Người Việt đã phải trả thuế bảo vệ môi trường nhiều ra sao sau gần một thập kỷ?

06/07/2018 13:42:38

Việc tăng thuế bảo vệ môi trường kịch trần với xăng dầu sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét trong vài ngày tới. Nhìn lại lịch sử các lần tăng thuế, có thể thấy người dân chi trả khoản tiền nhiều như thế nào.

Mỗi năm ngân sách thu hàng chục nghìn tỷ đồng từ thuế môi trường

Mặc dù vấp phải sự phản đối dữ dội từ phía nhiều Bộ, ban ngành, chuyên gia kinh tế lẫn người tiêu dùng, Bộ Tài Chính vẫn kiên định với quan điểm tăng kịch khung thuế bảo vệ môi trường với xăng lên mức 4.000 đồng/lít, với dầu lên mức 2.000 đồng/lít. 

Đề xuất này sẽ được xem xét trong vài ngày tới, nếu được Ủy Ban Quốc hội thông qua, biểu thuế mới có thể áp dụng từ tháng 10.

Chỉ tính riêng mặt hàng xăng, trong tương quan giá bán hiện tại ở mức khoảng 22.000 đồng/lít, số tiền thuế môi trường dự kiến tăng lên 4.000 đồng đang chiếm tỷ trọng lớn, gần 20%. Mức này cũng là cao nhất trong số các loại thuế mà mỗi lít xăng phải "gánh" (gấp đôi thuế nhập khẩu và tiêu thụ đặc biệt hay thuế giá trị gia tăng).

Hiện mỗi lít xăng đang chịu 3.000 đồng thuế bảo vệ môi trường, mức này áp dụng từ tháng 5/2015, tăng 3 lần so với biểu thuế 1.000 đồng của năm 2012.

Sau hai lần điều chỉnh mức thuế môi trường với mặt hàng xăng, so với hiện tại, tỷ trọng thuế xăng dầu đã tăng gần 16% (từ 4,1% giai đoạn năm 2012 lên 20% năm 2018). Mức tăng là 6% từ 14% năm 2015 lên 20% năm 2018.

Điều này khiến số tiền thuế bảo vệ môi trường mà người dân phải đóng (áp dụng cho 8 nhóm sản phẩm hàng hóa) tăng vọt lên gấp nhiều lần. Trong đó, nhóm xăng dầu, than đá chiếm chủ yếu (khoảng 99%) tổng số thu thuế bảo vệ môi trường qua các năm.

Số liệu của Bộ Tài chính cho thấy, nếu mức thuế bảo vệ môi trường tăng kịch trần có hiệu lực từ ngày 1/7 năm nay, sẽ bổ sung cho ngân sách hơn 57.000 tỷ đồng thuế bảo vệ môi trường, tăng khoảng 15.684 tỷ đồng mỗi năm. 

Năm 2015 con số đó là khoảng 27.020 tỷ đồng, năm 2016 khoảng 44.323 tỷ đồng và năm 2017 là khoảng 44.825 tỷ đồng.

Người Việt đã phải trả thuế bảo vệ môi trường nhiều ra sao sau gần một thập kỷ?
Theo Bộ Tài chính, điều chỉnh tăng thuế bảo vệ môi trường kịch trần với mặt hàng xăng dầu giúp ngân sách tăng hơn 15.000 tỷ đồng mỗi năm.

Nhìn lại thời điểm từ khi Quốc hội khóa XII tại kỳ họp thứ 8 thông qua Luật thuế bảo vệ môi trường và có hiệu lực thi hành kể từ 1/1/2012, quy định Biểu khung thuế đối với 8 nhóm sản phẩm, hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế, trong đó có xăng, dầu, thì thuế môi trường hai mặt hàng này chiếm tỷ trọng cao nhất.

Theo Bộ Tài Chính, ngân sách năm 2012 thu được hơn 11.100 tỷ đồng; năm 2013 tăng lên 11.500 tỷ đồng. Con số của năm 2014 là 11.970 tỷ đồng từ thuế môi trường. Như vậy, sau 7 năm, ngân sách có thể sẽ tăng 5 lần sau khi tăng thuế môi trường với mặt hàng xăng dầu lên kịch trần.

Giá cả trước sức ép của tăng thuế môi trường xăng dầu

Vấn đề tăng thuế phí sẽ tác động đến chỉ số giá tiêu dùng cũng đã được Bộ Tài Chính tính toán trước đây. 

Theo ban soạn thảo, với mức đề xuất tăng thuế bảo vệ môi trường với các loại xăng dầu lên kịch trần từ 1/7/2018, chỉ số giá tiêu dùng tháng 7 sẽ tăng hơn tháng 6 liền trước (khoảng 0,27-0,29%; tác động đến giá tiêu dùng bình quân năm 2018 khoảng 0,11-0,15%).

Tuy nhiên, viện dẫn cho việc tăng thuế môi trường là cần thiết, Bộ cho rằng tăng thuế để bổ sung nguồn ngân sách thiếu hụt cũng như khuyến khích sử dụng xăng dầu tiết kiệm.

Trong bối cảnh chung về giá dầu thô, giá xăng thế giới có xu hướng tăng cao trong 6 tháng đầu năm, làm ảnh hưởng đến giá xăng dầu trong nước, các chuyên gia đã cảnh báo việc tăng thuế môi trường xăng dầu có thể gây sức ép đến lạm phát.

Cụ thể, số liệu của Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) trong 6 tháng đầu năm, mặt hàng xăng dầu đã có 12 đợt điều hành. 

Giá bán lẻ tối đa các mặt hàng xăng dầu trong nước đã tăng từ 7,5-17,9% so với năm 2017, đẩy CPI bình quân 6 tháng đầu năm tăng 3,29% so với bình quân cùng kỳ năm 2017. Do đó, nếu tăng thuế bảo vệ môi trường xăng dầu, làm tăng giá xăng, khiến khả năng kiểm soát lạm phát dưới 4% do Quốc hội đề trong năm nay sẽ khó đạt.

Theo Hoàng Linh (Nhịp Sống Kinh Tế)

Nổi bật