Sáng 25/4, Ủy ban Kinh tế Quốc hội họp phiên toàn thể lần thứ 14, cho ý kiến thẩm tra báo cáo bổ sung tình hình kinh tế - xã hội năm 2023, các tháng đầu năm 2024 dự kiến trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7 khai mạc ngày 20/5 tới.
Báo cáo tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Đỗ Thành Trung, cho biết từ đầu năm tới nay, hoạt động sản xuất kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn.
"Sức mua giảm, người dân thắt chặt chi tiêu", ông Trung nói và cho biết tốc độ tăng cầu tiêu dùng trong nước quý 1 thấp hơn cùng kỳ năm 2023 và các năm trước dịch 2011 - 2019. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý 1 năm 2024 chỉ tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư đánh giá nhu cầu của thị trường trong nước thấp, tính cạnh tranh cao là các khó khăn lớn nhất với doanh nghiệp chế biến, chế tạo hiện nay. Trong quý 1/2024, có gần 74.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 22,8% so với cùng kỳ 2023, chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Bình quân mỗi tháng có gần 24.700 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Cùng đó, tăng trưởng tín dụng đến ngày 4.4 chỉ tăng 0,95% so với năm 2023.
Cũng theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư, thị trường bất động sản vẫn còn khó khăn, nhất là về quy định, thủ tục phát triển các dự án nhà ở xã hội. Ngành hàng không đối mặt với nhiều khó khăn, số máy bay thương mại giảm, làm tăng giá vé máy bay nội địa, ảnh hưởng đến phát triển du lịch và nhu cầu đi lại của người dân.
Tiến sĩ Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (Bộ Kế hoạch - Đầu tư) cho rằng người dân "tiền vẫn có nhưng không dám tiêu" - tường thuật của Thanh Niên.
Tiến sĩ Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV nhìn nhận, không chỉ Việt Nam mà cả thế giới đều thận trọng trong chi tiêu. Ông dẫn chứng lượng khách du lịch tăng trưởng mạnh, song thu từ du lịch tăng trưởng không tương ứng.
Người Lao Động cho biết trên thông tin từ một số hệ thống siêu thị lớn tại TP HCM, sức mua thị trường từ nửa cuối tháng 3 đã chậm lại so với trước. Trong khi nhóm sản phẩm rau củ quả, cá thịt, hàng thiết yếu vẫn có tăng trưởng dương thì các mặt hàng không thiết yếu như bánh kẹo, rượu bia… thấp hơn cùng kỳ năm 2023 đến 2 con số.
Theo thống kê của các siêu thị, giá trị giỏ hàng trong mỗi lần mua sắm của khách hàng đang giảm đi thấy rõ. Các doanh nghiệp bán lẻ liên tục họp phân tích tình hình, tìm giải pháp kéo sức mua nhưng tín hiệu thị trường vẫn chưa khởi sắc.
Tiền gửi của dân cư đạt 6,498 triệu tỷ đồng
Mới đây, Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết tổng tiền gửi của dân cư và cả doanh nghiệp tính đến tháng 1/2024, so với cuối năm 2023.
Cụ thể, tiền gửi của dân cư đạt 6,498 triệu tỷ đồng, giảm 0,53%. Còn tiền gửi của các tổ chức đạt 6,676 triệu tỷ đồng, giảm tới 2,41%.
Từ tháng 9/2022, khi lãi suất tiền gửi tăng mạnh, đồng thời nền kinh tế có nhiều khó khăn, tiền gửi của cả người dân liên tiếp gửi vào ngân hàng. Tổng tiền gửi tháng sau luôn cao hơn tháng trước, dù có thời điểm lãi suất tiền gửi thấp kỷ lục.
Về lãi suất, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, cho biết mặt bằng lãi suất thấp nhất trong 20 năm qua. Qua báo cáo của các ngân hàng thương mại, đến 31/3, lãi suất tiền gửi bình quân của các giao dịch phát sinh mới ở mức 3,02%/năm, giảm 0,5%/năm so với cuối năm 2023.
Mức lãi suất tiền gửi cao nhất của nhóm ngân hàng thương mại có vốn nhà nước Agribank, VietinBank, BIDV đang niêm yết trên website là 4,7%/năm kỳ hạn từ 12 tháng trở lên. Riêng Vietcombank, tiền gửi 12 tháng 4,6%/năm.
Còn các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân, lãi suất kỳ hạn dài từ 12 tháng cao hơn 0,1-0,2%/năm so với ngân hàng có vốn nhà nước, tại VPBank, kỳ hạn 12 tháng là 4,8%/năm.
Theo Dy Khoa (Nguoiduatin.vn)