Nghi doanh nghiệp nhập khẩu thép dùng "tiểu xảo" tránh thuế tự vệ

27/10/2016 09:08:00

Trong công văn gửi lên Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Công Thương, Tài chính, Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết, thời gian gần đây, VSA nhận được thông tin phản ánh về việc nhập khẩu ồ ạt thép cuộn vào Việt Nam, đặc biệt là loại thép cuộn mã HS 7213.91.90 nghi ngờ để lẩn tránh thuế tự vệ thương mại.

Trong công văn gửi lên Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Công Thương, Tài chính, Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết, thời gian gần đây, VSA nhận được thông tin phản ánh về việc nhập khẩu ồ ạt thép cuộn vào Việt Nam, đặc biệt là loại thép cuộn mã HS 7213.91.90 nghi ngờ để lẩn tránh thuế tự vệ thương mại.
 
(Ảnh minh hoạ).

Trước đó, ngày 18/7, Bộ Công Thương ban hành Quyết định về việc áp dụng biện pháp tự vệ chính thức đối với mặt hàng phôi thép và thép dài nhập khẩu vào Việt Nam, trong đó có mặt hàng thép dài (thép thanh và thép cuộn) bao gồm các mã HS 7213.10.00, 7213.91.20, 7213.20.31, 7214.20.41, 7227.90.00, 7228.30.00 và 9811.00.00 với mức thuế tự vệ là 15,4% từ ngày 2/8/2016 đến 21/3/2017.

Theo VSA, việc áp dụng thuế tự vệ đã tác động tích cực đến tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong nước. Tính đến hết 9 tháng đầu năm 2016, tăng trưởng sản xuất và bán hàng của các doanh nghiệp thành viên VSA lần lượt là 22,4% và 24% so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, qua theo dõi tình hình nhập khẩu, VSA thấy đang tồn tại hiện tượng lẩn tránh thuế tự về bằng cách khai chuyển mã số HS.

Cụ thể, lượng thép cuộn nhập khẩu theo các mã HS đang bị áp thuế tự vệ thương mại trong 9 tháng giảm rõ rệt, chỉ bằng 29% so với cùng kỳ và bằng 25% so với cả năm 2015. Tuy nhiên, lượng thép cuộn nhập khẩu theo các mã HS không thuộc đối tượng áp thuế (mã HS 7213.91.90) tăng lên đột biến, nhất là từ tháng 4 khi có quyết định áp thuế tự vệ tạm thời.

So với năm 2015 và quý I/2016, lượng thép mã HS này đã tăng gấp nhiều lần, riêng tháng 9, con số nhập khẩu đã lên tới 120.640 tấn. Tổng lượng nhập khẩu mặt hàng này trong 9 tháng đã tăng gấp gần 14 lần so với cùng kỳ năm trước. Lượng nhập khẩu trong tháng 10 theo ước tính của VSA sẽ không dưới 100.000 tấn.

Cùng với sự gia tăng về lượng nhập khẩu là sự xuất hiện của các doanh nghiệp hoàn toàn mới so với năm 2015. Cụ thể, năm 2015 có khoảng 30 doanh nghiệp nhập khẩu mã HS 7213.91.90 nhưng đến 9 tháng đầu năm 2016 đã có gần 70 doanh nghiệp và các doanh nghiệp mới này đều là công ty thương mại. Đây chính là các doanh nghiệp trước đây đã nhập mã thuộc danh sách bị áp thuế tự vệ và nay lại là những doanh nghiệp đứng hàng đầu nhập mã không thuộc đối tượng chịu thuế này.

Theo phân tích của VSA, thép cuộn mã 7213.91.90 có thành phần hóa học và cơ tính có thể đáp ứng để sử dụng như thép cuộn nhập khẩu đang bị áp thuế tự vệ thương mại. Hơn nữa, doanh nghiệp chuyển sang mã HS này để hưởng thuế suất 3% so với mức thuế suất 15,4 - 35,4% đối với mã trong diện chịu áp thuế.

"Như vậy, có thể thấy hành vi lẩn tránh thuế tự vệ thương mại từ các mã HS bị áp thuế sang các mã không bị áp thuế với sự chênh lệch thuế suất nhập khẩu là rất đáng kể", VSA kết luận.

Ngoài mã HS 7213.91.90 trên, theo VSA, một số mã HS khác cũng có khả năng được các doanh nghiệp nhập khẩu sẽ kê khai sang. Các mã HS này được mô tả giống với mã HS 7213.91.90, đều là thép cán nóng dạng cuộn cuốn, tròn trơn, chỉ khác nhau ở đường kính.

Trước tình hình này, VSA kiến nghị Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công Thương) xem xét hành vi lẩn tránh thuế tự vệ thương mại theo hướng mở rộng phạm vi áp dụng thuế tự vệ đối với các mặt hàng thép cuộn. Đồng thời, đưa một số mã sản phẩm vào danh mục hàng hóa cần quản lý chặt nhằm ngăn chặn việc lẩn tránh thuế vì các mã thép cuộn này có mô tả không cụ thể, có thuế suất nhập khẩu thấp nên có khả năng lẩn tránh thuế tự vệ thương mại trong tương lai.

Theo Phương Dung (Dân Trí)