Vì vậy, cơ quan quản lý buộc phải minh bạch hơn, chuẩn hơn trong tuân thủ luật chơi. Liệu Việt Nam có tận dụng được cơ hội này để cải cách?
Chương đầu tư của CPTPP có một phần riêng (phần B) quy định về cơ chế giải quyết tranh chấp giữa nước chủ nhà và nhà đầu tư nước ngoài (ISDS). Cơ chế này cho phép nhà đầu tư được kiện Nhà nước ra trọng tài quốc tế độc lập, áp dụng ở tất cả các nước. Trường hợp các nước có thỏa thuận riêng về cơ chế này thì sẽ được ưu tiên giải quyết theo thỏa thuận đó.
Thực ra, CPTPP không phải là thỏa thuận đầu tiên về ISDS mà Việt Nam từng có. Nhiều hiệp định bảo hộ đầu tư, hiệp định thương mại song phương đã ký và có hiệu lực với Việt Nam cũng ghi nhận cơ chế này. Tuy nhiên, CPTPP có những cam kết đặc biệt hơn. Thứ nhất là quy định rất chi tiết nhiều vấn đề liên quan đến điều kiện, căn cứ khởi kiện, quy trình tố tụng... Thứ hai, trong trường hợp nước nhận đầu tư bị thua kiện mà không tuân thủ phán quyết của trọng tài thì CPTPP có cơ chế để buộc nhà nước phải thực thi bản án. Theo đó, nhà nước nơi nhà đầu tư mang quốc tịch có quyền yêu cầu thành lập ban hội thẩm để xem xét việc không tuân thủ này.
Vậy ai có thể thành nguyên đơn và đối tượng nào có thể thành bị đơn? Câu trả lời là nhà đầu tư có thể nhân danh cá nhân hoặc doanh nghiệp mà mình đầu tư kiện cơ quan nhà nước Việt Nam cấp trung ương, địa phương và bất kỳ chủ thể nào, chẳng hạn như doanh nghiệp nhà nước khi thực hiện chức năng của Chính phủ theo ủy quyền. Căn cứ để khởi kiện là việc bị vi phạm các nghĩa vụ hoặc bị gây tổn thất, thiệt hại. Đặc biệt, cơ chế ISDS cho phép kiện từ giai đoạn đăng ký đầu tư. Nghĩa là, ngay từ giai đoạn đăng ký, nhà đầu tư “bị làm khó làm dễ” về các thủ tục hành chính là đã có thể khởi kiện.
Trao đổi với TBKTSG bên lề một hội thảo giới thiệu về CPTPP mới đây, một thành viên đoàn đàm phán Chính phủ không muốn nêu tên chia sẻ, chính vì sự rõ ràng, cụ thể với từng chi tiết cam kết, chọn bỏ, bảo lưu... của CPTPP này mà nguy cơ bị khởi kiện rất cao. Bởi lẽ, chỉ cần hành xử không phù hợp theo cam kết là đã vi phạm, tạo căn cứ khởi kiện. Rủi ro này lại càng lớn khi Việt Nam đang áp dụng cơ chế phân cấp đầu tư như hiện nay (địa phương được quyền cấp phép dự án, tùy theo quy mô, mức độ). “Việc phân quyền như hiện nay tạo ra quyền lực rất lớn cho các địa phương. Đó là lý do cấp phép tràn lan và rút phép cũng rất tự nhiên như đã xảy ra. Với CPTPP, điều nguy hiểm là một ông trưởng khu công nghiệp cấp phép sai, bị khởi kiện là Chính phủ phải chịu. Vì dù là giấy phép của một khu công nghiệp nhưng có giá trị pháp lý”, vị này nói.
Nguy cơ này, nhìn theo hướng tích cực, sẽ giúp tư duy quản lý ở trung ương và địa phương phải thay đổi theo hướng minh bạch, chuẩn hóa, phải cải thiện môi trường đầu tư, thực hiện đúng các cam kết một cách nhất quán, từ quy định đến thực thi, từ bộ xuống tỉnh... để phòng tránh chuyện bị nhà đầu tư khởi kiện. Đồng thời, doanh nghiệp cũng phải làm ăn đàng hoàng, minh bạch.
Tuy nhiên, nhìn vào thực tế hiện tại thì như nhận xét của thành viên đoàn đàm phán Chính phủ kể trên, khả năng bị khởi kiện là rất lớn. Bởi lẽ, CPTPP sẽ có hiệu lực vào đầu năm tới nhưng nguy cơ này chưa được các địa phương nhận ra. Bản thân ông đã được mời đến rất nhiều địa phương để nói về CPTPP nhưng rất nhiều lãnh đạo, cơ quan quản lý không biết gì về nguy cơ này cũng như hiệp về định nói chung. Trong khi đó, ban hội nhập quốc tế ở nhiều địa phương gần như không hoạt động. Thông tin không thiếu nhưng họ thiếu chủ động tìm kiếm cũng như tư duy mở để tiếp nhận.
“Một khi bị khởi kiện, chưa nói đến việc đền bù nếu bị thua kiện mà ngay cả chi phí để thuê luật sư cũng đã lên tới hàng chục triệu đô la Mỹ. Những vụ kiện mà Việt Nam đang phải theo với vai trò bị đơn là minh chứng cụ thể”, ông này nhấn mạnh.
Theo Bùi Tâm An (Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn)