Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) vừa thông báo lạm phát tháng 11 của Mỹ là 6,8%. Đây là mức lạm phát cao nhất kể từ tháng 6/1982 khi lạm phát ở mức 7,1%.
Nhiều chuyên gia nhận định mức lạm phát này chưa lớn tới mức để Fed quyết định nâng lãi suất song đã làm giá vàng tăng nhẹ vì nhiều nhà đầu tư đang có xu hướng tìm đến vàng như một nơi trú ẩn an toàn trong bối cảnh các kênh đầu tư khác có nhiều biến động bất thường.
Mới đây, ông Edward Moya, chuyên gia vàng của Quỹ Oanda, cho biết trên Reuters, báo cáo lạm phát tháng 11 của Mỹ đã xóa bỏ tin đồn Fed tăng lãi suất trong năm nay và điều đó sẽ giữ kỳ vọng tăng lãi suất của Fed sang năm 2022. Và vàng đang hưởng lợi từ điều này.
Đồng quan điểm, ông Phillip Streible, chiến lược gia trưởng của Blue Line Futures, trong bài trả lời phỏng vấn trên Kitco vào tuần trước, cho hay: "Tôi lạc quan vào giá vàng trong tuần tới. Fed sẽ thắt chặt tiền tệ, lợi suất trái phiếu và chỉ số đồng USD sẽ giảm xuống thì vàng là một nơi đầu tư tốt vào thời điểm này”.
Ông Christopher Ecclestone, chuyên gia phân tích của Công ty Hallgarten, cũng có chung nhận định. Ông Christopher Ecclestone cho biết trên Kito, nếu lạm phát tiếp tục tăng và đặc biệt là nếu giá bất động sản ngừng tăng hoặc bắt đầu đi xuống thì các nhà đầu tư sẽ cố gắng tìm nơi đầu tư tiền của mình. Lạm phát tăng thì nhiều nhà đầu tư sẽ tìm đến vàng. "Theo truyền thống, vàng là hàng rào chống lại lạm phát. Nhưng hiện nay, nhiều người đang sử dụng vàng như một phương thức tiết kiệm” ông Christopher Ecclestone cho biết.
Ông Christopher Ecclestone nhận định: dưới tác động của lạm phát, giá vàng có thể tăng lên 2.000 USD/ounce trong 12 tháng tới và có khả năng tăng lên 3.000 USD/ounce vào năm 2026.
Thậm chí, ông Leigh Goehring, Giám đốc quản lý Quỹ Goehring & Rozencwajg Associates, mới đây nhận định trên Kitco rằng: tới năm 2028, có khả năng giá vàng sẽ leo lên con số 10.000 USD/ounce.
Theo ông Christopher Ecclestone, chỉ khi các ngân hàng trung ương điều tiết để giảm lạm phát thì giá vàng mới đi xuống. Nhưng lạm phát đang có chiều hướng đi lên, nhất là ở Mỹ, Anh và đang có nguy cơ vượt quá tầm kiểm soát.
Còn theo ông Bart Melek, người đứng đầu chiến lược toàn cầu của TD Securities, vàng phản ứng trước diễn biến của Fed. Giá vàng vào tuần này sẽ giao dịch ổn định quanh mức 1.760 - 1.800 USD/ounce. Ông Bart Melek nhận định, vàng đang có xu hướng phục hồi trở lại.
Dự báo về giá vàng trong thời gian tới, các nhà phân tích hàng hóa tại Ngân hàng Societe Generale của Pháp cho biết, giá vàng sẽ giao dịch quanh mức 1.900 USD/ounce vào quý III năm 2022. Tháng trước, ngân hàng Pháp này cũng dự báo giá vàng sẽ tăng lên mốc 1.945 USD/ounce trong quý đầu tiên của năm 2022.
Ngân hàng Societe Generale cũng cho rằng, giá vàng dù gặp khó khăn trong suốt năm 2021 nhưng tương lai của kim loại quý này vẫn rất tốt do lãi suất thực tế thấp sẽ tiếp tục hỗ trợ giá vàng.
Bên cạnh đó, theo nhiều chuyên gia, sự phục hồi của giá dầu cũng là yếu tố quan trọng giúp giá vàng tăng giá. Song giá vàng vẫn bị kìm hãm bởi lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng liên tục trong tuần vừa qua.
Giới phân tích cho rằng, giá vàng tuần này sẽ có xu hướng tăng nhẹ do diễn biến kinh tế Mỹ có nhiều dấu hiệu mới về tiền tệ và lạm phát.
Mở phiên đầu tuần, giá vàng thế giới tiếp đà đi lên nhờ báo cáo lạm phát của Mỹ vượt dự báo. Vào đầu giờ sáng 13/12 (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới giao ngay quanh ngưỡng 1.787,1 USD/ounce, tăng 4,2 USD/ounce so với kết thúc phiên cuối tuần. Đến sáng 14/12 (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới quanh ngưỡng 1.788,7 USD/ounce, tăng 5,3 USD/ounce so với đêm 13/12. Tới 18h50' ngày 14/12, giá vàng thế giới được giao dịch ở mức 1.784 USD/ounce, giảm nhẹ so với đầu giờ sáng.
Trong khi đó, giá vàng trong nước ở 2 phiên đầu tuần cũng tăng theo diễn biến giá vàng thế giới. Kết thúc phiên giao dịch ngày 14/12, giá vàng miếng 9999 trong nước được Tập Đoàn Vàng bạc đá quý Doji ở mức 60,90 triệu đồng/lượng (mua vào) và 61,60 triệu đồng/lượng (bán ra) tại Hà Nội và 60,90 triệu đồng/lượng (mua vào) và 61,70 triệu đồng/lượng (bán ra) tại TP.HCM. Còn giá vàng miếng tại SJC niêm yết ở mức 60,90 triệu đồng/lượng (mua vào) và 61,62 triệu đồng/lượng (bán ra) tại Hà Nội và 60,90 triệu đồng/lượng (mua vào) và 61,60 triệu đồng/lượng (bán ra) tại TP.HCM.
Hiện chênh lệch giữa giá vàng trong nước và quốc tế vẫn rất cao. Giá vàng trong nước đang cao hơn giá vàng thế giới khoảng gần 12 triệu đồng/lượng. Mức chênh lệch này khiến người mua vàng trong nước đang phải trả mức giá đắt hơn tới hơn 20% để sở hữu cùng một lượng vàng như trên thị trường thế giới.
Theo Anh Tuấn (VietNamNet)