DN bình ổn thì phải giải cứu thị trường
Trung tuần tháng 7, xét thấy giá thành nguyên liệu và chi phí sản xuất tăng cao, ảnh hưởng tới các doanh nghiệp kinh doanh trứng gia cầm dẫn đến tình trạng thua lỗ, Sở Công Thương TP.HCM đồng ý với chủ trương cho tăng giá trứng khi cung ứng ra thị trường.
Tuy nhiên, bà Ba Huân - Tổng Giám đốc Công ty Ba Huân không đồng ý và khẳng định, các doanh nghiệp bình ổn đóng vai trò giải cứu thị trường, nếu tăng giá khiến giá trứng sẽ biến động lên cao. Hai lần đơn vị này xua tay từ chối đề nghị nâng giá từ phía Sở.
“Dân nghèo mới xài nhiều trứng nên tôi để giá bình ổn tới hôm nay. Anh Lê Minh Hoan (Bộ trưởng Bộ NN-PTNT) gọi điện và nói tôi hỗ trợ, tôi nói các anh đừng tăng giá, tôi cũng sẽ không tăng và đảm bảo cung ứng”, bà Ba Huân phát biểu tại buổi họp.
Công ty Ba Huân hiện cung cấp cho TP.HCM khoảng 1 triệu quả trứng mỗi ngày. Sau những ngày đầu thiếu trứng cục bộ, hiện nay, hệ thống các kênh phân phối tại thành phố đã ổn định việc bán trứng cho người dân.
Liên quan đến hoạt động cung ứng hàng hóa, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Thị Thắng thông tin, các chợ đầu mối và chợ truyền thống đóng cửa gần hết, siêu thị thì nay chỗ này có F0, mai chỗ kia có F0. Do đó, không thể đảm bảo hoàn hảo chuỗi cung ứng cho 10 triệu cư dân. Bà con cần sẻ chia với chính quyền thành phố trong giai đoạn này.
Bà Thắng dẫn chứng, trong vòng 15 ngày, một địa bàn đã cung cấp đồ ăn 4 lần nhưng người dân khu vực đó vẫn phản ánh lên mạng xã hội. Khi truy xuất thông tin, tìm đến hỏi chủ tài khoản thì người đó nói được cấp phát lương thực, nhưng chỉ có đồ khô mà không có cá, thịt tươi nên đã đăng lên mạng.
“Từ sự việc trên, tôi hiểu rằng không thể phục vụ hết nhu cầu của người dân. Nhưng nếu bà con không chia sẻ cùng chính quyền, chia sẻ cùng thành phố thì chúng ta gặp nhiều khó khăn. Thành phố sẽ đáp ứng dần nhu cầu của người dân chứ đáp ứng hết một lúc thì không ai có thể hứa trước”, lãnh đạo TP.HCM nói.
Doanh nghiệp muốn được tự xét nghiệm
Cũng tại buổi họp, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM Lý Kim Chi nêu ra một số khó khăn, vướng mắc gửi tới chính quyền.
Vị này kiến nghị cần lập “Tổ phản ứng nhanh của TP.HCM” trên cơ sở có sự tham gia của lãnh đạo thành phố, Sở Y tế, Sở Công Thương, Trung tâm kiểm soát bệnh tật để khi tiếp nhận thông tin từ doanh nghiệp, cần ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp sàng lọc, cách ly các đối tượng diện nguy cơ cao ra khỏi nhà máy. Phân lập các đối tượng, đưa vào khu riêng biệt để đảm bảo tiếp tục duy trì sản xuất cho doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, Hội Lương thực thực phẩm cũng đề xuất thành phố kiến nghị Bộ Y tế hoàn thiện bộ quy tắc và tổ chức huấn luyện cho các địa phương, doanh nghiệp thực hiện “Y tế tại chỗ” như tự xét nghiệm cho người lao động.
Đối với việc tự xét nghiệm cho công nhân, bà Phan Thị Thắng cho hay đã thống nhất tập huấn cho các doanh nghiệp. Đơn vị muốn mua mẫu test ở đâu thì mua (miễn sao nằm trong danh mục do Bộ Y tế ban hành), chỉ khi nào xuất hiện F0 mới cần liên hệ ngay cơ quan y tế.
“Doanh nghiệp có thể tự test, tuy nhiên tới giờ vẫn không thực hiện được. Thành phố sẽ chỉ đạo cụ thể hơn việc này”, bà Thắng giải đáp.
Đối với quá trình xử lý các ca F0, thời gian tới sẽ được thực hiện nhanh chóng và hiệu quả. Người thuộc diện F0 được tách ra khỏi cộng đồng rất nhanh, với đội ngũ xe cấp cứu trang bị đầy đủ ngay từ tuyến xã/phường. Mỗi phường có 2 xe cấp cứu gắn cả bình oxy, đội xe 115 cũng được tăng cường.
“Khi có F0 (tùy vào biểu hiện sức khỏe) sẽ chuyển ra các khu cách ly của quận/huyện hoặc về nhà. Kể cả lực lượng điều trị F0 với các bệnh nền cơ bản cũng có đầy đủ trang thiết bị ở tuyến dưới”, lãnh đạo thành phố thông tin.
Theo Quảng Định (VietNamNet)