Người đầu tư dự án iFan bị tố lừa 15.000 tỷ khó có thể lấy lại tiền

10/04/2018 07:52:32

Theo chuyên gia, người đầu tư vào dự án iFan khó lấy lại tiền của mình, thậm chí để khởi tố công ty đứng sau dự án cũng phải có đủ bằng chứng theo quy định pháp luật.

Liên quan đến dự án iFan của Công ty Modern Tech bị người dân tố lừa đảo 15.000 tỷ đồng, trao đổi với Zing.vn, một số chuyên gia kinh tế, luật sư cho rằng trong trường hợp này người dân khó có thể lấy lại tiền của mình đã bỏ ra.

Hệ thống iFan đa cấp bị tố lừa 15000 tỷ hoạt động ra sao? iFan là dự án đa cấp, hoạt động núp bóng huy động vốn bằng tiền kỹ thuật số. Hiện có khoảng 32.000 người Việt Nam đầu tư vào dự án đa cấp này.

"Khi có 1.000 tỷ thì lại muốn thêm 100 tỷ nữa"

“Không có gì lạ cả, là đa cấp tiền ảo, nhưng lại vì một chữ tham mà nhiều người vẫn mắc lừa”, TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), cho biết.

Theo ông Thành, việc hàng chục nghìn người dân bị lừa số tiền lớn như vậy là câu chuyện trước đó đã có nhiều bài học thực tế xảy ra. Đa cấp tiền ảo được đã nhắc tới nhiều và có nhiều ví dụ thực tế, nhưng người dân vì mức lãi suất quá cao mà vẫn bị lừa đảo.

Chuyên gia này cũng cho biết kể từ khi tiền ảo bùng lên, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thường xuyên tuyên truyền, khẳng định đây không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam.

“Ở đây không có chữ cấm tiền ảo mà chỉ cấm trong việc sử dụng trao đổi hay thanh toán. Như khi chơi Bitcoin, người ta vẫn coi đó là một phương tiện để đầu cơ hơn là phương tiện thanh toán”, ông Thành nói.

Người đầu tư dự án iFan bị tố lừa 15.000 tỷ khó có thể lấy lại tiền
Lê Ngọc Tuấn, người kêu gọi nhiều nhà đầu tư tham gia dự án iFan, bị nhiều người lên tiếng tố cáo lừa đảo.

Quay trở lại câu chuyện người dân tố dự án iFan lừa đảo 15.000 tỷ, ông Thành cho rằng nếu cơ quan chức năng vào cuộc, xác minh và điều tra có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì mới có biện pháp thu hồi tài sản để có thể trả lại người mất. Tuy nhiên, trường hợp này cũng giống như chơi Bitcoin, người chơi sẽ phải chấp nhận mất số tiền mình bỏ ra chứ không có ai đền bù lại cho.

“Cũng không thể trách người dân vì lãi suất đưa ra quá cao, quá hấp dẫn. Khi mình có 1.000 tỷ thì ai cũng lại muốn có 100 tỷ nữa thôi”, ông Thành nói.

Cùng quan điểm, TS. LS. Bùi Quang Tín từ trường doanh nhân BizLight, cho rằng iFan có thể lôi kéo hàng chục nghìn người dân với số tiền lên tới 15.000 tỷ đồng là do lãi suất quá cao, khiến nhiều người không kìm chế được lòng tham. Dự án này theo mô hình đa cấp, trái pháp luật, tiền người sau sẽ để trả cho người trước với tỷ lệ 5-8%, khiến mức lợi nhuận thu về rất cao trong thời gian ngắn.

“Bản chất các đồng tiền ảo không phải phương tiện thanh toán hợp pháp ở Việt Nam nên việc dùng để huy động vốn là hoàn toàn không hợp pháp”, ông Tín khẳng định.

Buổi thuyết trình của Ifan- dự án bị tố lừa 15000 tỷ. Dự án lợi dụng công nghệ blockchain và người nổi tiếng để chiêu dụ hàng chục ngàn thành viên tại nhiều tỉnh thành.

