Người trồng hoa ở Mê Linh chi hàng trăm triệu đưa hoa ly lên Sa Pa "lánh nạn"

18/01/2016 11:39:01

Bỏ ra từ vài trăm triệu đến cả tỷ đồng để đưa hoa ly lên Sa Pa tránh nóng, nông dân Mê Linh đang chấp nhận chơi một ván bài đen đỏ mà nếu thua, họ có thể sẽ lâm vào bước đường cùng vì tất cả gia sản đều đã đem đi cầm cố.

Những ngày gần đây, câu chuyện hoa ly được mùa rớt giá không ngừng được nhắc đến. Không chỉ nông dân Tây Tựu (Từ Liêm - Hà Nội) chịu cảnh thua lỗ mà ở một làng trồng hoa nổi tiếng khác - Mê Linh, người dân cũng đang lâm vào cảnh lao đao.

Giống như ở Tây Tựu, hoa ly tại Mê Linh năm nay cũng bung nở sớm. Giá bán tuy có phần nhỉnh hơn ở Tây Tựu một chút, dao động từ 120.000 đồng đến 150.000/bó (10 cành) loại 5 tai. Tuy nhiên, với mức giá ấy, người dân vẫn thua lỗ nặng nề khi mà, số tiền bán ra chỉ bằng một nửa chi phí mua củ giống.

Những luống hoa dự kiến trồng phục vụ Tết âm lịch và dịp Valentine đều đang đến độ thu hoạch.

Nông dân Mê linh đang tìm mọi cách cứu hoa ly. Họ chăm sóc hoa hết sức cẩn trọng và chỉ cần cây nào chớm xòe búp là lập tức lấy lưới chụp vào.

Theo chị Thuận, chủ một vườn hoa ly tại đây cho biết, nông dân Mê Linh hầu hết đều trồng hoa ly với quy mô lớn, nhà nào trồng ít cũng từ 5 sào Bắc bộ (1.300m2) trở lên. Vì thế, số tiền vốn đầu tư ban đầu là rất lớn.

"Tính ra nếu chấp nhận bán cho thương lái với giá rẻ, khả năng chúng tôi lỗ nặng hơn ở Tây Tựu vì tôi và mọi người hầu hết đều trồng hoa trong bồn, trong chậu nên chi phí ban đầu rất lớn và tốn nhiều công sức".

Mạnh tay chi tiền tỷ đưa hoa lên Sa Pa... "nghỉ dưỡng"

Chua xót khi bao công sức, vốn liếng đều đổ vào hoa ly, nông dân Mê Linh tìm đủ mọi cách để tự cứu lấy mình. Nhiều hộ đã rủ nhau đem hoa lên "lánh nạn" trên Sa Pa (Lào Cai). Theo họ, thời tiết tại Sa Pa là điều kiện lý tưởng giúp "hãm phanh" tốc độ nở hoa và khiến thân cây ngừng phát triển.

Chị Thuận cho biết, gia đình chị đã chuyển tất cả hơn 1 mẫu (4.000m2) hoa ly lên Sa Pa. "Tôi chở bằng xe tải cỡ lớn, đi hết 33 chuyến. Mỗi chuyến hết 1 ngày đêm nên mỗi ngày phải huy động nhiều xe chở mới kịp. Giá thuê là 8 triệu đồng/lượt. Tính ra, riêng tiền thuê xe hết gần 300 triệu đồng, chưa kể lượt về".

Những chiếc xe tải sẵn sàng chở hoa ly lên Sa Pa "lánh nạn".

Người dân dốc hết hoa ly ra khỏi các bồn, chậu cảnh để tiện di chuyển.

Thỉnh thoảng, vẫn còn những chậu cây xấu mã bị vứt chỏng chơ ở lại.

Gia đình nào trồng hoa trực tiếp xuống ruộng cũng đã đào bới tất cả hoa ly và đem chúng đi xa hằng trăm cây số tránh nóng.

Chỉ còn sót lại vài hộ gia đình trồng quy mô nhỏ là không chuyển hoa đi xa...

