Điều này dẫn đến rủi ro đầu tiên và đáng quan ngại nhất chính là khả năng người dân vay mượn vượt qua khả năng chi trả của bản thân.
Thông tin trên được nêu ra trong báo cáo chuyên đề vĩ mô "Tín dụng tiêu dùng - Cánh cửa cho tăng trưởng tín dụng" do Công ty Chứng khoán Rồng Việt mới công bố.
Theo báo cáo này, người tiêu dùng Việt Nam có tâm lý lạc quan thái quá vào khả năng thu nhập trong tương lai. Họ cũng sẵn sàng đánh đổi, vay mượn nhiều hơn cho chi tiêu ở thời điểm hiện tại.
Tính tới năm 2016, tỉ lệ tiết kiệm của Việt Nam chỉ đạt 29% GDP, khá thấp trong tương quan so sánh với các quốc gia trong khu vực, làm gia tăng quan ngại về khả năng trả nợ của người dân, theo báo cáo của Công ty chứng khoán Rồng Việt.
Cũng theo phân tích, nguồn vốn cho vay tiêu dùng chủ yếu từ hệ thống ngân hàng, đạt 23,27 tỉ USD, tương đương 87,6%, trong năm 2016.
Hiện nay, các ngân hàng thương mại cổ phần lớn như VPBank, Techcombank, HDBank... đều định hướng chiến lược phát triển mảng bán lẻ và đều sở hữu các công ty tài chính riêng trong khi đó các công ty tài chính cũng cung cấp 12,4% tổng vốn vay tiêu dùng.
Lý do các ngân hàng đẩy mạnh cho vay tiêu dùng là nhằm bù đắp nguồn lợi nhuận trong bối cảnh tỉ lệ lãi cận biên nhìn chung giảm và duy trì ở mức dưới 3%, thấp hơn nhiều so với các quốc gia trong khu vực.
Báo cáo cho biết vốn vay tiêu dùng từ ngân hàng hướng đến các khoản cho vay lớn như mua bán và sửa chữa nhà ở (54,3%) và phương tiện giao thông (9,4%).
Trong khi đó, việc đẩy mạnh cho vay tiêu dùng cũng thúc đẩy thị trường bán lẻ trong đó tivi, tủ lạnh... chiếm 28% tổng giá trị cho vay của công ty tài chính.
"Tuy nhiên, chúng tôi cũng cảnh báo tốc độ tăng trưởng quá nhanh của dòng vốn tín dụng tiêu dùng (dự kiến 30%/năm) có thể tạo ra những sai lệch so với định hướng ban đầu. Những rủi ro tiềm ẩn không thể bỏ qua khi hơn hơn 50% dòng vốn tín dụng tiêu dùng chảy vào khu vực nhà đất là một động lực rất lớn hỗ trợ sự hồi phục của thị trường", báo cáo viết.
Theo A.Hồng (Tuổi Trẻ)