Câu hỏi bạn đọc: Anh Nguyễn Xuân Thái (trú tại quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) hỏi, trường hợp người bán hàng online chưa đăng ký thuế sẽ bị xử lý thế nào? Pháp luật quy định ra sao về vấn đề này?
Bán hàng online doanh thu bao nhiêu một năm phải đóng thuế?
Trả lời về thắc mắc trên, luật sư Hà Thị Khuyên (Trưởng văn phòng Luật sư Nhân Chính - Đoàn Luật sư Hà Nội) phân tích, pháp luật về thuế quy định, trường hợp hộ kinh doanh, cá nhân có hoạt động kinh doanh, không phân biệt có đăng ký kinh doanh hay không, không thuộc đối tượng được miễn thuế thì sẽ phải nộp thuế theo quy định của pháp luật như: Thuế giá trị gia tăng (GTGT) và thuế thu nhập cá nhân (TNCN), lệ phí môn bài.
Quy định tại Điều 33 Luật Quản lý thuế nêu rõ, cá nhân kinh doanh phải thực hiện đăng ký thuế trong vòng 10 ngày làm việc kể từ ngày bắt đầu hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, thực tế hiện nay nhiều cá nhân kinh doanh trên sàn thương mại điện tử, kinh doanh trực tuyến chưa đăng ký thuế. Vẫn còn các trường hợp chưa tuân thủ quy định của pháp luật về thuế.
Tại Điều 4, Thông tư 40/2021/TT-BTC quy định về nguyên tắc tính thuế, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có doanh thu từ 100 triệu đồng trở xuống thuộc trường hợp không phải nộp thuế GTGT và không phải nộp thuế TNCN theo pháp luật về Thuế GTGT và thuế TNCN.
Như vậy, người bán hàng online là người có nghĩa vụ nộp thuế GTGT và thuế TNCN nếu có doanh thu bán hàng online 100 triệu đồng/năm.
Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có trách nhiệm khai thuế đầy đủ, chính xác và trung thực, nộp hồ sơ khai thuế đúng hạn, đồng thời chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính đầy đủ, chính xác và trung thực của hồ sơ thuế theo quy định.
Hai phương pháp kê khai, nộp thuế phổ biến
Hai phương pháp kê khai, nộp thuế thu nhập cá nhân phổ biến là phương pháp khoán và phương pháp tổ chức khai thuế, nộp thuế thay cho cá nhân.
Đối tượng nộp thuế theo phương pháp khoán: Theo Khoản 1, Điều 7, Thông tư 40/2021/TT-BTC, phương pháp khoán được áp dụng đối với những hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh không nộp thuế theo phương pháp kê khai, đồng thời không thuộc trường hợp nộp thuế theo từng lần phát sinh.
Trên thực tế, trừ trường hợp bán hàng qua các sàn thương mại điện tử thì phần lớn các hộ, cá nhân bán hàng online đều nộp thuế theo phương pháp này.
Đối tượng nộp thuế theo phương pháp tổ chức khai thuế, nộp thuế thay cho cá nhân: Đối tượng áp dụng phương pháp tổ chức khai, nộp thuế thay cho cá nhân là trường hợp bán hàng qua các sàn giao dịch thương mại điện tử như Shopee, Tiki, Lazada,... được quy định cụ thể tại Điểm d, Khoản 1, Điều 8, Thông tư 40/2021/TT-BTC, được sửa đổi, bổ sung bởi Khoản 2, Điều 1, Thông tư 100/2021/TT-BTC: "Tổ chức bao gồm cả chủ sở hữu Sàn giao dịch thương mại điện tử thực hiện việc khai thuế thay, nộp thuế thay cho cá nhân trên cơ sở ủy quyền theo quy định của pháp luật dân sự.". Như vậy, đối với trường hợp trên, tổ chức thực hiện khai, nộp thuế thay cho cá nhân theo tháng hoặc theo quý theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.
Tại khoản 3, Điều 10, Thông tư 40/2021/TT-BTC, số thuế TNCN và số thuế GTGT mà hộ, cá nhân bán hàng online được xác định theo công thức: "Số thuế TNCN phải nộp = Doanh thu tính thuế TNCN x Tỷ lệ thuế TNCN."
Trường hợp nếu thuộc đối tượng đóng thuế mà hộ, cá nhân kinh doanh online không đóng thuế hoặc đóng thuế muộn sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật theo Điều 13, Nghị định 125/2020/NĐ-CP.
Tại khoản 2, Điều 59, Luật Quản lý thuế năm 2019, mức tính tiền nộp chậm bằng 0.03% ngày tính trên số thuế chậm nộp và thời gian tính tiền chậm nộp sẽ được tính liên tục từ ngày tiếp theo ngày phát sinh tiền chậm nộp thuế đến ngày liền kề trước ngày người nộp thuế chuyển tiền nộp chậm vào ngân sách nhà nước.
Như vậy, việc truy thu thuế đối với các cá nhân, tổ chức kinh doanh online là đúng quy định pháp luật về thuế.
Theo Chi Lê (Giadinh.suckhoedoisong.vn)