Ngóng ngân hàng giảm lãi suất

10/02/2023 13:51:03

Không chỉ doanh nghiệp mà nhiều khách hàng cá nhân vay mua nhà, vay tiêu dùng cũng đang ngóng lãi suất giảm sau cam kết đồng thuận của các ngân hàng thương mại

Ngày 9-2, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, lãnh đạo một số ngân hàng (NH) thương mại cho biết đang tính toán kỹ lưỡng việc điều chỉnh giảm lãi suất huy động để có dư địa giảm lãi suất cho vay. Trước đó, tại hội nghị tín dụng bất động sản do NH Nhà nước tổ chức, một số "ông lớn" NH thương mại bày tỏ đồng thuận giảm thêm lãi suất.

Muốn làm ngay nhưng phải tính

Tính đến chiều 9-2, biểu lãi suất huy động của 4 NH thương mại nhà nước gồm Vietcombank, VietinBank, BIDV và Agribank cùng nhiều NH thương mại cổ phần khác vẫn chưa có sự điều chỉnh. Một phó tổng giám đốc NH TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) cho biết dự kiến trong ngày 10-2, NH sẽ họp ban điều hành để tính toán về việc điều chỉnh lãi suất huy động thế nào để ít ảnh hưởng tới dòng vốn chảy vào NH, khi lãi suất ở nhiều NH cổ phần khác vẫn rất cao.

Đại diện một NH thương mại nhà nước cũng nói đang tính toán kỹ vì thực tế mặt bằng lãi suất huy động tại NH đã thấp so với thị trường. Hiện lãi suất huy động cao nhất tại 4 NH thương mại nhà nước trên là 7,4%/năm cho các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên.

Ngóng ngân hàng giảm lãi suất
Không chỉ người dân, doanh nghiệp mà ngay cả ngân hàng cũng “đau đầu” vì lãi suất cho vay duy trì ở mức cao .Ảnh: LAM GIANG

Ở các NH cổ phần, lãi suất cũng chưa có biến động so với một ngày trước đó. Dù vậy, so với giai đoạn cuối năm ngoái, hiện hầu hết NH đã điều chỉnh giảm về dưới 9,5%/năm sau khi các NH đồng thuận với đề nghị của Hiệp hội NH Việt Nam (VNBA) và NH Nhà nước. Như tại NH TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), trong biểu lãi suất mới nhất áp dụng từ ngày 7-2, lãi suất huy động kỳ hạn từ 13 tháng trở lên đã giảm về 8,7%/năm so với mức cao nhất 9,2%/năm trước đó.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký VNBA, cho hay các NH thương mại rất muốn giảm thêm lãi suất huy động để từ đó có dư địa giảm lãi suất cho vay nhưng giảm bao nhiêu phải tính toán kỹ trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) vừa tiếp tục tăng lãi suất cơ bản thêm 0,25%; trong nước áp lực lạm phát tăng khi giá xăng, giá điện và nhiều chi phí tiêu dùng khác vẫn tiếp tục đi lên…

Lãi vay quá cao, ngân hàng cũng "khổ"

Thông tin các NH thương mại rục rịch giảm lãi suất vừa được công bố không chỉ thu hút sự quan tâm của các DN mà những người đang vay mua nhà, vay tiêu dùng cũng sốt ruột. Anh Thái Ngọc (ngụ TP Thủ Đức, TP HCM) đang có khoản vay mua nhà tại một NH thương mại, cho biết mình lại vừa nhận được thông báo tăng lãi suất từ 10,5%/năm lên 13%/năm. "Thời điểm ký hợp đồng vay, NH có quy định lãi suất thả nổi là 11%/năm nhưng đến giờ thì "nhảy" lên tới 13%/năm, trong khi kinh tế khó khăn, thu nhập của gia đình tôi đang bị sụt giảm, sức ép lãi vay ngày càng lớn" - anh Thái Ngọc nói.

Trước đó, Báo Người Lao Động cũng ghi nhận ý kiến nhiều DN sản xuất, kinh doanh phản ánh lãi suất cho vay tăng cao trong bối cảnh kinh tế khó khăn đã ảnh hưởng không nhỏ tới dòng tiền của họ.

Ở chiều ngược lại, lãi suất cao cũng… gây khó cho NH trong việc giải ngân vốn vay đầu năm. Cán bộ tín dụng NH TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) cho biết lãi suất vay mua nhà tại NH này áp dụng chương trình ưu đãi là khoảng 13,5%/năm nhưng sau đó có thể lên tới 15%-16%/năm khiến khách hàng ái ngại. "Nếu vay mới, khách hàng phải chịu lãi suất khá cao. Thực tế, từ đầu năm đến giờ, chưa có khoản vay mua nhà hoặc vay đầu tư kinh doanh bất động sản (áp dụng cho khách hàng cá nhân nào) được giải ngân" - cán bộ tín dụng này nói.

Phó tổng giám đốc một NH cổ phần quy mô lớn ở TP HCM thừa nhận nhu cầu vốn tín dụng của DN sản xuất, kinh doanh đang chậm lại một phần do lãi suất duy trì ở mức cao. Nếu tình trạng này tiếp tục, các NH phải tính toán tự điều chỉnh lãi vay để tăng khả năng hấp thụ vốn cho thị trường. "Với những DN sản xuất, kinh doanh đang hoạt động tốt, khách hàng lâu năm của NH, chúng tôi đều cố gắng duy trì mức lãi suất ổn định, không điều chỉnh quá cao để tránh gây sốc. Nếu các NH duy trì lãi suất huy động cao nhưng cho vay không được cũng phải cân nhắc giảm" - vị phó tổng giám đốc này nói. 

“Tổng Thư ký VNBA Nguyễn Quốc Hùng cho rằng dư địa giảm lãi suất huy động thời điểm này phụ thuộc vào nhiều yếu tố cả khách quan từ quốc tế lẫn thanh khoản của từng NH. Có điều chắc chắn là nếu NH thừa vốn sẽ phải tính toán giảm lãi vay để tăng khả năng hấp thụ...

Theo Thái Phương (Nld.com.vn)