“Người chở gas cũng cần tới 7-8 giấy phép con thì rất bất cập”

30/09/2016 11:07:00

 Vấn đề liên quan đến quản lý kinh doanh khí dầu mỏ hoá lỏng (LPG) tiếp tục “nóng” tại hội nghị lấy ý kiến của lãnh đạo Bộ Công Thương và đại diện các doanh nghiệp phía Nam.

 Vấn đề liên quan đến quản lý kinh doanh khí dầu mỏ hoá lỏng (LPG) tiếp tục “nóng” tại hội nghị lấy ý kiến của lãnh đạo Bộ Công Thương và đại diện các doanh nghiệp phía Nam.
 
“Người chở gas cũng cần tới 7-8 giấy phép con thì rất bất cập”

Bất cập hay không bất cập?

Cụ thể, ông Phan Tấn Bửu, đại diện Hiệp hội Các nhà phân phối LPG Quảng Nam - Đà Nẵng cho biết, hiện nay các doanh nghiệp kinh doanh LPG tại Quảng Nam - Đà Nẵng đang gặp vướng mắc liên quan đến Nghị định 19/2016/NĐ-CP về quản lý kinh doanh LPG.

Theo ông Bửu, Nghị định 19 sẽ làm khó các doanh nghiệp vừa và nhỏ vì Nghị định này đang làm tăng thêm giấy phép con cho các cơ sở kinh doanh LPG, thậm chí đến người chở gas cũng cần tới 7-8 giấy phép con thì rất bất cập.

Ý kiến được ông Bửu nêu ra cũng là ý kiến được hơn 40 doanh nghiệp kinh doanh LPG đã từng phát biểu tại hội nghị lấy ý kiến của lãnh đạo Bộ Công Thương diễn ra tại Hà Nội vào ngày 27/9 trước đó.

Trong khi đó, các quan điểm trái ngược cũng được đưa ra. Cụ thể, ông Nguyễn Minh Châu, Tổng giám đốc CTCP Dầu khí LPG - đại diện cho các doanh nghiệp gas miền Trung cho rằng, với những điều kiện hiện tại của Nghị định 19 như có bồn chứa CNG với tổng dung tích tối thiểu 200.000 Sm3, có trạm nén khí CNG có công suất tối thiểu 3.000 Sm3/h… là hoàn toàn hợp lý và không nên rút thấp hơn.

“Khi hạ thấp tiêu chuẩn thì những doanh nghiệp đầu tư bài bản thua các doanh nghiệp không đầu tư, làm ăn không bài bản…”, ông Châu cho hay.

Cũng theo ông Châu, không thể bỏ điều kiện kỹ thuật, nhất là ngành kinh doanh điều kiện an toàn cháy nổ thì vấn đề an toàn phải được đưa lên hàng đầu... Nếu để trạm chiết, các trạm chiết chỉ có hợp đồng thuê, không đủ vỏ bình, chiết lậu, các bình gas không đảm bảo kỹ thuật.

Về vấn đề này, ông Hoàng Anh, Giám đốc Công ty Gas Petrolimex cũng cho rằng, theo Nghị định 19, LPG là mặt hàng kinh doanh có điều kiện, đòi hỏi đầu tư lớn, kinh doanh bài bản, có tính hệ thống do vậy các quy định vỏ bình, kho chứa như hiện tại là phù hợp và nên giữ.

“Việc các quy định về vỏ bình gas, kho chứa, cầu cảng, kênh phân phối nên giữ như cũ theo Nghị định 107 vì việc giảm điều kiện kinh doanh ngành này là chưa hợp lý, chưa phù hợp với xu hướng phát triển xã hội”, ông Hoàng Anh nói.

Không gây khó doanh nghiệp nhỏ và vừa

Trước những ý kiến trái chiều được doanh nghiệp đưa ra, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh, người chủ trì cuộc hội nghị cho biết, các ý kiến của doanh nghiệp kinh doanh khí hóa lỏng đã thể hiện được tâm tư, nguyện vọng của doanh nghiệp và người tiêu dùng. Tuy nhiên, Nghị định 19 thực chất sửa đổi lại Nghị định 107 trước đây và đã hạ thấp một số điều kiện so với Nghị định 107.

Theo Thứ trưởng Khánh, khi xây dựng một văn bản pháp luật sẽ phải đáp ứng nhiều mục tiêu do vậy dứt khoát sẽ có những tác dụng phụ ảnh hưởng đến tỷ lệ doanh nghiệp nào đó.

Dù vậy, nghị định mới không phải là gây khó khăn cho các doanh nghiệp nhỏ hay nếu doanh nghiệp nào chưa đáp ứng được điều kiện thì vẫn có thể trở thành đại lý cho tổng đại lý và thương nhân kinh doanh.

“Chúng tôi mong muốn các doanh nghiệp chưa đáp ứng được các yêu cầu theo Nghị định 19 vẫn nằm ở 1 chuỗi kinh doanh LPG chứ không phải là có ý định gạt bỏ doanh nghiệp vừa và nhỏ ra khỏi ngành kinh doanh gas”, Thứ trưởng khẳng định.

Cũng theo Thứ trưởng Khánh, cách đây 1 tháng, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ra chỉ đạo các đơn vị trực thuộc Bộ Công Thương nhanh chóng tạo điều kiện cho doanh nghiệp kinh doanh gas và các đơn vị này đang tiến hành sửa đổi. 

Theo Nguyễn Thảo (Bizlive.vn)

Nổi bật