Người thừa kế Samsung tìm cách đưa đế chế thoát cái bóng của cha

26/10/2020 16:02:20

Thách thức của Lee Jae-yong hiện tại là cải tổ đế chế đa ngành hàng đầu Hàn Quốc sau khi để các đối thủ dần bắt kịp.

Dưới sự lãnh đạo của cố chủ tịch Lee Kun-hee, Samsung Electronics trở thành cái tên nổi tiếng thế giới với TV màn hình phẳng và smartphone. Tuy nhiên, chương đó đã khép lại hôm qua (25/10), khi ông Lee Kun-hee qua đời ở tuổi 78, sau nhiều năm nằm viện vì đột quỵ.

Hiện tại, con trai ông – Lee Jae-yong – được coi là người thừa kế đế chế Samsung kể từ năm 2014, chính thức tiếp quản vị trí này. Tuy nhiên, tình hình hiện tại rất khác. Samsung đang ở thế thủ và chật vật tìm cách phát triển.

Samsung từng thống trị mảng phần cứng công nghệ dưới thời Lee Kun-hee. Tuy nhiên, trọng tâm của ngành này giờ đã chuyển từ sản phẩm sang các phần mềm điều khiển chúng, như trí tuệ nhân tạo, ứng dụng di động hay dữ liệu người dùng.

Người thừa kế Samsung tìm cách đưa đế chế thoát cái bóng của cha
Lee Jae-yong trong một sự kiện hồi tháng 5. Ảnh: Reuters

6 năm qua, Samsung chưa thể tạo ra phần mềm hay dịch vụ nào đủ sức mang lại sự trung thành cho các sản phẩm của mình. Dĩ nhiên, họ vẫn là một hãng sản xuất đồ điện tử thành công trên thế giới, tạo ra nhiều sản phẩm và linh kiện quan trọng, từ màn hình smartphone đến ổ cứng máy tính.

Tuy nhiên, thay vì biến đổi dưới thời Lee Jae-yong, Samsung lại đang gặp khó khi các đối thủ Trung Quốc dần bắt kịp về tính năng và vượt lên về giá cả. Amazon và Google – những đối thủ có nhiều kinh nghiệm về dịch vụ hơn so với Samsung, cũng đã ra mắt loa thông minh hay smartphone.

Lee Kun-hee nổi tiếng là người liều lĩnh. Ông thậm chí từng thúc giục các lãnh đạo "thay đổi mọi thứ trừ vợ con". Năm 1974, ông tự tin với khả năng chiến thắng của Samsung trong mảng bán dẫn đến mức bỏ tiền túi mua 50% cổ phần công ty Korea Semiconductor đang gặp rắc rối tài chính thời đó.

Cha của ông - Lee Byung-chull - người sáng lập đế chế Samsung cũng bị ý chí của con trai thuyết phục. Bước ngoặt đã xảy đến vào thập niên 90, khi Samsung Electronics vượt qua các đối thủ Nhật Bản. Hiện chip nhớ là mảng đem lại doanh thu lớn nhất cho hãng.

Người thừa kế Samsung tìm cách đưa đế chế thoát cái bóng của cha - 1
Lee Kun-hee (phải) và con trai Lee Jae-yong (trái) năm 2009. Ảnh: Reuters

Tuy nhiên, phong cách lãnh đạo này lại không xuất hiện ở Lee Jae-yong – người từng học tại Đại học Harvard và có thể nói được 3 thứ tiếng. Mike Cho – giáo sư kinh doanh tại Đại học Hàn Quốc nhận định ông và cha của Lee Jae-yong quản lý Samsung trong thời chiến, khiến cả hai có khao khát thành công rất lớn. Còn hiện tại, ông chưa rõ đâu là động lực của thế hệ lãnh đạo thứ 3 tại Samsung.

"Lee Jae-yong sinh ra trong một gia đình giàu có và đã ổn định", Cho nói, "Ông ấy được giáo dục một cách hoàn toàn khác".

Giới chuyên gia cho rằng đế chế Samsung sẽ có rất ít thay đổi ngay lập tức. Tập đoàn này hiện có hàng chục công ty con, nổi bật nhất là Samsung Electronics. Lee Jae-yong, cũng như cha mình, trao quyền điều hành việc kinh doanh hàng ngày cho 3 CEO Samsung Electronics. Dù vậy, các quyết định lớn vẫn phải thông qua ông.

