Người trồng mắc ca cần chuẩn bị cho kịch bản xấu nhất

03/04/2015 11:13:15

Người trồng mắc ca hôm nay đang tính hiệu quả đầu tư của mình với giả định giá hạt mắc ca ở thời điểm hiện tại sẽ duy trì cho tới ngày họ thu hoạch.

Người trồng mắc ca hôm nay đang tính hiệu quả đầu tư của mình với giả định giá hạt mắc ca ở thời điểm hiện tại sẽ duy trì cho tới ngày họ thu hoạch.

Cơn sốt “cây tỷ đô ”
 
Vài tháng qua, báo chí trong nước có nhiều bài đề cập đến cây mắc ca và hiệu quả kinh tế vượt trội của nó. Nhiều cá nhân và tổ chức kinh tế cũng đã vào cuộc đẩy mắc ca lên thành cơn sốt với những cái tên mang đầy kỳ vọng như cây tỷ đô , cây chiến lược, cây nữ hoàng... Kế hoạch đầu tư cũng lên tới hàng chục ngàn tỷ với tham vọng nhân đôi diện tích và sản lượng mắc ca toàn cầu, biến Việt Nam thành thủ phủ mắc ca của thế giới.

Cây tỷ đô, hay hạt nữ hoàng là những cái tên chỉ được gọi ở vùng đỉnh của một chu kỳ giá lên, như cách người ta từng ca ngợi con cá tra là lợi thế tuyệt đối của Việt Nam, than đá, dầu mỏ là vàng đen giai đoạn 2007-2008, hay cao su là vàng trắng ở đỉnh giá 2010-2011.

 
Qua tìm hiểu sơ bộ, đầu ra của hạt mắc ca được dùng chủ yếu cho ngành thực phẩm vốn không phải là thứ hàng hóa thiết yếu không thể thay thế.

Về nguồn cung, cây mắc ca có thể trồng đại trà ở rất nhiều khu vực trên thế giới với yêu cầu kỹ thuật và chăm sóc khá đơn giản. Cây cho trái từ năm năm tuổi và đạt sản lượng tối ưu từ 12 tuổi kéo dài tới hơn 50 năm.

Mới chỉ được thương mại hóa vài chục năm gần đây bắt nguồn từ Australia và Hawaii, nhưng mắc ca giờ đã được trồng thành công ở nhiều quốc gia khắp các châu lục Úc, Phi, Á, Mỹ. Có thể kết luận trên góc độ cung cầu, hạt mắc ca hoàn toàn không có gì đặc biệt.

Trên góc độ của nhà quản lý, ngân hàng, hay nhà đầu tư, việc cổ vũ và tham gia vào “số đông” trong một cơn sốt đầu tư là một chiến lược đầy rủi ro và thường kém hiệu quả.

Từ khi mở cửa nền kinh tế, chúng ta từng chứng kiến nhiều cơn sốt tạo nên những làn sóng đầu tư ồ ạt ở rất nhiều các lĩnh vực khác nhau từ bất động sản, ngân hàng, chứng khoán, khoáng sản, cho tới các ngành hàng nông nghiệp như tôm, cá, cao su, cà phê, hồ tiêu, mía đường...

Mỗi con sóng đầu tư từ khi hình thành tới lúc cao trào đều cuốn vào nó rất nhiều nguồn lực con người, tài nguyên, tiền bạc của xã hội. Rồi khi những cơn sốt ấy đi qua, hậu quả để lại luôn rất nặng nề với đa số người trong cuộc nói riêng và cả nền kinh tế, xã hội nói chung.

Bản chất chu kỳ kinh tế và bong bóng đầu tư đều được tạo ra từ hành động bản năng theo đuổi lợi nhuận của người đầu tư. Ở đỉnh cao của mọi cơn sốt, giá cao khiến lợi nhuận kỳ vọng là rất lớn và số người tham gia luôn là đông nhất. Họ lấy kết quả lợi nhuận vượt trội của thiểu số trước đó trong một thị trường giá cao khi cầu áp đảo cung để lập kế hoạch đầu tư quy mô lớn cho mình. cây tỷ đô , hay hạt nữ hoàng là những cái tên chỉ được gọi ở vùng đỉnh của một chu kỳ giá lên.
 

Cơn sốt ấy hoàn toàn không khác gì cách người ta từng ca ngợi con cá tra là lợi thế tuyệt đối của Việt Nam, than đá, dầu mỏ là vàng đen giai đoạn 2007-2008, hay cao su là vàng trắng ở đỉnh giá 2010-2011. Nhưng giá tăng mãi rồi cũng sẽ giảm, ngay cả với những hàng hóa khan hiếm như vàng bạc hay thiết yếu như dầu mỏ. Chính sự gia tăng đột biến của vốn đầu tư chạy theo cơn sốt giá sẽ làm gia tăng nguồn cung và kết thúc mọi chu kỳ giá lên.
Người trồng mắc ca cần chuẩn bị cho kịch bản xấu nhất

“Số ít” những người đang bội thu từ mắc ca hôm nay đã phải trải qua nhiều khó khăn thăng trầm của những chu kỳ thị trường trước đó. Họ trụ lại được vì sở hữu vườn cây có năng suất tốt nhất, nguồn vốn vững vàng nhất, hiểu rõ nhất thị trường đầu ra để có sản phẩm chế biến có giá trị gia tăng cao. Những lợi thế đó giúp họ duy trì qua những năm khó khăn mà nguồn thu chỉ đủ trang trải chi phí tối thiểu. Sau từng ấy gian khổ và nỗ lực, siêu lợi nhuận hôm nay họ đang được hưởng là thành quả hoàn toàn xứng đáng.

