Rau, thủy sản tăng giá
Khu vực thủy hải sản tươi sống chợ Nguyễn Tri Phương (Q.10) đầy ắp các loại tôm, cá, mực… tươi rói. Thế nhưng, dạo qua mấy vòng chợ nhưng chị Lê Thị Thu Đào (41 tuổi, ngụ đường Thành Thái) vẫn chưa mua được món nào. “Cá tôm giá cao gấp 2-3 lần ngày thường, còn cao hơn cả những ngày tết nữa. Thôi đành mua rau, đậu về nấu bữa ăn gia đình. Hy vọng vài ngày nữa giá sẽ “dễ thở” hơn” – chị Đào thất vọng.
Rau xanh ở chợ Bến Thành (Q.1) cũng hét giá… trên trời. Cầm bó rau muống chỉ có vài cọng nhưng lên tới 10.000 đồng, bà Võ Thị Lộc (53 tuổi, giáo viên) thở dài: “Giá cả giờ khó đoán quá, không chỉ thay đổi theo ngày mà sáng một giá, chiều lại giá khác”.
Khảo sát một số chợ tại TPHCM, gần như tất cả các mặt hàng rau củ, thủy sản đều đứng ở giá cao, tăng từ 5.000 – 10.000 đồng/kg so với trước Tết: như cà chua 40.000 đồng/kg, rau cần 20.000 đồng/bó, dưa leo 30.000 đồng/kg, rau muống 50.000 đồng/kg, súp lơ từ 10.000 đồng/bắp tăng lên 20.000 đồng/bắp, rau cải giá 15.000 đồng/kg đã nhảy lên gần 30.000 đồng…; mực ống 220.000 đồng/kg, cá diêu hồng 60.000 đồng/kg, ngao 30.000 đồng/kg, tôm hùm nhỏ giá 250.000 đồng/kg, cua thịt từ 300.000 – 600.000 đồng/kg, tùy loại. Ngoài ra, tùy theo các chợ ở trung tâm thành phố có giá cao hơn các chợ ngoại thành, vùng ven.
Lý giải một số mặt hàng giá cao, nhiều tiểu thương cho hay do từ mùng 5 Tết, người dân đã quay trở lại thành phố làm việc, trong khi nhà vườn vẫn còn nghỉ tết nên hàng hóa cung không đủ cầu. “Chúng tôi đều lấy hàng ở mối quen tuy nhiên, giá cả nhích hơn ngày thường tầm 30-50.000 đồng/kg. Do lấy hàng giá cao nên chúng tôi không thể giảm giá. Mặc dù giá tăng cao nhưng vẫn hết hàng nhanh. Một số chỗ chúng tôi gọi đặt hàng nhưng không còn” - chị Minh Châu – tiểu thương chợ Tân Định (Q.1) chia sẻ.
Siêu thị đìu hiu
Mặc dù bán hàng bình ổn thị trường nhưng lượng người đến siêu thị ở Sài Gòn mua thực phẩm khá thấp. Chị Hồ Thị Mai (28 tuổi, nhân viên văn phòng) cho biết: “Thực phẩm ở chợ hiện có giá rất cao nên tôi vào siêu thị mua thức ăn. Tuy nhiên, hàng tươi sống trong siêu thị không phong phú bằng ngoài chợ, chỉ có một số loại rau như dưa leo, bầu bí… vắng hoàn toàn thực phẩm thủy hải sản; thức ăn chế biến sẵn cũng không có. Rau củ cũng toàn hàng trữ lạnh nên tôi không mua. Do đó, tôi buộc phải quay ngược ra chợ, chấp nhận giá cao để mua hàng”.
Khi đặt câu hỏi về nhiều mặt hàng trong siêu thị không có, nhân viên ở đây giải thích, do đơn vị cung cấp chứ không phải do siêu thị. “Nhiều đơn vị cung cấp thông báo phải qua rằm (15 Âm lịch) họ mới có hàng trở lại. Nhất là mặt hàng thủy hải sản, ngư dân vẫn chưa ra khơi nên thiếu hụt hàng” – người này nói.
Ông Phạm Thành Kiên - Giám đốc Sở Công Thương TPHCM cho biết, đơn vị đã đưa lên trang web của Sở bảng giá các mặt hàng thiết yếu để người dân theo dõi. Qua công tác kiểm tra, các nhà máy sản xuất, đơn vị nhập khẩu đảm bảo số lượng này và cam kết không tăng giá dịp Tết. Ngoài ra, thời điểm trong và sau Tết Nguyên đán, Sở và các đơn vị cũng thường xuyên tăng cường kiểm tra thị trường, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, đẩy giá, hàng gian, hàng giả, không đảm bảo chất lượng đưa vào thị trường phục vụ Tết, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu phục vụ sinh hoạt Tết của người dân.
Gần như tất cả các mặt hàng rau củ, thủy sản đều đứng ở giá cao, tăng từ 5.000 – 10.000 đồng/kg so với trước Tết: như cà chua 40.000 đồng/kg, rau cần 20.000 đồng/bó, dưa leo 30.000 đồng/kg, rau muống 50.000 đồng/kg, súp lơ từ 10.000 đồng/bắp tăng lên 20.000 đồng/bắp, rau cải giá 15.000 đồng/kg đã nhảy lên gần 30.000 đồng…; mực ống 220.000 đồng/kg, cá diêu hồng 60.000 đồng/kg, ngao 30.000 đồng/kg, tôm hùm nhỏ giá 250.000 đồng/kg, cua thịt từ 300.000 – 600.000 đồng/kg, tùy loại.
Theo Uyên Phương (Tiền Phong)