Công ty TNHH Thu phí tự động VETC được thành lập vào tháng 7.2016 tại Hà Nội. Cập nhật cuối năm 2019, vốn điều lệ VETC đạt khoảng 278 tỉ đồng. Cơ cấu cổ đông bao gồm Công ty cổ phần VETC sở hữu 88,3%, Công ty cổ phần Tasco góp 11,4%.
Ngày 11.7.2022, ông Nguyễn Danh Hiếu (sinh năm 1983) đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Hội đồng thành viên/người đại diện pháp luật của VETC. Giới thiệu trên website của mình, VETC cho biết công ty được thành lập với mục tiêu trở thành đơn vị triển khai và vận hành hệ thống thu phí tự động ETC (Electronic Toll Collection) tại Việt Nam.
Mong muốn của VETC là mang đến giải pháp thu phí ứng dụng công nghệ hiện đại góp phần tăng tốc cho sự phát triển chung của lĩnh vực giao thông vận tải nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung.
Bên cạnh đó, VETC định vị thương hiệu là nhà cung cấp dịch vụ đầu tiên trên thị trường Việt Nam triển khai công nghệ thu phí tự động đường bộ. Bước đầu áp dụng tại 79 Tuyến/ Trạm thu phí trên toàn quốc, mang tới những giá trị "tiện lợi" cho chủ phương tiện và góp phần tăng tốc cùng sự phát triển chung của xã hội.
Mới đây, sau thời gian miễn phí, VETC chính thức thông báo mức phí dán thẻ thu phí tự động không dừng (ETC) từ ngày 6.8.2022. Theo đó, khách hàng sẽ phải trả 120.000 đồng/xe khi dán thẻ ETC của VETC, áp dụng với tất cả phương tiện dán mới hoặc thay thẻ (dán lại). Việc thu phí sẽ được trừ qua tài khoản giao thông của khách hàng (không thu tiền mặt).
Tạm bỏ qua câu chuyện mức giá 120.000 đồng/lần dán thẻ thu phí tự động không dừng (ETC) đang gây nhiều tranh cãi trên các diễn đàn mạng với giá vốn ban đầu chỉ xấp xỉ 7.000 đồng, hoạt động này dự kiến sẽ mang lại doanh thu cao đột biến cho VETC trong năm 2022, qua đó xóa dần mức lỗ lũy kế hơn 700 tỉ đồng tính đến cuối năm 2021 mà VETC đang gánh.
Cụ thể, giai đoạn 2016 - 2021, VETC ghi nhận doanh thu tăng trưởng với tốc độ lớn theo từng năm. Từ 6 tỉ đồng năm 2016, lên 24 tỉ đồng năm 2017, 62 tỉ đồng năm 2018 và 2019, 131 tỉ đồng năm 2020, 185 tỉ đồng năm 2021.
Thế nhưng, bất chấp doanh thu đi lên, lợi nhuận sau thuế của VETC lại bất ngờ “vận hành” theo hướng năm sau thua lỗ cao hơn năm trước. Năm 2016, VETC báo lỗ 221 triệu đồng, lỗ 16 tỉ đồng năm 2017, 56 tỉ đồng 2018, 120 tỉ đồng năm 2019, 284 tỉ đồng năm 2020 và 260 tỉ đồng năm 2021. Việc “lỗ chồng lỗ” nhiều năm liên tiếp khiến tính đến cuối năm 2021, các báo cáo tài chính cho thấy VETC đang gánh khoản lỗ lũy kế lên đến 736 tỉ đồng.
Thua lỗ liên tiếp còn khiến vốn chủ sở hữu VETC âm gần 460 tỉ đồng, trong khi vốn góp của chủ sở hữu xấp xỉ 278 tỉ đồng. Tại ngày 31.12.2021, tổng tài sản VETC đạt 1.511 tỉ đồng, giảm khoảng 1% sau 12 tháng. Nợ phải trả doanh nghiệp còn 1.969 tỉ đồng, tăng 14% so với hồi đầu năm.
Đáng chú ý trong các khoản nợ của doanh nghiệp là nợ vay tài chính chiếm khoảng 70% tổng nợ phải trả, tương ứng 1.270 tỉ đồng. Đây chính là một trong những nguyên nhân khiến chi phí lãi vay VETC cao gấp 3,6 lần so với cùng kỳ, lên mức 106 tỉ đồng, góp phần ăn mòn lợi nhuận doanh nghiệp.
Dữ liệu cho thấy, chủ nợ của VETC bao gồm Ngân hàng BIDV với 831 tỉ đồng; Công ty TNHH Thospital với 21 tỉ đồng và Công ty Cổ phần Tasco với 418 tỉ đồng. Trong đó, Tasco là cổ đông đang nắm giữ 11,6% cổ phần tại VETC, 49% cổ phần Công ty TNHH Thospital.
Được biết, với 2 khoản vay nói trên, VETC đang phải trả 33 tỉ đồng và gần 700 triệu đồng lãi vay năm 2021 cho Tasco và Thospital.
Theo Thanh Giang (Lao Động)