Lần đầu cất cánh vào năm 1967, Boeing 737 đã trở thành một tròng những máy bay bán chạy nhất thế giới. Thế hệ thứ tư của dòng máy bay này, 737 MAX 8, lần đầu cất cánh vào năm 2017. Khi đó hãng hàng không giá rẻ Lion Air trở thành hãng bay đầu tiên trên thế giới biên chế loại máy bay này.
Tuy nhiên, hai vụ tai nạn thảm khốc trong vòng gần 5 tháng qua, một vụ với chuyến bay 610 của Lion Air và một với chuyến bay 302 của Ethiopian Airlines, đã khiến ngành hàng không phải nhìn nhận lại độ an toàn của mẫu máy bay này.
1. Hãng bay nào đã mua 737 MAX?
Rất nhiều hãng đã mua, trong đó phần lớn các đơn hàng đều chưa nhận bàn giao máy bay. Tính đến tháng 1/2019, Boeing cho biết đã giao 350 chiếc thuộc mẫu này tới 46 hãng hàng không. 80 hãng đã đặt mua hơn 5.000 chiếc 737, phần lớn trong số này là mẫu 737 MAX 8, mẫu máy bay liên quan đến cả hai vụ tai nạn trên.
Các hãng bay lớn tại khu vực Bắc Mỹ đang biên chế 737 Max gồm Southwest (31 chiếc), American Airlines (22 chiếc) và Air Canada (20 chiếc). Nhiều hãng bay lớn khác trên thế giới cũng đang biên chế dòng 737 Max như Norwegian Air, FlyDubai hay các hãng bay của Trung Quốc. Các hãng hàng không Trung Quốc đang chiếm 20% tổng lượng máy bay 737 Max đã bàn giao toàn cầu và đang có kế hoạch mua thêm tùy theo tình hình chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.
Tại Việt Nam, hiện chưa có hãng hàng không nào biên chế dòng máy bay Boeing 737 Max. Tuy nhiên, Vietjet Air có đơn đặt hàng tới 200 chiếc, và bắt đầu tiếp nhận máy bay đầu tiên vào cuối năm nay. Zing.vn đã liên hệ với Vietjet Air về việc liệu có thay đổi nào trong các đơn hàng có tổng trị giá hơn 20 tỷ USD này sau 2 vụ tai nạn liên tiếp, tuy nhiên hãng từ chối đưa ra bình luận.
2. Liệu dòng 737 MAX có bị cấm bay?
Dòng máy bay này đã bị cấm bay tại một vài quốc gia. Một ngày sau vụ tai nạn thảm khốc tại Ethiopia khiến toàn bộ 157 người trên máy bay thiệt mạng, Trung Quốc đã cấm các hãng hàng không của nước này bay 737 Max. Cơ quan chức năng Indonesia cũng có động thái tương tự sau đó. Singapore sáng 12/3 thông báo không cho máy bay này đi qua không phận.
3. Vậy còn Mỹ thì sao?
Cục Hàng không liên bang Mỹ, đơn vị đã cấp chứng nhận cho dòng 737 MAX, đã đưa ra quyết định không cấm bay với dòng máy bay này, ít nhất là vào thời điểm hiện tại.
Cơ quan này đã thông báo rằng dòng 737 MAX “vẫn rất an toàn” và nhận định sẽ “ngay lập tức có hành động phù hợp” nếu “có một vấn đề ảnh hưởng đến an toàn bay”.
Trong các hãng hàng không Mỹ, Southwest khẳng định hãng tự tin với độ an toàn của đội bay, bao gồm cả những chiếc 737 MAX, trong khi American nhận định hãng sẽ theo dõi sát sao diễn biến cuộc điều tra tại Ethiopia. Mỹ hiếm khi cấm bay một mẫu máy bay cụ thể nào, nhất là khi giai đoạn điều tra mới chỉ bắt đầu và nhiều chi tiết còn chưa được làm rõ. Lần gần nhất mà Cục Hàng không Liên bang Mỹ cấm bay một dòng máy bay là khi xảy ra sự cố quá tải nhiệt trên dòng máy bay Boeing 787 sau khi có 2 vụ việc xảy ra.
4. Làm sao để biết chuyến bay của tôi sẽ trên chiếc 737 MAX?
Nếu bạn đã đặt vé, bạn sẽ có thể tra cứu thông tin về chuyến bay. Nếu bạn đặt đặt vé trực tuyến, nhiều trang còn hiển thị sẵn mẫu máy bay. Ngoài ra chỉ cần nhập mã hiệu chuyến bay lên nhiều trang theo dõi hàng không, bạn có thể biết mẫu máy bay của chuyến bay đó ít nhất vài ngày trước khi bay.
5. Mẫu MAX khác gì với dòng 737 trước đó?
Mẫu này có động cơ lớn hơn, hệ thống lái tự động nhiều hơn, tầm bay xa hơn và tốn ít nhiên liệu hơn. Đây là câu trả lời của Boeing dành cho mẫu A320neo mà Airbus tung ra thị trường.
Trong vụ tai nạn của Lion Air, cơ quan điều tra xác định hệ thống phần mềm của chiếc 737 MAX có thể ép máy bay hướng mũi xuống để chống chết máy. Điều tra cũng cho thấy nhiều phi công không biết về chức năng này. Boeing cho hay đây là điều không nên xảy ra và đã đưa ra hướng dẫn để phi công có thể vượt quyền hệ thống tự động.
6. Hai vụ tai nạn này có liên quan tới nhau?
Quá sớm để khẳng định điều này. Trong cả hai vụ việc, tai nạn xảy ra khi máy bay vừa cất cánh không lâu, phi công đều phát hiện có điểm bất thường và xin phép quay đầu.
Một chi tiết đáng ngạc nhiên là phi công trong tai nạn của Ethiopian Airlines không được thông tin về thủ tục để vượt quyền hệ thống tự động có liên quan đến tai nạn trước đó của Lion Air.
Tuy nhiên theo các nhà điều tra tai nạn hàng không lão luyện thì có quá ít dữ liệu để vẽ ra mối liên hệ trực tiếp giữa hai vụ tai nạn vào thời điểm này khi giai đoạn điều tra chỉ vừa bắt đầu.
Theo Ngô Minh (Tri Thức Trực Tuyến)