Tại Hội thảo "Ai bảo vệ quyền lợi cư dân trong chung cư" mới đây, bà Ngọc Oanh, một hộ dân chung cư The Central Garden tọa lạc trên đường Võ Văn Kiệt, phường Cô Giang, quận 1 cho biết, căng thẳng giữa cư dân và ban quản trị cùng với chủ đầu tư cũ trở thành nỗi đau dai dẳng kéo dài suốt 10 năm.
Nội bộ của ban quản trị chung cư nơi bà ở chia thành 2 nhóm. Một nhóm bảo vệ quyền lợi cư dân và một nhóm bảo vệ quyền lợi của chủ đầu tư cũ (được gọi là nhóm lợi ích). Nhóm lợi ích cấu kết với chủ đầu tư, được đơn vị này hậu thuẫn nên lộng quyền.
Từ khi thành lập tháng 8/2018, ban quản trị chưa tổ chức hội nghị nhà chung cư thường niên theo đúng quy định, chưa đối thoại với cư dân mặc dù liên tục được yêu cầu. Không họp dân cư nhưng trưởng ban quản trị tự ý mang danh cá nhân ký các văn bản gửi cơ quan chức năng, ký các hợp đồng trái pháp luật như hợp đồng bảo trì thang máy... Cư dân nhiều lần gửi văn bản lên phường Cô Giang tố cáo nhưng không được giải quyết.
Thậm chí, khi cư dân liên tục yêu cầu tổ chức hội nghị nhà chung cư, ban quản trị đã soạn dự thảo mới và đưa ra quy định người tham dự phải đóng tiền ký quỹ trước cho ban quản trị. Trong cuộc họp, cư dân chỉ được ngồi nghe, nếu phát biểu trái ý ban quản trị sẽ bị phạt tiền và trừ vào tiền ký quỹ. "Đến mức như vậy thì có phải chúng tôi quá bị bắt nạt, quá đau khổ hay không", bà Oanh bức xúc.
Bà Oanh kể, ban quản trị tự ý nâng giá bảo trì thang máy lên 40%, hợp đồng này cũng không thông qua cư dân. Đồng thời, cấu kết với ban quản lý chủ đầu tư cũ thu tiền của dân lắp thẻ từ thang máy, chỉ đến khi có thông báo thu tiền cư dân mới biết. Mỗi căn hộ phải nộp hơn 1,254 triệu đồng (tổng cộng 380 căn hộ là hơn 476 triệu đồng) và buộc phải mua thẻ từ, nếu không mua thì tự leo bộ. Điều đáng nói là giá thành quá cao (cao hơn giá thị trường khoảng trên 4 lần) trong khi hợp đồng với đơn vị cung cấp là Schindler chỉ hơn 212 triệu đồng.
Tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Châm (sinh năm 1945) cũng kể lại câu chuyện "cười ra nước mắt" khi mua nhà không được nhận kéo dài nhiều năm qua. Bà Châm cho biết, 3 căn hộ tại Phú Hoàng Anh do con trai mua cho bà dưỡng già, các căn hộ đã được Sở Tài nguyên Môi trường TP HCM cấp sổ hồng cho chủ đầu tư là Công ty cổ phần Phú Hoàng Anh từ ngày 14/1/2017. Sau đó, chủ đầu tư đã sang tên sổ hồng cho con trai bà là Đỗ Hoàng Hưng, con trai tiếp tục tặng lại cho bà. Tuy nhiên, ban quản trị lại không mở cửa cho bà vào nhận nhà.
Ở tuổi 76, bốn năm qua, bà Châm ôm sổ hồng, giấy tờ ủy quyền, một mình đi gõ cửa từ ban quản trị tòa nhà, đến UBND xã, UBND huyện Nhà Bè, thanh tra Sở Xây dựng, Ban giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường... Mỗi tờ đơn gửi đi, mất 2-3 tháng mới nhận được trả lời, mang về nộp tại UBND huyện Nhà Bè để nhờ can thiệp... Thế nhưng, ban quản trị nhà chung cư Phú Hoàng Anh không cho bà vào nhà, đổ keo vào ổ khóa nhà, khóa luôn hai đầu cầu thang bộ thoát hiểm, lột bỏ luôn nút ấn thang máy lên tầng khiến bà không có đường nào để vào nhà.
