2020 là một năm chộn rộn của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán (TTCK) với lượng nhà đầu tư mới tham gia rất đông, chỉ số chứng khoán giảm sâu rồi tăng mạnh, thanh khoản thị trường gia tăng kỷ lục. Dưới tác động nghiêm trọng của đại dịch Covid-19, TTCK toàn cầu đã trải qua những biến động lớn. TTCK Việt Nam những tháng đầu năm 2020 cũng giảm đến 33% so với cuối năm 2019, tuy nhiên sau đó đã vượt lên mạnh mẽ và trở thành 1 trong 10 TTCK có sức chống chịu đại dịch và phục hồi tốt nhất thế giới. Cuối năm 2020, VN-Index đạt 1.103,87 điểm, tăng 67% so với thời điểm thấp nhất của năm 2020 và tăng 14,9% so với cuối năm 2019. HNX-Index tăng 98,1% so với cuối năm 2019.
Thống kê từ Ủy ban Chứng khoán nhà nước cho thấy quy mô thị trường cổ phiếu và thị trường trái phiếu tiếp tục duy trì đà tăng trưởng. Tính đến ngày 31-12-2020, vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt gần 5.294.000 tỉ đồng, tăng 20,8% so với cuối năm 2019, tương đương 84,1% GDP năm 2020. Thanh khoản của thị trường tăng mạnh lên mức cao kỷ lục, giá trị bình quân trên thị trường cổ phiếu đạt 7.420 tỉ đồng/phiên, tăng 59,3% so với bình quân năm 2019. Riêng trong quý IV, giá trị giao dịch bình quân đạt mức kỷ lục 11.593 tỉ đồng/phiên, tăng 2,5 lần so với cuối năm 2019. Thanh khoản trên thị trường trái phiếu tiếp tục tăng trưởng mạnh, bình quân đạt trên 10.393 tỉ đồng/phiên, tăng 13% so với năm 2019. Sự sôi động của thị trường một phần do sự tham gia của lượng nhà đầu tư mới gia tăng đột biến. Số lượng tài khoản nhà đầu tư trong nước tăng 16,7% so với cuối năm 2019. Trong đó, có đến gần 2,74 triệu tài khoản của nhà đầu tư trong nước (tăng 16,8%), 35.071 tài khoản nhà đầu tư nước ngoài (tăng 9% so với năm 2019).
Chuyên gia tài chính, chứng khoán Phan Dũng Khánh nhận định năm qua nếu nhà đầu tư nào tham gia thị trường mà tài sản không gia tăng 70% thì tạm gọi là thua bởi chỉ số VN-Index trong năm đã tăng gần 70%. Nhìn chung, những nhà đầu tư nắm giữ lâu từ điểm đáy, khoảng tháng 3, 4 -2020 và bán vào tháng 10, 11-2020 thì lãi đậm, còn nhà đầu tư nào thích lướt sóng thì thu lãi ít hơn. Chưa kể nếu mua nhằm mã chứng khoán tăng ít, bán mã tăng nhiều thì tỉ suất sinh lời càng thấp. "Nhà đầu tư mới tham gia thị trường, hay còn gọi là nhà đầu tư F0, là lực lượng góp phần làm sôi động thị trường chứng khoán nhất từ trước đến nay. Họ có thể không bỏ một số tiền quá nhiều vào thị trường nhưng lại giao dịch nhiều, sử dụng đòn bẩy đồng thời góp phần làm cho thanh khoản của thị trường gia tăng mạnh mẽ" - ông Phan Dũng Khánh nhận định.
Một số chuyên viên môi giới cho hay có những nhà đầu tư mua cổ phiếu có lãi mà không cần tìm hiểu, không biết nhiều về doanh nghiệp họ mua. Anh Phan Thành Bảo, môi giới lâu năm tại một công ty chứng khoán lớn, cho biết nhìn chung năm nay nhiều nhà đầu tư chứng khoán thắng, rất ít người thua. Tuy nhiên, rất ít người lãi lớn vì mỗi nhà đầu tư có "gu" cổ phiếu khác nhau, số vốn không giống nhau đặc biệt là khả năng chịu được mức lời, lỗ cũng khác. Bản thân anh đã tư vấn cho nhiều nhà đầu tư cũ, tạm gọi là FN, mua đúng vào điểm thị trường giảm sâu và để vài tháng sau mới bán nên lợi nhuận tốt.
Theo ông Đỗ Phương, tư vấn đầu tư tại một quỹ đầu tư quy mô trung bình, nếu nhà đầu tư nào dám "ôm" lâu những mã chứng khoán tăng vượt thị trường chung thì lãi lớn. Riêng những ai mua cuối năm 2020 chưa lãi nhiều mà bán ra lúc thị trường giảm sâu 2-3 phiên, mất gần 200 điểm và có tham gia dùng đòn bẩy thì sẽ thua lỗ nặng.
Nhà đầu tư đang rút vốn
Sau khi giảm mạnh và giảm nhẹ, rồi "lình xình" tăng, đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần (5-2), chỉ số VN-Index tiếp tục tăng 14,72 điểm, lên 1.126,91 điểm. HNX-Index tăng 0,16 điểm, đạt 223,84 điểm. Như vậy, tuần qua VN-Index đã tăng tổng cộng 70,3 điểm (6,7%); HNX-Index tăng 9,63 điểm (4,5%). UPCoM-Index tăng 1,81 điểm (2,5%) lên 73,89 điểm. Thanh khoản thị trường sụt giảm với tổng giá trị giao dịch 2 sàn chỉ hơn 14.000 tỉ đồng.
Điều thu hút nhà đầu tư là khối ngoại mua ròng. Tổng khối lượng mua ròng đạt 29,3 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị mua ròng 2.070 tỉ đồng. Trên sàn TP HCM, khối ngoại mua ròng tăng 64% so với tuần trước. Tuy nhiên, có động thái bán ra nhiều từ khối tự doanh của các công ty chứng khoán cho thấy dòng vốn được rút dần. Tổng khối lượng bán ròng ở mức 42,3 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị bán ròng là 468 tỉ đồng (tăng 15% so với tuần trước). Đây cũng là tuần bán ròng thứ 3 liên tiếp của dòng vốn này, với tổng giá trị 1.587 tỉ đồng.
Theo Sơn Nhung (Nld.com.vn)