Nghịch lý từ con số đóng góp thuế của doanh nghiệp FDI

16/10/2015 10:49:05

Theo Xếp hạng 1000 doanh nghiệp nộp thuế thu nhập lớn nhất Việt Nam năm 2015, có nghịch lý về lượng doanh nghiệp FDI và số thuế thực đóng cho ngân sách.

Theo Xếp hạng 1000 doanh nghiệp nộp thuế thu nhập lớn nhất Việt Nam năm 2015, có nghịch lý về lượng doanh nghiệp FDI và số thuế thực đóng cho ngân sách.

Lượng doanh nghiệp FDI nhiều, nhưng đóng thuế ít

Theo báo cáo này, khối doanh nghiệp FDI có tỷ lệ doanh nghiệp xuất hiện trong Bảng xếp hạng V1000 năm nay nhiều nhất, với 460 doanh nghiệp, tuy nhiên, tỷ lệ đóng góp vào tổng số thuế thu nhập doanh nghiệp của toàn bảng chỉ dừng lại ở mức khoảng 37%. Khối tư nhân là khối có tỷ lệ xuất hiện của doanh nghiệp trong Bảng xếp hạng đứng ở vị trí thứ 2 là 311 doanh nghiệp, nhưng tỷ lệ đóng góp chỉ đạt khoảng 18%.

Doanh nghiệp FDI đóng góp 37% tổng số thuế thu nhập doanh nghiệp của toàn bảng xếp hạng V1000 năm 2015 (Ảnh minh họa: KT)

 
Từ con số này, Báo cáo đánh giá: “Điều này cho thấy sự bất tương xứng trong số lượng doanh nghiệp và mức đóng góp của các doanh nghiệp trong 2 khối này trong bảng xếp hạng. Đây được xem là một nghịch lý khi khối doanh nghiệp FDI đang ngày càng chiếm tỷ trọng lớn trong quy mô nền kinh tế Việt Nam, trong khi khối doanh nghiệp tư nhân ngày càng được đánh giá là thành phần kinh tế chủ chốt. “Vì thế, khối doanh nghiệp FDI và khối tư nhân cần cải thiện hơn nữa nghĩa vụ nộp thuế”- Vietnam Report khuyến nghị.
 
Theo số liệu thống kê của Bảng Xếp hạng V1000 năm nay, tổng số thuế mà các doanh nghiệp V1000 đóng góp vào ngân sách Nhà nước đạt 82.344 tỷ đồng, tăng 2,34% so với mức 80.460 tỷ đồng của năm trước, chiếm khoảng 10% tổng thu ngân sách của Nhà nước năm 2014 theo số liệu của Tổng cục Thống kê. Trong đó, Top 100 doanh nghiệp đứng đầu đóng góp khoảng hơn 50.000 tỷ đồng, chiếm tới hơn 60% tổng số thuế thu nhập doanh nghiệp toàn bảng xếp hạng.
Đánh giá về khối doanh nghiệp Nhà nước, Vietnam Report cho rằng, khối này vẫn đóng góp chủ yếu vào ngân sách quốc gia. Cụ thể: Bảng xếp hạng V1000 những năm gần đây luôn ghi nhận vai trò quan trọng của khối doanh nghiệp Nhà nước trong việc đóng góp vào nguồn ngân sách quốc gia. Xếp hạng V1000 năm 2015 có sự xuất hiện của 229 doanh nghiệp Nhà nước, tuy nhiên số doanh nghiệp này lại đóng góp khoảng 45% tổng số thuế thu nhập doanh nghiệp của toàn Bảng xếp hạng.

Mặc dù vậy, mức đóng góp này đã giảm đáng kể so với mức 65,6% của năm 2014.“Những con số này vẫn thể hiện nỗ lực của khu vực doanh nghiệp Nhà nước trong việc phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh một cách hiệu quả hơn. Mặt khác cho thấy phần nào kết quả của công cuộc cổ phần hóa các doanh nghiệp quốc doanh trong thời gian vừa qua”-Vietnam Report đánh giá.

Hệ thống thuế chưa thực sự “được lòng” các doanh nghiệp

Cũng theo Vietnam Report, doanh nghiệp vẫn chưa thực sự hài lòng với hệ thống thuế hiện hành của Việt Nam. Trong thời gian vừa qua, ngành thuế đã cố gắng nỗ lực cải cách sâu rộng trong toàn bộ hệ thống nhằm đem lại một môi trường thuế minh bạch, giảm thiểu tối đa những khó khăn cho doanh nghiệp đang hoạt động cũng như tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi hơn nhằm thu hút nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Tuy nhiên, hệ thống thuế hiện hành của Việt Nam vẫn chưa thực sự “được lòng” các doanh nghiệp và cần có thêm những điều chỉnh, cải cách để nhận được những đánh giá phản hồi tích cực hơn.

Theo kết quả khảo sát, có tới 61% số doanh nghiệp mong muốn sửa đổi thêm nhiều điểm trong quy định hiện nay của hệ thống thuế. 26% doanh nghiệp mong muốn sửa đổi thêm chút ít, và chỉ có 13% doanh nghiệp hài lòng với những chính sách thuế hiện nay.

Trong năm 2014 vừa qua, các doanh nghiệp vẫn gặp phải một số vấn đề vướng mắc chủ yếu sau liên quan đến thuế, bao gồm các quy định pháp luật, chính sách thuế, với 33% số doanh nghiệp lựa chọn ý kiến này; biểu mẫu rườm rà hay thay đổi (16%); thủ tục hành chính phức tạp (13%); quá trình thanh tra kiểm tra (12%); và các vấn đề liên quan đến kê khai thuế qua mạng (11%).

Từ thực tế này, Vietnam Report đánh giá: Quá trình cải cách thuế chưa bao giờ là dễ dàng và nhanh chóng, mặc dù trong thời gian vừa qua, toàn bộ ngành thuế đã có những nỗ lực cố gắng đáng ghi nhận. Những quy định pháp luật, chính sách thuế không phải là những vấn đề mới, tuy nhiên để giải quyết được dứt điểm vướng mắc này cần một quá trình lâu dài và quyết tâm của cả hệ thống thuế cũng như sự đóng góp hỗ trợ tích cực từ phía các doanh nghiệp. Chính vì thế, trong thời gian sắp tới, đây là một trong những nhiệm vụ nặng nề của cơ quan thuế các cấp trong việc giải quyết những vướng mắc cho doanh nghiệp./.
 
Theo Xuân Thân (Vov.vn)

Nổi bật