Theo Tạp chí Tài chinh doanh nghiệp dẫn nguồn từ Bảo hiểm xã hội TP.HCM (BHXH TP.HCM), người đang hưởng mức lương hưu cao nhất trên địa bàn thành phố là ông P.P.N.T. Ông T đang nhận lương hưu với số tiền hơn 124 triệu đồng/tháng.
Cũng theo BHXH TP.HCM, ông T nghỉ hưu từ tháng 4/2015 với mức lương hưu 87 triệu đồng/tháng, sau nhiều lần điều chỉnh, mức lương hưu của ông T tăng lên 101 triệu đồng/tháng và nay là hơn 124 triệu đồng/tháng.
Trước khi nghỉ hưu, ông T là Tổng giám đốc một công ty có vốn đầu tư nước ngoài với mức lương “khủng, tới 250 triệu đồng/tháng,
Theo quy định của BHXH, vào thời điểm trước năm 2006, số tiền đóng bảo hiểm không bị giới hạn mức trần, vì thế trung bình trong hơn 15 năm đầu, ông T đóng 69 triệu đồng/tháng.
Đến khi Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006 có hiệu lực, mức trần đóng bảo hiểm được giới hạn không quá 20 tháng lương cơ sở. Mức đóng của ông T trong những năm còn lại trung bình chỉ khoảng 18 triệu đồng/tháng. Tháng cuối trước khi nghỉ hưu ông T đóng 23 triệu đồng/tháng tiền BHXH.
Nhiều người đặt câu hỏi “Ông T có phải đóng thuế thu nhập cá nhân hay không vì mức lương này cao hơn mức thu nhập phải đóng thuế rất nhiều?”.
Trao đổi với Dân Trí, đại diện BHXH TPHCM khẳng định lương hưu của người dân không phải đóng thuế thu nhập cá nhân. Trường hợp ông T. đang hưởng lương hưu hơn 124 triệu đồng/tháng hay bất cứ người dân nào đang hưởng lương hưu đều không phải đóng thuế thu nhập cá nhân.
Nghị định số 65/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân nêu rõ điều này.
Cụ thể, Điều 4 Nghị định 65/2013/NĐ-CP, Chính phủ quy định 14 nguồn thu nhập được miễn thuế. Trong đó, lương hưu được quy định tại khoản 10: "Tiền lương hưu do Quỹ BHXH chi trả theo quy định của Luật BHXH, tiền lương hưu nhận được hàng tháng từ Quỹ hưu trí tự nguyện. Cá nhân sinh sống, làm việc tại Việt Nam được miễn thuế đối với tiền lương hưu do nước ngoài trả".
Sau đó, Thông tư 111/2013/TT-BTC do Bộ Tài chính ban hành hướng dẫn rõ hơn việc thực hiện Nghị định 65/2013/NĐ-CP, quy định rất chi tiết các khoản thu nhập được miễn thuế tại Điều 3.
Lương hưu là khoản thu nhập được miễn thuế quy định tại điểm k, khoản 1 của Điều 3 Thông tư 111: "Tiền lương hưu do Quỹ BHXH trả theo quy định của Luật BHXH; tiền lương hưu nhận được hàng tháng từ Quỹ hưu trí tự nguyện. Cá nhân sinh sống, làm việc tại Việt Nam được miễn thuế đối với tiền lương hưu được trả từ nước ngoài".
Như vậy, lương hưu là khoản thu nhập được miễn thuế thu nhập cá nhân. Tuy nhiên, trong trường hợp người đã nghỉ hưu/người đủ tuổi nghỉ hưu tiếp tục làm việc, đầu tư, kinh doanh… và phát sinh thu nhập từ các công việc trên thì vẫn phải đóng thuế thu nhập cá nhân cho khoản thu nhập từ kinh doanh, tiền lương, tiền công này.
Lương hưu được tính thế nào?
Mức lương hưu hàng tháng của người lao động được tính như sau: Mức lương hưu hàng tháng = Tỷ lệ (%) hưởng lương hưu hằng tháng (x) Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH.
Tỷ lệ (%) hưởng lương hưu hằng tháng đối với lao động nam là đóng đủ 20 năm BHXH thì được 45% (người lao động nghỉ hưu năm 2021, đóng đủ 19 năm BHXH thì được 45%). Sau đó, cứ thêm mỗi năm đóng BHXH, được tính thêm 2%. Tỷ lệ (%) hưởng lương hưu hàng tháng tối đa là 75%.
Còn đối với lao động nữ, nếu đóng đủ 15 năm BHXH thì được 45%. Sau đó, cứ thêm mỗi năm đóng BHXH được tính thêm 2%. Tỷ lệ (%) hưởng lương hưu hàng tháng tối đa là 75%.
Trường hợp người lao động hưởng lương hưu trước tuổi quy định do suy giảm khả năng lao động theo quy định, thì tỷ lệ (%) hưởng lương hưu hàng tháng được tính như trên, sau đó cứ mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi quy định thì giảm 2%.
PN (Nguoiduatin.vn)