Nghề 'đếm cành thu tiền' dịp Tết

01/02/2024 08:43:46

Những ngày này, tại các điểm bán hoa lan hồ điệp ở Nghệ An, thợ cắm hoa đang làm việc tất bật để phục vụ nhu cầu mua sắm hoa Tết của người dân. Công của thợ cắm hoa lan được tính theo cành, tùy vào tay nghề.

Để có những chậu lan hài hòa và đều màu, người thợ phải có thẩm mỹ tốt, khéo léo và sáng tạo. Từ thành phố Hồ Chí Minh, anh Lê Bảo Khánh (38 tuổi) ra Nghệ An theo lời mời của chủ cửa hàng kinh doanh hoa lan.

Theo anh Khánh, làm công việc này không thể rập khuôn, cứng nhắc mà phải luôn đổi mới, sáng tạo, phù hợp với yêu cầu thẩm mỹ ngày càng cao của khách hàng.

“Nhóm của tôi có 8 người, hầu hết có tuổi nghề trên 5 năm, tay nghề cao. Năm nay, chúng tôi hợp đồng với 3 cơ sở kinh doanh lan hồ điệp ở thành phố Vinh, làm đến 28 Tết. Công việc bắt đầu từ mùng 10 âm lịch, cao điểm là sau 20 tháng Chạp, phải thức trắng đêm mới kịp tiến độ”, anh Khánh chia sẻ.

Nghề 'đếm cành thu tiền' dịp Tết
Tùy theo tay nghề, thợ cắm lan sẽ được trả 15.000 - 30.000 đồng/cành lan

Kinh nghiệm hơn 10 năm kết lan, anh Nguyễn Văn Hải (36 tuổi, quê Thanh Hóa) được đánh giá là thợ giỏi, có trách nhiệm và giàu sự sáng tạo. Theo anh Hải, thợ cắm hoa thường được chia làm hai nhóm: Thợ “ra tia” và thợ “lên bình”. Công đoạn “ra tia” dành cho thợ phụ. Nhiệm vụ là cố định “tia” (thanh thép dẻo - PV) vào thân cây hoa lan, uốn phần có hoa thành vòng cung sao cho vẻ đẹp của ngồng hoa được phô bày trọn vẹn nhất.

Từ những cành lan đã “ra tia”, thợ chính sẽ thực hiện việc “lên bình”, nghĩa là ghép các bầu lan lại, sắp xếp thành một bình hoa hoàn chỉnh. “Việc cắm hoa đòi hỏi người thợ phải khéo léo, tỉ mỉ. Không đơn giản là lần lượt xếp từng bầu lan lên bình mà người thợ phải phác thảo trong đầu bố cục, hình khối bình hoa để đảm bảo tính thẩm mỹ cao, khoe được vẻ đẹp từng bông hoa lan”, anh Hải cho hay.

Vào dịp Tết Nguyên đán, đặc biệt là trong những ngày cao điểm, không hiếm những người thợ tay nghề cao có thể đạt mức thu nhập 5 - 7 triệu đồng/ngày, thậm chí cao hơn. Còn lại, trung bình cũng có mức thu nhập từ 1,5 - 3 triệu đồng/ngày.

Theo tiết lộ của anh Hải, vụ hoa Tết năm ngoái, thu nhập nhờ cắm hoa trong vòng 15 ngày của anh đạt gần 100 triệu đồng. “Thu nhập cao nhưng thời gian chúng tôi làm việc chủ yếu là từ đêm đến rạng sáng. Thời điểm này yên tĩnh, không bị tác động bởi khách đến xem lan nên năng suất và sự sáng tạo tốt hơn”, anh Hải nói.

Chị Phạm Thị Thủy, chủ cơ sở kinh doanh hoa lan có tiếng ở thành phố Vinh cho biết, cơ sở của chị đang có 10 lao động chính tạo đế gỗ lũa, cắm hoa và hơn 20 lao động thời vụ.

Năm ngoái, chủ cơ sở này đã phải chi gần 350 triệu đồng để mời một nhóm thợ cắm hoa tại thành phố Hồ Chí Minh ra làm việc. Năm nay, chị Thủy mời nhóm thợ ở Thanh Hóa vào.

“Cái khó nhất là tìm thợ cắm hoa. Thợ cắm hoa thì nhiều nhưng để cắm được bình hoa đẹp, độc, có tính nghệ thuật cao hợp ý khách thì không nhiều người làm được. Tuyển 10 thợ cắm hoa may ra chỉ chọn được một người. Tùy theo tay nghề, thợ cắm lan sẽ được trả 15.000 - 30.000 đồng/cành lan. Có những người thợ giỏi, năng suất lao động cao, có thể đạt thu nhập lên tới 6 triệu đồng/ngày”, chị Thủy cho hay.

Theo Thu Hiền (Tiền Phong)

Nổi bật