Nguồn: iMf (2007-2011) và NHNN (2012-2015). |
Một ngày sau đó, trên VTV phát thông tin: Theo nguồn tin từ NHNN cho biết, lượng tiền gửi USD từ các tổ chức tín dụng ra nước ngoài vào quý 3/2015 chỉ dao động trung bình từ 2 - 3 tỷ USD. “Đây là diễn biến tương đối ổn định, không có gì bất thường như con số 6 tỷ USD mà Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách đưa ra trước đó”, nguồn tin này nói.
Ngày 15/4, TS Nguyễn Xuân Thành - Giám đốc Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright dưới góc độ nghiên cứu đã lý giải sự khác nhau của các con số này. Theo đó, TS Nguyễn Xuân Thành phân tích với điểm nhấn đều dựa vào số liệu của NHNN Việt Nam công bố.
Thứ nhất, dòng tiền và tiền gửi (currency and deposits) xuyên biên giới là dòng tiền mà các tổ chức/cá nhân trong nước gửi ra nước ngoài không có hoặc có kỳ hạn rất ngắn. Đúng theo định nghĩa tiền và tiền gửi không phải là tiền chuyển ra nước ngoài để thanh toán dịch vụ (du lịch, y tế, giáo dục); không phải là tiền đầu tư trực tiếp ra nước ngoài; không phải là tiền đầu tư chứng khoán nước ngoài; không phải là tiền cho vay có kỳ hạn.
Thứ hai, trong quý 3/2015 (từ đầu đến cuối quý), dòng tiền 7,968 tỷ USD đã đi từ Việt Nam ra nước ngoài dưới dạng tiền gửi. Trừ đi khoản phải thu khác là 104 triệu USD, thì dòng tiền còn 7,864 tỷ USD. Trong số đó, có 5,968 tỷ USD (gần 6 tỷ) là tiền gửi của các tổ chức tín dụng (TCTD) của Việt Nam ra nước ngoài. “Con số 6 tỷ USD mà các báo trích dẫn là vậy– chỉ tính của các TCTD, chỉ tính trong quý 3/2015 và số gộp không điều chỉnh cho dòng tiền vào”, ông Thành lưu ý.
Thứ ba, ngoài tiền gửi của các TCTD, còn có dòng tiền 2 tỷ USD là của “khu vực khác” gửi ra nước ngoài trong quý 3/2015. Cũng trong quý 3/2015, có dòng tiền 535 triệu USD là tiền gửi của tổ chức/người nước ngoài vào Việt Nam.
Tiền gửi ra nước ngoài tăng đột biến trong quý 3/2015. Ảnh: Hồng Vĩnh. |
Khả năng lớn hơn, theo vị này, hiện Việt Nam đang có một số ngân hàng có chi nhánh tại Đông Nam Á. Với các nước phương Tây hay như Mỹ, Úc luật pháp nghiêm thì khó còn với cùng khu vực, không loại trừ có thể có ngân hàng đã tính cách lách qua hình thức đầu tư để chuyển tiền sang kia gửi. “Nhưng khi đó, NHNN sẽ kiểm soát đường đi của chứng từ; chưa kể một trong những đầu tư ra nước ngoài phải xin Bộ Kế hoạch Đầu tư và số tiền đó ra nước ngoài bao nhiêu cũng sẽ phải có xác nhận của NHNN tỉnh thành phố...”, vị này giải thích.
Còn theo chuyên gia ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu, hiện tất cả các ngân hàng phần lớn đều có tài khoản ra nước ngoài nên mỗi ngày họ chảy bao nhiêu ra; rồi vào lại bao nhiêu, NHNN đều dễ dàng nắm được giao dịch (vì có báo cáo hàng ngày). Liệu có sự trùng lặp gì không với hiện tượng hai năm trở lại đây, nhiều người Việt đang “ngấm ngầm” thông qua một số công ty để mua bán sở hữu nhà, đất bên Mỹ, Úc...? Ông Hiếu dự đoán: Riêng về bất động sản, một người Việt Nam không thể chuyển tiền một cách chính thức qua tài khoản ra nước ngoài trừ trường hợp họ câu kết với một số ngân hàng. Nếu có, tôi cho là rất có thể đi theo con đường vòng qua một doanh nghiệp đầu tư ra ngoài”, ông Hiếu nói.
Trao đổi với Tiền Phong ngày 15/4, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, việc số liệu cao hay thấp đều là bình thường vì số liệu thể hiện cán cân thanh toán. “Quý 3 tiền gửi ngoại tệ NHTM tăng vọt là đúng do người dân và doanh nghiệp nặng nề về mặt tâm lý trước việc Nhân dân tệ phá giá họ lo tích trữ ngoại tệ. Tuy nhiên, nói vì lãi suất USD 0% nên tiền gửi nước ngoài thời điểm cuối quý 3 tăng lên là không đúng vì lãi suất được thực hiện 2 ngày sau đó từ quý 4”, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng lý giải.