Nguy cơ chiến tranh tiền tệ khi Trung Quốc liên tục hạ giá nhân dân tệ

20/07/2018 13:35:51

Làm yếu NDT có thể hỗ trợ xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế cho Trung Quốc, nhưng cũng làm tăng căng thẳng với Mỹ.

Hôm nay, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) hạ giá NDT ngày thứ bảy liên tiếp, đẩy giá đồng tiền này xuống đáy một năm so với USD, tại 6,7671 NDT đổi một đôla Mỹ. Sau thông tin trên, giá NDT trên thị trường quốc tế giảm thêm 0,7% nữa, trước khi hồi phục trở lại.

Theo CNN, trong 3 tháng qua, NDT đã mất giá khoảng 8%. PBOC trước đó cũng từng ám chỉ sẵn sàng chấp nhận nội tệ yếu đi. NDT yếu đi có thể giúp Trung Quốc xuất khẩu được nhiều hàng hóa hơn, vì giá rẻ hơn nếu tính theo USD, bù đắp phần thiệt hại do thuế nhập khẩu của Mỹ. Việc này từ đó sẽ thúc đẩy tăng trưởng GDP, chỉ số đã xuống thấp nhất gần 2 năm trong quý II.

Theo giới phân tích, các động thái của Trung Quốc có thể khiến nước này hứng chịu đòn trả đũa từ Mỹ. Tổng thống Mỹ - Donald Trump hôm qua tỏ ra không hài lòng về việc Fed nâng lãi suất, do đồng đôla mạnh “sẽ khiến Mỹ bất lợi”. Lãi suất tăng thường kéo theo nội tệ mạnh lên, do nhà đầu tư ngoại bị thu hút bởi khoản lời cao hơn. Chiến tranh thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới vì thế có thể sẽ biến thành chiến tranh tiền tệ.

Nguy cơ chiến tranh tiền tệ khi Trung Quốc liên tục hạ giá nhân dân tệ
Nhân viên kiểm tiền tại một chi nhánh của Bank of China. Ảnh: Reuters

Không như USD hay Euro, NDT không được thả nổi. Hàng ngày, PBOC sẽ thiết lập tỷ giá tham chiếu để quản lý biến động của đồng tiền này. Ken Cheung - nhà phân tích tiền tệ tại ngân hàng đầu tư Mizuho nhận định động thái của PBOC cho thấy, cơ quan này sẵn sàng hạ giá NDT để hỗ trợ nền kinh tế.

Dù vậy, họ cũng sẽ phải trả giá cho việc này. NDT yếu sẽ làm tăng căng thẳng thương mại với Mỹ. Ông Trump từ lâu vẫn chỉ trích Trung Quốc cố tình ghìm NDT ở mức thấp để hỗ trợ xuất khẩu. Giới phân tích cho rằng từ sự hỗn loạn trên thị trường trong nước và thế giới mà đợt phá giá NDT năm 2015 và đầu năm 2016 gây ra, Trung Quốc khó có thể dùng NDT yếu làm vũ khí trong chiến tranh thương mại.

Bên cạnh đó, câu hỏi đặt ra là NDT có thể giảm sâu đến đâu. Nếu nó mất giá quá nhanh, nhà đầu tư sẽ mất niềm tin vào Trung Quốc và ồ ạt rút vốn. Họ có thể muốn chuyển sang tài sản khác, như USD hay các ngoại tệ khác. “Giới chức Trung Quốc sẽ phải ngăn nội tệ biến động quá mạnh, dù là theo hướng nào”, Hannah Anderson - chiến lược gia thị trường toàn cầu tại JPMorgan Asset Management cho biết.

Việc này sẽ khiến Trung Quốc phải rất thận trọng. Qi Gao - nhà phân tích tiền tệ tại Scotia Bank dự báo NDT sẽ còn yếu thêm 2% so với USD. Đây sẽ là ngưỡng giới chức cảm thấy cần phải can thiệp để ngừng đà giảm này lại.

Chứng khoán châu Á hôm nay cũng đi xuống do các động thái từ Trung Quốc. Shanghai Composite đã giảm phiên thứ 6 liên tiếp, hiện mất 0,12%. Hang Seng Index (Hong Kong) mất 0,58%. Nikkei 225 (Nhật Bản) và Kospi (Hàn Quốc) lần lượt giảm 0,68% và 0,06%.

“NDT yếu đi có thể ảnh hưởng lên cổ phiếu châu Á theo nhiều cách. Thứ nhất, nó làm giảm sức cạnh tranh của nhiều nền kinh tế trong khu vực. Thứ hai, dòng vốn rút khỏi Trung Quốc có thể làm gián đoạn thị trường vốn nước này, gây tác động lan truyền đến châu Á. Cuối cùng, NDT yếu sẽ khiến căng thẳng thương mại thêm trầm trọng”, Shusuke Yamada - chiến lược gia cổ phiếu và tiền tệ tại Bank of America Merrill Lynch kết luận.

Theo Hà Thu (VnExpress.net)