Nhưng nhìn vào lịch sử giá 25 năm qua, mắc ca đã trải qua tới ba chu kỳ và mỗi lần tăng giảm cũng khốc liệt không kém bất kỳ loại nông sản nào. Giá có thể nhanh chóng giảm 50-60% sau khi đạt đỉnh. Lần này, nếu có sự tham gia quyết liệt của Việt Nam với tham vọng tăng gấp 2-3 lần diện tích và sản lượng mắc ca toàn thế giới, chu kỳ giá giảm tới đây của loại hạt này hứa hẹn sẽ kéo rất dài và khốc liệt chưa từng có.

Cần chuẩn bị cho kịch bản xấu nhất

Thương trường vốn dĩ khắc nghiệt như chiến trường, ở đó quy luật cung-cầu quyết định tất cả. Chính “số đông” đầu tư phong trào theo tiếng gọi của siêu lợi nhuận sẽ làm cán cân cung cầu thay đổi. Khả năng kiểm soát giá vốn thuộc về người bán khi nguồn cung hạn chế sẽ biến mất ngay khi những hạt mắc ca đầu tiên của “số đông” được thu hoạch. Nguồn cung tăng nhanh sẽ đẩy quyền quyết định giá sang cho người mua. Kết quả tất yếu như đã xảy ra với mọi ngành hàng khác là giá hạt mắc ca sẽ giảm sâu và kéo dài tới mức đám đông đầu tư theo phong trào thua lỗ, phá sản và bị đào thải khỏi cuộc chơi.

Khi giá giảm dưới giá thành, những vườn mắc ca tới tuổi thu hoạch sẽ bị bỏ hoang, hoặc chặt đi để thay thế bằng những loại cây khác đang vào cơn sốt mới, tái hiện những gì hiện đang xảy ra phổ biến với cây cao su, mía đường, vốn chỉ 4-5 năm trước còn đang là loại “cây vua”. Rồi sẽ chỉ còn “số ít” những người trồng năng suất cao nhất, trường vốn nhất, và kiên gan nhất còn trụ lại, để chờ một chu kỳ lên giá mới.

Những người bị cuốn vào cơn sốt đương nhiên có những niềm tin và tính toán của riêng mình. Họ tin nhu cầu mắc ca lớn gấp nhiều lần so với nguồn cung hiện có. Vì thế dù sản lượng toàn cầu tăng gấp đôi cũng chỉ đủ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của riêng Việt Nam chứ chưa nói tới thị trường toàn cầu, và 20 năm tới cũng chưa phải lo chuyện dư thừa loại hạt này...!

Tính toán cung cầu như vậy sẽ chỉ đúng nếu giá hạt mắc ca rẻ tới mức có thể cạnh tranh thị phần với hạt điều hay thậm chí đậu phộng. Khi ấy người Việt và người tiêu dùng toàn thế giới thay vì ăn các loại hạt phổ biến khác sẽ dùng mắc ca thay thế. Nhưng lúc đó liệu còn ai có lãi?

Tham gia vào cơn sốt mắc ca hay không là quyền quyết định của mỗi người. Nhưng trước khi quyết định bỏ tiền đầu tư, hãy chuẩn bị để có thể đương đầu và vượt qua kịch bản xấu nhất với giá mắc ca khi thu hoạch sẽ tụt giảm về dưới giá thành của đa số người trồng và kéo dài trong nhiều năm. Bởi quy luật muôn đời của mọi thị trường là lợi nhuận lớn không bao giờ thuộc về số đông.

Trên góc độ của nhà quản lý, ngân hàng, hay nhà đầu tư, việc cổ vũ và tham gia vào “số đông” trong một cơn sốt đầu tư là một chiến lược đầy rủi ro và thường kém hiệu quả. Khi chu kỳ giá giảm và khó khăn ập tới, người nông dân có thể phá sản kéo theo thua lỗ của ngân hàng, của nhà đầu tư, và gây tổn thất nguồn lực xã hội vốn khan hiếm.

Ngược lại, dưới góc nhìn tổng thể thì nguồn vốn tín dụng, lao động, và tài nguyên xã hội... nên được dùng để hỗ trợ những ngành Việt Nam có truyền thống và thế mạnh nhưng đang phải trải qua chu kỳ khó khăn giảm giá kéo dài như lúa gạo, thủy sản, cao su, cà phê...

Nguồn vốn dài hạn và những hỗ trợ chính sách quý báu lúc khó khăn này sẽ giúp người nông dân và doanh nghiệp Việt vượt qua giai đoạn đáy chu kỳ hiện tại. Chỉ khi trở thành “số ít” còn lại trên thị trường, chúng ta mới có hy vọng được hưởng thành quả tốt đẹp của chu kỳ giá lên sắp tới.
 
Theo Lê Chí Phúc (Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn)

Nổi bật