Bà Châm cho hay, năm 2018, huyện Nhà Bè mời bà dự họp và ngầm thông báo là ban quản trị sẽ trả nhà cho bà thế nhưng ông Phạm Cường - Trưởng ban Quản lý chung cư Phú Hoàng Anh không cho bà vào họp. Bà phải ngồi chờ ngoài sân đến 12 giờ trưa rồi sau đó nhận câu trả lời là không được nhận nhà. Bà Châm đang thuê nhà ở quận 7 để ở và mong muốn các cơ quan chức năng, cơ quan hành pháp đồng hành giúp bà đòi quyền lợi chính đáng của mình.
"Ban quản trị là để giúp dân, cơ sở nào ban quản trị đổ keo không cho tôi vào nhà, thậm chí vi phạm luật phòng cháy chữa cháy khi khóa cầu thang thoát hiểm đường lên nhà của tôi", người phụ nữ 76 tuổi đặt câu hỏi.
Ông Hà Văn Tân, trưởng phòng Đô thị UBND huyện Nhà Bè cho biết, trường hợp của bà Nguyễn Thị Châm, phía UBND huyện đã tiếp cận từ cuối 2017, tiếp tục xử lý trong các năm 2018 - 2019 và đã mời các bên ngồi lại với nhau, đồng thời có văn bản yêu cầu Ban quản trị chung cư nhanh chóng giải quyết. Tuy nhiên, phía Ban quản trị cho biết họ chưa có căn cứ pháp lý để giải quyết mâu thuẫn. Mới đây, UBND huyện Nhà Bè đã báo cáo toàn bộ sự việc lên UBND TP HCM và hướng dẫn bà Châm nếu không đạt được mong muốn có thể tìm đến tòa án để giải quyết.
Đại diện Sở Xây dựng, ông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, sau khi phối hợp cùng Sở Tài nguyên Môi trường TP HCM rà soát cho thấy, việc cấp sổ hồng nhà cho bà Nguyễn Thị Châm hoàn toàn đúng pháp luật. Ai gây cản trở việc sở hữu nhà của bà Châm là hành vi trái pháp luật.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) cho biết: "Chúng ta không thể chấp nhận người mua nhà trả tiền nhưng không được nhận nhà. Không thể chấp nhận ban quản trị chung cư phớt lờ khuyến nghị của chính quyền địa phương và chèn ép cư dân".
Theo ông Châu, câu chuyện của bà Châm cho thấy huyện Nhà Bè tuy quan tâm xử lý khiếu nại của cư dân nhưng còn hơi "mềm" khi ban quản trị không chấp hành, huyện vẫn chưa làm đến nơi đến chốn. Còn rất nhiều những kiểu "bắt nạt" cư dân ở các chung cư trên thị trường hiện nay cần được các cấp chính quyền sát sao hơn nữa.
Chủ tịch HoREA giải thích, xét quyền lợi của người mua nhà chung cư, trước tiên họ có quyền được nhận nhà đảm bảo chất lượng và chủ đầu tư phải thực hiện các cam kết theo quy định và thỏa thuận trong hợp đồng mua bán. Thứ hai, cư dân có quyền sau 50 ngày được làm thủ tục cấp sổ hồng. Thứ ba, quyền được phục vụ và họ bầu ra ban quản trị để quản lý, vận hành chung cư.
Trả lời cho câu hỏi ai bảo vệ quyền lợi cho người mua chung cư, theo ông Châu, Nhà nước cần phải bảo vệ người dân thông qua thể chế pháp luật. Quy định đã phân rõ trách nhiệm của UBND phường, quận... các cấp. Thời gian đầu đưa vào vận hành chủ đầu tư có thể tham gia quản lý vận hành vì họ là chủ sở hữu khối đế, hầm giữ xe. Khi đến thời gian tổ chức hội nghị nhà chung cư là thời điểm chuyển giao sang ban quản trị quản lý, trong đó, có quy định chủ đầu tư là Phó trưởng ban quản trị nên chủ đầu tư cũng có trách nhiệm bảo vệ quyền lợi cho cư dân.
Vai trò của ban quản trị rất quan trọng trong việc giải quyết những xung đột lợi ích. Cần đấu tranh với những tiêu cực trong ban quản trị nhưng cũng cần khuyến khích các hoạt động hợp pháp của ban quản trị.
Những tổ chức xã hội nghề nghiệp cũng là đơn vị hỗ trợ cho cư dân. Bên cạnh đó còn có hệ thống tư pháp, các luật sư cũng sát cánh bảo vệ lợi ích cho cộng đồng cư dân trong chung cư. "Hiệp hội Bất động sản TP HCM cũng sẽ sát cánh bảo vệ lợi ích của cư dân và các chủ đầu tư chân chính", ông Châu cam kết.
Theo Trung Tín (VnExpress.net)