Người gửi tiền và vay tiền sẽ chịu tác động gì khi các ngân hàng áp dụng Basel II?

15/11/2016 09:54:00

BIDV, VietinBank, Vietcombank, Techcombank, ACB, VPBank, MB, Maritime Bank, Sacombank và VIB là những ngân hàng tiên phong được áp dụng thí điểm Basel II.

BIDV, VietinBank, Vietcombank, Techcombank, ACB, VPBank, MB, Maritime Bank, Sacombank và VIB là những ngân hàng tiên phong được áp dụng thí điểm Basel II.
 
Ảnh minh họa

Theo chương trình thí điểm áp dụng tiêu chuẩn Basel II đối với 10 ngân hàng được lựa chọn gồm BIDV, VietinBank, Vietcombank, Techcombank, ACB, VPBank, MB, Maritime Bank, Sacombank và VIB,từ tháng 2/2016 các ngân hàng này chính thức thí điểm thực hiện phương pháp quản trị vốn và rủi ro theo tiêu chuẩn Basel II. Đến năm 2018, cả 10 ngân hàng sẽ hoàn thành việc thí điểm, sau đó sẽ mở rộng áp dụng Basel II với các NHTM khác trong nước.

Mới đây, trong Nghị quyết về kế hoạch tái cơ cấu, ngày 8/11, Quốc hội đã yêu cầu từng bước áp dụng tiêu chuẩn Basel II tại các tổ chức tín dụng. Cụ thể, đến năm 2020, cơ bản các ngân hàng thương mại có mức vốn tự có theo chuẩn mực của Basel II, trong đó có ít nhất 12-15 ngân hàng thương mại áp dụng thành công Basel II.

Vậy Basel là gì và vì sao các ngân hàng lại bị yêu cầu phải thực thi nghiêm ngặt đến như vậy, khi áp dụng theo tiêu chuẩn này, quyền lợi của người gửi tiền và người vay tiền có bị ảnh hưởng gì không là câu hỏi nhiều người đặt ra và cần giải đáp.

Basel II với 3 trụ cột

Basel II là phiên bản thứ hai của Hiệp ước Basel, trong đó đưa ra các nguyên tắc chung và các luật ngân hàng của ủy ban Basel về giám sát ngân hàng. Hiệp ước này được coi là tiêu chuẩn tối thiểu để đánh giá các rủi ro mà ngân hàng phải đối mặt, cũng như nhằm tăng cường hiệu quả trong các hoạt động kinh doanh và quản lý nguồn vốn.

Basel II có 3 trụ cột chính bao gồm: (i) yêu cầu vốn tối thiểu; (ii) sự xem xét giám sát của quá trình đánh giá nội bộ và sự đủ vốn của các tổ chức tài chính; (iii) nguyên tắc thị trường tức sử dụng hiệu quả của việc công bố thông tin nhằm làm lành mạnh kỷ luật thị trường như là một sự bổ sung cho các nỗ lực giám sát.

Các ngân hàng đã và đang nhận ra những lợi ích kinh tế từ việc tuân thủ Basel II, ví dụ như giảm yêu cầu về vốn, nâng cao uy tín, hệ thống xếp hạng, chi phí vốn thấp hơn, định giá hiệu quả hơn. Song để có thể triển khai Basel II hiệu quả, tất cả các ngân hàng sẽ cần phải xác định lại chiến lược kinh doanh của họ cũng như các rủi ro tiềm ẩn. Trên thực tế, việc tính toán nhu cầu vốn theo hiệp ước này yêu cầu ngân hàng thực hiện khung rủi ro toàn diện trên toàn bộ tổ chức.

Tác động đến khách hàng thế nào?

Nói đến Basel II và tuân thủ các tiêu chuẩn, mọi người đều hình dung được rằng điều đó sẽ có lợi cho không chỉ sự ổn định, bền vững của bản thân các ngân hàng cùng hệ thống, mà còn cả với những khách hàng.

Còn về cụ thể, theo phân tích của TS Bùi Quang Tín, để xem xét tác động của Basel II đến người gửi tiền cần phải xem xét ở cả 3 trụ cột, nhưng có 2 trụ cột sẽ tạo nên sự tác động rõ ràng nhất.

Ở trụ cột thứ nhất, các ngân hàng phải đảm bảo chỉ số an toàn vốn CAR tối thiểu là 8%. Yêu cầu này thấp hơn mức 9% của Thông tư 36/2014 đang áp dụng nhưng với nhiều điều kiện về an toàn vốn của Basel khó khăn hơn quy định của Việt Nam nhiều. Để đáp ứng tiêu chuẩn này, các ngân hàng phải luôn cần vốn cấp 1 và cấp 2 đủ để bù đắp cho tổng tài có rủi ro.

Theo đó, ngân hàng có thể huy động vốn thông qua kênh trái phiếu chuyển đổi hay các công cụ nợ khác để tăng vốn cấp 2 khi mà vốn cấp 1 chưa thể tăng được tức là ngân hàng có thể phải tăng cường huy động vốn với mức lãi suất cao hơn thị trường từ khách hàng thì khi đó khách hàng sẽ có lợi hơn là gửi tiết kiệm thông thường.

Ở trụ cột thứ ba, khi áp dụng Basel II thì các ngân hàng buộc phải công bố thông tin tốt hơn, minh bạch hơn. Khi ấy khách hàng cũng sẽ có lợi rất nhiều khi nắm được nhiều thông tin từ phía ngân hàng để đưa ra quyết định của mình, đặc biệt trong thời gian tới khi mà Chính phủ cho thí điểm phá sản ngân hàng.

Tuy nhiên áp dụng tiêu chuẩn nào cũng sẽ có những điểm bất lợi, không với đối tượng này thì với đối tượng khác. Khi các ngân hàng đang quyết tâm tăng vốn để phù hợp với chỉ số CAR của Basel, với điều kiện tăng vốn cấp 1 khó khăn các ngân hàng phải nhờ vào việc tăng vốn thông qua các kênh vốn cấp 2, lúc đó các ngân hàng lại phải tăng lãi suất huy động cho kênh các công cụ nợ. Lúc này người gửi tiền thì có lợi nhưng người vay tiền thì bị thiệt hại khi mà họ phải vay với lãi suất cao hơn trước.

Ngoài ra, thông tin minh bạch tốt cho cả hệ thống,nhưng quá minh bạch theo Basel II thì khách hàng sẽ nắm hết thông tin của ngân hàng, họ sẽ chỉ lựa chọn các sản phẩm dịch vụ của ngân hàng tốt, còn ngân hàng dịch vụ kém hơn sẽ sớm bị loại khỏi cuộc chơi.

Theo Ngọc Toàn (Cafef.vn/Trí Thức Trẻ)

Nổi bật