Khó có thể lấy lại tiền đã đầu tư

Tuy nhiên, ông Tín cũng nói việc người dân đã đưa tiền vào dự án iFan có lấy lại được không sẽ phụ thuộc vào quá trình điều tra công ty đứng sau dự án này. Nhưng dưới góc độ pháp luật, người tham gia kinh doanh vào các lĩnh vực vi phạm pháp luật sẽ không được pháp luật bảo vệ khi có rủi ro xảy ra.

Nếu cơ quan điều tra xác định công ty đứng sau dự án iFan vi phạm pháp luật về quản lý kinh tế thì sẽ điều tra, thậm chí là truy tố.

"Thường những công ty như vậy họ đã tẩu tán tài sản rồi, người dân khó thu hồi lại tiền của mình”, ông Tín nhận định.

Người đầu tư dự án iFan bị tố lừa 15.000 tỷ khó có thể lấy lại tiền - 1
Trước dự án tiền ảo iFan, đã có nhiều dự án tương tự bị tố lừa đảo khiến nhiều người tán gia bại sản. Tuy nhiên nhiều nhà đầu tư vẫn mạnh tay đổ tiền vào các mô hình này. Ảnh: Medium.

Còn theo LS. Đào Văn Thắng từ Công ty luật Dazpro, mô hình kinh doanh đa cấp nếu làm đúng chuẩn là một mô hình hiệu quả cho cả nhà đầu tư và người kinh doanh trực tiếp. Nhưng vì nó mang lại lợi nhuận quá cao dẫn đến những thay đổi, biến tướng không phù hợp với quy định của pháp luật.

Trong trường hợp này, nếu muốn tố cáo người đứng sau dự án iFan, người dân cần thu thập đầy đủ các bằng chứng liên quan, rõ ràng và bằng chứng đó phải thiết lập trên cơ sở của pháp luật, để chứng minh hành vi lừa đảo. Từ đó, cơ sở để đánh giá sự việc đúng hay sai và có khởi tố, khởi kiện được hay không mới có. 

“Nếu nhìn vào tình hình hiện nay thì chưa có căn cứ đủ mạnh để xác định cụ thể sự việc diễn ra thế nào, khó có thể khởi tố đơn vị đứng sau dự án”, ông Thắng cho hay.

Vị luật sư cũng cho biết về luật pháp, những người dân tham gia vào hoạt động không được pháp luật công nhận, khi xảy ra rủi ro sẽ không được pháp luật bảo vệ. Còn những người biết đó là hành vi phi pháp mà vẫn làm thì có thể được coi là hành vi lừa đảo.

Trước đó, chiều 8/4, hàng trăm người đã kéo tới trụ sở Công ty cổ phần Modern Tech (TP.HCM), mang theo băng rôn và hình ảnh nhằm tố cáo bị công ty chiếm đoạt lừa đảo "hơn 15.000 tỷ đồng" từ tiền ảo.

Theo tố cáo từ người dân, Modern Tech được sáng lập bởi 7 người mang quốc tịch Việt Nam, nhưng lại mang danh nước ngoài. Đơn vị này đã tổ chức nhiều sự kiện tại Hà Nội và TP.HCM để huy động vốn, kêu gọi nhà đầu tư mua tiền ảo iFan, kèm theo lời cam kết lợi nhuận 48%/tháng, thời gian hoàn vốn tối đa 4 tháng. Người lôi kéo thêm nhà đầu tư mới sẽ được hưởng thêm 8% số tiền từ người mới tham gia.

Nhưng bất ngờ đến tháng 1, tất cả nhóm Facebook, nhóm chat vào trang cá nhân của các "lãnh đạo iFan" đều biến mất. Hiện Công ty Modern Tech, pháp nhân của các hệ thống tiền số lừa đảo, vẫn im lặng trước cáo buộc lừa đảo 15.000 tỷ đồng.

Theo Hoàng Thanh (Tri Thức Trực Tuyến)

Nổi bật