Một câu hỏi hiện tại là cổ phần của Lee Kun-hee sẽ được chuyển cho các con như thế nào. Giới chức Hàn Quốc được cho là sẽ đánh giá thuế thừa kế - có thể lên tới 60% với cổ phần Samsung - trong vài tháng tới.

Park Sang-in – Giáo sư Đại học Quốc gia Seoul nhận định các em gái của Lee Jae-yong khó có khả năng tranh giành với anh trai trong việc kiểm soát Samsung Electronics. Lee jae-yong cũng từng cho biết ông dành đến 95% thời gian của bản thân cho công ty. Dù vậy, các em gái của Lee có thể sẽ tìm cách chia tách vài mảng kinh doanh của đế chế cho mình.

Theo Interbrand, Samsung hiện là thương hiệu giá trị thứ 5 thế giới, sau Apple, Amazon, Microsoft và Google. Tuy nhiên, thương hiệu này từ lâu vẫn nhấn mạnh vào việc sản phẩm thành công nhờ cá tính của người lãnh đạo.

Lee Jae-yong có thể giao tiếp thành thạo bằng tiếng Anh. Ông tích cực kết giao hơn so với những người tiền nhiệm sau khi tiếp quản công ty. Ông tạo dựng mối quan hệ với những người nổi tiếng tại Thung lũng Silicon, như Tim Cook của Apple. Ông thậm chí tham gia Hội nghị Sun Valley nổi tiếng tại Idaho. Lee cũng là người nước ngoài duy nhất được Tổng thống Mỹ Donald Trump mời đến Nhà Trắng cùng các lãnh đạo khác ngành công nghệ sau khi đắc cử năm 2016.

WSJ trích lời các nguồn tin thân cận cho biết việc sức khỏe của cha chuyển xấu khiến Lee Jae-yong phải hạn chế xuất hiện nhiều hơn trước công chúng, do văn hóa Hàn Quốc coi trọng truyền thống và thứ bậc. Cho đến khi qua đời, Lee Kun-hee vẫn giữ chức Chủ tịch Samsung Electronics, còn con trai làm phó.

Vài năm nay, việc lãnh đạo của Lee Jae-yong cũng không suôn sẻ. Ông liên tiếp gặp rắc rối pháp lý. Năm 2017, ông bị kết tội hối lộ cựu Tổng thống Hàn Quốc và bị tạm giữ gần một năm. Tháng trước, các công tố viên lại truy tố ông vì lừa đảo tài chính. Lee đến nay vẫn phản đối các cáo buộc này.

Vài năm gần đây, các thương vụ kinh doanh của Lee Jae-yong không mấy nổi bật, một phần vì sức khỏe của cha và các rắc rối pháp lý kể trên. Dù sở hữu gần 80 tỷ USD tiền mặt, Samsung vẫn chưa thực hiện thương vụ M&A lớn nào để mở rộng đế chế kinh doanh. Năm ngoái, họ tuyên bố sẽ đầu tư hơn 110 tỷ USD cho đến hết thập kỷ. Dù vậy, số vốn này chủ yếu dành cho các mảng kinh doanh hiện có.

Lee Jae-yong từng nói muốn bước ra khỏi cái bóng của gia đình, và cả của quá khứ. Khi bị điều tra hối lộ, ông cam kết với các nhà làm luật trong một cuộc điều trần năm 2016 rằng sẽ "bỏ cách làm cũ đi".

Đầu năm nay, Lee Jae-yong cũng đưa ra lời xin lỗi hiếm hoi về scandal hối lộ và các vấn đề khác liên quan đến việc kế nhiệm của ông. Lee cũng khẳng định sẽ không truyền lại vị trí lãnh đạo cho các con. Tuy nhiên, ông chưa đưa ra cam kết chắc chắn về việc sẽ làm điều đó như thế nào. Khi đó, ông chỉ giải thích: "Môi trường Samsung đang hoạt động đã khác rất nhiều so với trước kia rồi".

Theo Hà Thu (VnExpress.net)

Nổi bật