Khi giá than tăng sốc
“Từ nửa cuối tháng 7 đến nay, hai nhà máy Duyên Hải 3 và 3 mở rộng không vận hành. Đến nay, chỉ còn Duyên Hải 1 hoạt động”, ông Nguyễn Văn Long - Phó Giám đốc Công ty Nhiệt điện Duyên Hải - mở đầu cuộc trò chuyện với PV. VietNamNet về tình hình 3 nhà máy nhiệt điện với tổng công suất 3.178MW.
Đây là lần đầu tiên hai nhà máy kể trên phải dừng vận hành. Giá than là nguyên nhân chính dẫn đến tình thế này. Từ đầu năm 2021 đến nay, giá than liên tục tăng. Tháng 3/2021, giá than là 94 USD/tấn, nhưng đến tháng 9/2022 đã tăng lên 434 USD/tấn.
Do đó, nhà máy Duyên Hải 3 và Duyên Hải 3 mở rộng sử dụng than nhập khẩu bị ảnh hưởng nặng nề. Giá thành lên đến 3.300 đồng/kWh khiến hai nhà máy không thể cạnh tranh trên thị trường điện.
Trong khi đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng chịu tác động nặng nề từ giá nhiên liệu tăng cao. Giá than tăng cao, giá mua điện cao hơn giá bán lẻ là nguyên nhân chính khiến tập đoàn dự kiến lỗ đến hơn 31.000 tỷ năm 2022.
Ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá, cho rằng: Giá nhiên liệu thế giới tăng cao và tỷ giá biến động làm chi phí mua điện của EVN tăng rất cao. Giá đầu vào cho sản xuất điện, tỷ giá tăng là một trong những nguyên nhân cơ bản, khách quan bất khả kháng tác động làm cho chi phí sản xuất điện tăng cao hơn giá bán lẻ hiện hành.
Để thực hiện mục tiêu kiểm soát và kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, an sinh xã hội, Việt Nam đã giữ ổn định giá bán điện từ tháng 3/2019 đến nay.
“Theo tôi, đã đến lúc, giá điện cần được điều chỉnh cho phù hợp, giúp sản xuất kinh doanh điện hoạt động bình thường”, ông Nguyễn Tiến Thỏa bày tỏ quan điểm.
Năm 2022, thủy điện “được mùa” nên có thể gồng gánh phần nào chi phí từ giá mua điện của các nhà máy nhiệt điện. Nhưng sang năm 2023, giá than còn là ẩn số, thủy điện chưa rõ ra sao. Nếu các yếu tố này không thuận lợi, nguồn cung điện 2023 sẽ trở nên căng thẳng.
Trước tình hình đó, lãnh đạo EVN kiến nghị áp dụng cơ chế thị trường cho giá điện, khi các yếu tố đầu vào tăng thì giá điện tăng và ngược lại một cách kịp thời theo một cơ chế tự động, tương tự như cơ chế điều chỉnh giá xăng dầu.
Giá điện có điều chỉnh như giá xăng dầu được không?
Ông Nguyễn Tiến Thỏa cho rằng: Trong xu thế toàn cầu hóa, nền kinh tế Việt Nam nói chung, ngành điện nói riêng không thể đứng ngoài, đứng độc lập với xu thế đó. Để sản xuất được điện, chúng ta phải nhập khẩu nhiên liệu đầu vào cho sản xuất theo giá thị trường thế giới. Do đó, giá điện của nước ta không thể không phản ánh giá trị thị trường thế giới của những loại đầu vào này và những yếu tố cấu thành giá khác trong cơ cấu giá điện.
“Chính vì vậy, việc điều hành giá điện theo cơ chế giá thị trường phải được lựa chọn”, Chủ tịch Hội Thẩm định giá khuyến nghị.
Nhưng giá điện có thể điều chỉnh lên xuống như giá xăng dầu được không? Từng tham gia nhiều đoàn kiểm tra giá thành điện, chuyên gia pháp chế Nguyễn Minh Đức chia sẻ: Giả sử nếu điều chỉnh giá điện theo tháng hay quý, giá điện sẽ có tăng có giảm. Tuy nhiên, chưa rõ EVN muốn kỳ điều chỉnh là bao lâu một lần. Vấn đề là làm sao để chi phí được phản ánh kịp thời vào giá bán. Quan trọng là tính kịp thời.
“Giá xăng dầu 10 ngày điều chỉnh một lần, nhưng mức thay đổi giá chỉ là giá nhập trung bình của 10 ngày. Còn phụ phí nhập xăng lại điều chỉnh 6 tháng một lần. Chậm điều chỉnh phụ phí là một trong các lý do gây ra tình trạng thiếu xăng dầu như vừa qua”, ông Đức liên hệ và cho rằng, đây là điều cần lưu ý với các chi phí của ngành điện.
“Nhiều người nói giá điện chỉ tăng không giảm. Nhưng phải nhìn nhận rằng, nếu vài năm mới điều chỉnh giá một lần thì tất nhiên giá điện chỉ có tăng mà không có giảm. Bởi chi phí vẫn tăng lên hàng năm”, ông Đức lưu ý.
Bên cạnh đó, việc thúc đẩy thị trường bán lẻ điện cạnh tranh là điều cần làm. Khi có thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, các chi phí đều được tính đúng, tính đủ vào giá bán của các đơn vị phát điện, truyền tải và bán lẻ điện. Các quyết định về giá bán lẻ điện sẽ trở nên minh bạch và được quyết định do cung cầu thị trường.
Theo kế hoạch của Bộ Công Thương, dự kiến giai đoạn 2022-2024, khách hàng sử dụng điện được mua điện trên thị trường điện giao ngay, sau năm 2024 sẽ được lựa chọn đơn vị bán lẻ điện. Đó là khi Việt Nam có thị trường bán lẻ điện cạnh tranh.
Nhưng do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, quá trình triển khai còn rất chậm. Khi có thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, sẽ có nhiều doanh nghiệp ngoài EVN tham gia vào khâu bán lẻ điện. Còn Nhà nước vẫn nên độc quyền khâu truyền tải như hầu hết các nước.
“Việt Nam cũng nên đẩy sớm việc này. Sự cạnh tranh bán lẻ là con đường tất yếu phải đi”, ông Nguyễn Minh Đức nhấn mạnh.
Theo Lương Bằng (VietNamNet)