Để hưởng mức lãi suất tiền gửi cao, khách phải thuộc diện VIP, có số tiền hàng chục tỷ đồng, trong khi người đi vay có thể phải trả lãi cao hơn do ngân hàng chịu chi phí vốn đắt đỏ.
Tuy nhiên, khi gửi và nhận sổ tiết kiệm, ông được thông báo chỉ được hưởng 6,8%. Hỏi ra mới biết mức 8% theo niêm yết chỉ dành cho khách hàng VIP, tức có số tiền gửi vài chục tỷ đồng trở lên. "Như vậy thì thử hỏi có bao nhiêu người dân như tôi được hưởng mức này", ông Hoà bộc bạch.
Cuộc đua lãi suất được đánh giá là không mang lại nhiều lợi ích cho đa số người gửi tiền. |
Đây là câu chuyện xảy ra khá phổ biến với nhiều người có số tiền nhỏ gửi tiết kiệm. Bởi sau khi hồ hởi nhìn biểu lãi suất thì cũng đành "thất vọng" vì bản thân không thuộc đối tượng được hưởng mức lãi cao. Trong khi đó, khách VIP thì chỉ là số lượng khá ít ỏi.
Thực tế này được thể hiện rõ qua "cuộc đua" tăng lãi suất huy động gần đây của các ngân hàng. Theo đó, lãi suất huy động kỳ hạn dài tại một số nhà băng như Eximbank, SeaBank, OCB... bắt đầu dâng cao từ những ngày cuối tháng 2, nhưng kèm theo đó là những điều kiện khá "ngặt nghèo". Như tại Ngân hàng Đông Nam Á (SeaBank), trên website của nhà băng này có niêm yết mức lãi suất tới 8% cho kỳ hạn 13 tháng, nhưng đối tượng được hưởng là khách hàng thân quen nhiều năm và gửi số tiền vài trăm tỷ đồng trở lên.
Hay như tại Eximbank, để được hưởng lãi suất 8%, khách phải gửi từ 10 tỷ đồng trở lên, kỳ hạn 36 tháng. Ở Sacombank, với khách hàng gửi tiền từ 500 tỷ đồng trở lên kỳ hạn 13 tháng cũng được hưởng lãi tới 7,55% một năm, trong khi các kỳ hạn khác kể cả trên một năm chỉ hưởng lãi 6,5-6,8%. Ngân hàng Việt Á trả khách mức lãi 8,38% mỗi năm cho kỳ hạn 13 tháng với khoản tiền từ 100 tỷ đồng trở lên. Hiện Việt Á cũng là ngân hàng đang giữ ngôi vị quán quân về lãi suất huy động. OCB và nhiều ngân hàng khác cũng có chính sách tương tự.
Trước diễn biến này, nhiều chuyên gia cho rằng, việc tăng lãi suất như vậy chủ yếu là trên danh nghĩa, còn thực tế thì đối tượng được hưởng là không nhiều. Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) nhìn nhận, các mức lãi suất này chỉ áp dụng cho kỳ hạn dài và đối tượng là khách VIP với số tiền gửi rất lớn (hàng chục tỷ đồng trở lên). Do vậy, lãi suất này sẽ không có nhiều ảnh hưởng đến đa số người gửi tiền hiện nay.
BVSC đồng thời cho rằng nguyên nhân chính dẫn đến quyết định tăng mạnh lãi suất ở các kỳ hạn dài của các ngân hàng trên là nhằm củng cố nguồn vốn trung dài hạn, nhất là trong bối cảnh sửa đổi Thông tư 36 dự kiến tỷ lệ vốn cho vay trung và dài hạn trên tổng vốn ngắn hạn giảm từ 60% về 40%.
"Cuộc đua lãi suất huy động này xem ra người gửi không được hưởng lợi, nhưng lại làm dấy lên lo ngại lãi suất cho vay sẽ tăng. Khi đó, người đi vay lại chịu thiệt thòi", một chuyên gia kinh tế nhìn nhận.
Hiện nay, các khoản cho vay trung và dài hạn, các ngân hàng thường áp dụng theo phương thức thả nổi lãi suất. Nghĩa là lãi suất được điều chỉnh theo từng thời kỳ, thay đổi theo biến động thị trường tài chính. Mức điều chỉnh và kỳ hạn điều chỉnh sẽ theo thỏa thuận giữa khách hàng và ngân hàng.
Thông thường, kỳ điều chỉnh lãi suất là 3, 6 tháng hoặc một năm một lần. Mức điều chỉnh lãi suất thường được tính bằng lãi suất tiền gửi tiết kiệm lớn hơn hoặc bằng 12 tháng (tùy mỗi ngân hàng), cộng với biên độ nhất định, có thể là 2,3 hoặc 4%...
Như vậy, nếu các ngân hàng tìm cách đẩy lãi suất tiết kiệm từ 12 tháng trở lên có thể khiến cho lãi suất cho vay bị đẩy lên. "Đây thực ra là chiêu tăng lãi suất cho vay đối với khách hàng vay dài hạn có lãi suất sau thời gian ưu đãi ban đầu, điều chỉnh thành lãi suất tiết kiệm 13 tháng cộng biên độ lãi suất mà một số ngân hàng thường áp dụng", Trưởng phòng tín dụng của một ngân hàng cổ phần phía Nam chia sẻ.
Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu đánh giá, hiện nay mặt bằng lãi suất có xu hướng gia tăng, mặc dù chủ trương của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước là giảm lãi suất để hỗ trợ các doanh nghiệp, cá nhân đi vay và để hỗ trợ phát triển kinh tế. Tuy nhiên, với những diễn biến gần đây, lãi suất cho vay khó có thể giảm thời gian tới.
Theo Lệ Chi (VnExpress.net)