Tỷ trọng điện than giảm, vẫn lo khó huy động vốn
Tại Tờ trình gửi Chính phủ về việc phê duyệt Đề án quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, nhiệt điện than giảm tỷ trọng đáng kể trong hệ thống nguồn điện so với hiện nay, còn năng lượng tái tạo có sự chững lại, trong khi đó nhiệt điện khí tăng lên.
Nhiệt điện than đến năm 2030 là 40.899 MW, chiếm tỷ lệ 28,4-31,4%. Còn nhiệt điện khí năm 2030 tăng rất mạnh, công suất lên đến 27.471-32.271 MW, chiếm tỷ lệ 21,1-22,4%.
Đáng chú ý, đến năm 2045 tỷ trọng nhiệt điện than giảm xuống, chỉ chiếm tỷ lệ 15,4-19,4%; nhiệt điện khí (tính cả LNG) tiếp tục tăng lên, chiếm tỷ lệ 23,5-26,9%.
Như vậy, dự thảo quy hoạch điện 8 thực sự giảm mạnh nhiệt điện than trong hệ thống điện. Từ khi xây dựng dự thảo quy hoạch điện 8, Bộ Công Thương luôn quán triệt quan điểm không đầu tư mới các dự án điện than, ngoài các dự án đã có trong quy hoạch 7 và 7 điều chỉnh.
Trước mắt, nhiệt điện than vẫn đóng vai trò quan trọng trong hệ thống điện Việt Nam nói riêng cũng như của đa số các nước trên thế giới. Theo Bộ Công Thương, tỷ lệ điện than của Việt Nam năm 2020 là 30,8% và 28,4-31,4% năm 2030, tương đương mức trung bình thế giới hiện nay (29%), Hàn Quốc (30%) và thấp hơn nhiều nước như Trung Quốc, Indonesia (49%).
Tuy nhiên, việc thu xếp vốn cho các dự án điện than giai đoạn tới sẽ đối mặt không ít thách thức khi nhiều tổ chức tài chính lớn trên thế giới đã nói không với điện than.
Theo tính toán của Viện Năng lượng, tổng vốn đầu tư nguồn điện giai đoạn 2021-2045 lên tới hơn 5,7 triệu tỷ đồng, tương đương hơn 248 tỷ USD (Trong đó, giai đoạn 2021-2025 là hơn 1,1 triệu tỷ đồng). Bình quân mỗi năm cần phải đầu tư thuần cho phần nguồn điện là hơn 231 nghìn tỷ đồng, tương ứng 9,96 tỷ USD.
Tổng vốn đầu tư nguồn điện giai đoạn 2021-2030 là gần 2 triệu tỷ đồng, tương đương mỗi năm cần gần 200 nghìn tỷ đồng, xấp xỉ 8,57 tỷ USD.
Trong đó, nhiệt điện than giai đoạn 2021-2025 là cần 358 nghìn tỷ đồng, giai đoạn 2026-2030 là hơn 425 nghìn tỷ đồng. Còn điện gió giai đoạn 2021-2025 cần 376 nghìn tỷ đồng, điện mặt trời chỉ khoảng gần 5.500 tỷ đồng.
Nút thắt mang tên “tài chính xanh”
Ông Ngô Đức Lâm, nguyên Phó viện trưởng Viện Năng lượng, dự báo huy động vốn cho dự án nhiệt điện than thời gian tới rất khó khăn khi nhiều tổ chức tài chính nói không với nhiệt điện than.
Ông Patrick Jakobsen, Giám đốc thẩm định tín dụng, Tổ chức Tín dụng xuất khẩu Đan Mạch (EKF), đánh giá thu xếp tài chính cho điện than đang trở thành điều cấm kỵ trong cộng đồng tài chính, cho nên ít có tổ chức nào cung cấp tài chính cho dự án điện than mới. Các quốc gia đưa ra những quy định chống cung cấp tài chính cho điện than, mà Trung Quốc và Vương quốc Anh là những ví dụ điển hình. Tại COP26, nhiều quốc gia dự kiến sẽ công bố chính sách năng lượng xanh.
Ông Patrick Jakobsen khuyến nghị Việt Nam nên tiếp tục đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo như điện gió ngoài khơi. “Nếu Việt Nam đi theo con đường này sẽ nhận được nhiều tài chính hơn”, ông nói.
Trong khi đó, ông Mark Hutchinson, Chủ tịch Nhóm công tác khu vực Đông Nam Á, Hội đồng năng lượng gió toàn cầu (GWEC), cho rằng các ngân hàng trong nước cũng sẽ rất ngặt nghèo trong việc cung cấp nguồn vốn cho dự án điện than, bởi các ngân hàng không thể đầu tư một lượng vốn lớn cho một đối tượng hay một ngành.
Ông Patrick Jakobsen cho biết: Lãi suất cho vay dự án điện gió thay đổi tùy theo độ rủi ro của từng dự án, việc đưa ra quyết định lãi suất là bao nhiêu là cả một nghệ thuật của người làm tài chính. Nói chung, huy động vốn cho điện than lãi suất khoảng 4-12%, còn điện gió khoài khơi khoảng 2-5%.
“Tôi tham gia một dự án ở Anh, lãi suất là 1,2%. Ở Anh, thị trường điện gió ngoài khơi đã ổn định nên mới có mức lãi suất đó. Còn tại Việt Nam, chúng ta có thể lấy lãi suất đó cộng thêm 2-5% là ra mức lãi suất cho thị trường Việt Nam”, ông phân tích.
Theo ông Patrick Jakobsen, với xu hướng tài chính xanh cho thế giới, dự án điện gió ngoài khơi rất hấp dẫn với các đơn vị tài chính trên toàn cầu. Họ sẽ phải cạnh tranh với nhau để cung cấp tài chính cho các dự án điện gió. Trong khi chỉ 10% đơn vị tài chính trên thế giới cung cấp cho điện than, đây là nhóm rất nhỏ. Khi quyết định đầu tư cho điện than, họ phải có nhiều thứ để cân nhắc. Họ phải chịu rủi ro nhất định và cũng ảnh hưởng đến chỉ tiêu xanh mà các tổ chức tài chính trên thế giới phải đáp ứng.
Những nhà làm chính sách thừa nhận, họ đang đối diện "sức ép khủng khiếp" từ quốc tế để giảm điện than nhiều hơn, đẩy mạnh năng lượng tái tạo. Năng lượng tái tạo có thể là tương lai của thế giới, song thực tế việc khắc chế được sự “đỏng đảnh” của nó là rất quan trọng trong việc cung cấp một hệ thống điện ổn định, an toàn. Đầu tư vào công nghệ tích trữ năng lượng là một trong số các giải pháp, dù trước mắt còn rất đắt đỏ. Điều này không dễ trong một sớm một chiều.
Hơn hết, việc đầu tư hệ thống điện cần tuân thủ nguyên tắ,c như ông Ngô Đức Lâm chia sẻ, đó là phải đa dạng nguồn điện, không để phụ thuộc quá lớn vào một nguồn điện cụ thể nào.
Theo Lương Bằng (VietNamNet)