... nhưng họ cũng đang từng ngày nghĩ cách "hãm phanh" cho hoa nở muộn hơn.

Theo người dân Mê Linh, chi phí đưa hoa lên Sa Pa rất đắt đỏ vì tiền công vận chuyển lượt đi, về, tiền thuê đất, tiền chi trả cho nhân công ăn, nghỉ để chăm sóc hoa tại đó. "Chưa kể là việc đi, lại cũng khiến một số cây hoa sức khỏe yếu bị gãy dập, không bán được", chị Thuận nói thêm.

"Nhà tôi đã chi hết 2 tỷ từ lúc trồng hoa ly tới giờ. Sắp tới tiền chở hoa ly từ Sa Pa về cũng tốn kém thêm nữa. Tài sản, đất đai bây giờ đều nằm ở ngân hàng. Ván bài này may rủi quá, tôi cũng chưa biết rồi cả gia đình sẽ đi về đâu", chị Ngọc, một người trồng hoa ly khác tâm sự.

Theo chị Ngọc, ngoài việc phải bỏ ra số tiền khổng lồ để đưa hoa ly lên Sa Pa, các hộ dân trồng hoa ly ở Mê Linh đang phải đánh cược với rất nhiều rủi do. Nếu chẳng may Sa Pa hạ xuất hiện băng giá thì hoa ly xem như hỏng hết. "Chúng tôi có khả năng thua lỗ đau đớn hơn tất cả những người trồng hoa khác", chị Ngọc nói bằng giọng chua chát.

Đưa hoa ly lên Sa Pa, người dân Mê Linh chẳng khác nào đánh đánh cược một ván bài có quá nhiều rủi ro.

Ngược lại, nếu điều kiện thời tiết thuận lợi, hoa ly bung nở vào đúng dịp Tết thì cũng không ai dám chắc, giá cả sẽ tăng cao. Trong khi đó, chi phí vận chuyển hoa qua lại giữa Sa Pa và Hà Nội đã khiến bản thân giá trị gốc của những bông hoa này bị đội lên cao gấp đôi so với bình thường.

Tuy nhiên, tất cả nông dân ở đây đều khẳng định, họ thà chấp nhận đánh cược toàn bộ gia sản để cứu hoa ly còn hơn là "bán đổ, bán tháo" cho cánh thương lái. "Tôi và nhiều người dân khác không muốn phá giá hoa ly vì nếu làm thế, năm sau thương lái lại tiếp tục được đà chèn ép. Hoa ly là loại hoa đắt đỏ vì nó vốn đã đắt từ củ giống rồi. Vả lại, khi đầu tư trồng loại cây này, tôi và nhiều người khác đã chấp nhận chơi một ván bài đỏ đen rồi", chị Thuận chia sẻ.

Có lẽ cũng chính vì tinh thần sẵn sàng chấp nhận rủi do này mà người dân Mê Linh không than phiền, không kêu gọi giúp đỡ. Họ như đang âm thầm chiến đấu để tự giải cứu những bông ly đã bung nở. Đến Mê Linh lúc này, người ta sẽ thấy hầu hết các ruộng hoa ly đều đã nhẵn nhụi. Không phải vì người dân đã thu hoạch hết mà là họ đã đem hoa "di tản" từ khoảng hơn 1 tuần nay, khi hiện tượng nắng ấm bắt đầu xuất hiện.

"Bây giờ chúng tôi đang dành tâm huyết chăm sóc các luống hoa nhỏ trồng để ra giêng thu hoạch. Nếu nắng ấm, có thể đợt hoa này sẽ nở trúng Tết. Riêng hoa đã nằm ở Sa Pa, bây giờ chỉ có thể cầu trời là ở nơi đó đừng có băng giá. Nếu được như vậy, may ra nông dân Mê Linh vẫn còn cách lấy sổ đỏ về nhà", chị Ngọc tâm sự.
 
>> Hà Nội: Hoa ly bung nở trước Tết, nông dân khóc ròng

Theo Thu Hường (Kenh14.vn/Trí Thức Trẻ)