu sản phẩm của Nghi Sơn, PVN đã trình Chính phủ xin được xây dựng Quỹ phát triển năng lượng bền vững, hình thành từ khoản phí xăng dầu tiêu dùng do tập đoàn này thu ngay tại cổng nhà máy khi bán sản phẩm cho khách hàng. Đề xuất này đã được chấp thuận và PVN được giao nhiệm vụ đứng ra thành lập quỹ. Bên cạnh đó, PVN được tăng tỷ lệ lãi dầu khí nước chủ nhà để cân đối nguồn tiền thực hiện cam kết, thay vì nộp vào ngân sách.
 
Theo chuyên gia kinh tế - PGS-TS Ngô Trí Long, chính quyết định bao tiêu sản phẩm, ưu đãi thuế không tính đến hiệp định thương mại VN ký kết, khiến một khoản lợi nhuận lớn mà PVN được hưởng sẽ bị mất trắng. Ngoài ra, việc thu phí xăng dầu để thành lập quỹ là vô cùng bất công, bởi người tiêu dùng lại phải chịu vì DN sẽ đưa phí đó vào giá bán. Đáng lo ngại hơn cả, theo ông Long, với mức trợ giá khủng như trên tiền sẽ chui hết vào tay liên doanh nước ngoài (Công ty dầu khí quốc tế, Kuwait (KPI/KPE) 35,1%, Công ty Idemitsu Kosan, Nhật Bản (IKC) 35,1%, Công ty hóa chất Mitsui Nhật Bản (MCI) 4,7%), còn người dân phải móc túi ra bù lỗ.
 
Tài nguyên rơi vào túi đại gia ngoại
 
Cơ chế bao tiêu khí của PVN bán cho các nhà máy chạy điện khí thông qua Tổng công ty khí (PV Gas) cũng đang khiến hàng nghìn tỉ đồng rơi vào tay các DN ngoại. Theo luật Dầu khí, với tư cách “chủ mỏ”, PVN bán lại lượng khí khai thác được cho PV Gas (đơn vị thành viên của PVN hoạt động trong lĩnh vực khí) để DN này tiếp tục bán tới các hộ tiêu thụ, như điện, phân đạm hay các DN công nghiệp khác. Riêng đối với lượng khí trong bao tiêu bán cho sản xuất điện đang được PVN thực hiện theo thỏa thuận tại các hợp đồng mua bán khí, với tổng sản lượng khoảng 3,5 - 3,7 tỉ m3/năm, mức giá cụ thể được xác định theo từng năm đến 2023. 
Do PV Gas được mua khí của PVN với giá bằng 1/2, thậm chí có thời điểm bằng 1/3 giá thị trường, đồng thời được sự đồng ý của Chính phủ cũng như cam kết với nhà đầu tư nên PVN cũng ký hợp đồng bao tiêu cho EVN và các nhà máy BOT bằng mức giá này. Cụ thể, nếu giá thị trường mà PV Gas bán ra 7 USD/trBTU thì mức giá mà PVGas bán cho các nhà máy chạy điện khí chỉ khoảng 3 - 4 USD/trBTU. Hiện nay, nhiệt điện khí chiếm tới hơn 13% trong cơ cấu huy động nguồn điện của VN, nhu cầu khoảng 7,5 tỉ m3/năm. Trong đó, riêng khí bán cho các nhà máy điện của EVN và hai nhà máy điện BOT Phú Mỹ 2.2 và BOT Phú Mỹ 3... vẫn đang duy trì cơ chế "trợ giá" như đã nói ở trên. Với nhu cầu 3,5 - 3,7 tỉ m3/năm, tương đương 103,76 triệu trBTU/năm, con số chênh lệch trên sẽ đồng nghĩa với việc nhà nước đang phải trợ giá khí trong bao tiêu tới 490 triệu USD, khoảng 10.000 tỉ đồng/năm và kéo dài tới tận năm 2023.
 
Đáng nói, Nhà máy nhiệt điện Phú Mỹ 3 là dự án được đầu tư theo hình thức BOT (xây dựng - vận hành - chuyển giao) đầu tiên trong ngành điện tại VN do ba đối tác là BP, SempCorp và tổ hợp nhà thầu Kyushu và Tập đoàn Sojitz (Nhật Bản) đầu tư. Sau sự cố tràn dầu tại Mexico, BP đã bán lại cổ phần cho SempCorp. Hiện tập đoàn đến từ Singapore sở hữu 66,66% vốn pháp định, còn lại của Sojitz đến từ Nhật. Tương tự, Nhà máy điện Phú Mỹ 2.2 là dự án đầu tư theo mô hình BOT tổ hợp Mekong Energy Company (MECO), với sự tham gia đầu tư vốn của Tổng công ty điện lực Pháp (EDF 56,25%), hai công ty Nhật là SUMITOMO (28,125%) và TEPCO (15,625%). “Trợ giá khí đến năm 2023 đang khiến tài nguyên của quốc gia lẽ ra thu được vào ngân sách nhà nước, là của người dân thì nay lại rơi vào túi của các đại gia nước ngoài. Nếu không đàm phán lại giá, không bỏ bao tiêu để giá khí cạnh tranh theo thị trường thì hậu quả thật khó lường”, một quan chức thuộc một bộ chuyên ngành chua xót.
 
Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, trong điều kiện nền kinh tế còn khó khăn, các nhà lãnh đạo cũng muốn có dự án lọc dầu trong nước bởi lâu nay chỉ xuất thô, mỏ dầu gần cạn kiệt; tăng cường nguồn cung ứng điện năng… Các nhà đầu tư nắm được tâm lý đó nên họ yêu cầu ưu đãi, hỗ trợ nhiều thứ và VN phải chấp nhận. "Nhà đầu tư nước ngoài lẽ ra phải mang đến lợi ích cho nước chủ nhà, đằng này gánh nặng kinh tế đều đổ lên đầu chủ nhà nên cần phải xem xét lại và khắc phục ngay những quyết sách chưa đúng này", bà Lan nói.
 
Theo Anh Vũ (Thanh Niên Online)

Nổi bật