Nhiều đại gia Việt thu về hàng ngàn tỷ đồng sau những thương vụ đình đám. Đây là những thành công lớn và có thể là khởi đầu cho một bước ngoặt mới nhưng cũng có thể là một ngã rẽ không mong muốn.
Tập đoàn FPT của ông Trương Gia Bình vừa hoàn tất thỏa thuận bán 47% cổ phần tại FPT Trading và hợp tác chiến lược với Tập đoàn Synnex Technology International Corporation (Synnex).
Giới đầu tư có lẽ không ngạc nhiên khi FPT thu về cả ngàn tỷ đồng sau khi bán một phần doanh nghiệp bán lẻ của mình một cho tập đoàn phân phối sản phẩm công nghệ, viễn thông và linh kiện điện tử hàng đầu thế giới.
Synnex được biết đến là tập đoàn lớn thứ 3 thế giới trong mảng này, với doanh thu lên tới hàng chục tỷ USD. Trong khi đó, FPT Trading hiện là nhà phân phối sản phẩm công nghệ thông tin viễn thông lớn nhất ở Việt Nam với khoảng 40% thị phần.
Synnex cần thị trường rộng lớn của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á, còn FPT có thêm đối tác hàng đầu để có thể phát triển mảng kinh doanh không phải là cốt lõi nhưng là trụ cột của tập đoàn trong nhiều năm qua.
Thương hiệu bánh Kinh Đô. |
Trước đó, FPT cũng đã bán 30% cổ phần tại FPT Retail cho Dragon Capital và VinaCapital để thu về cũng gần ngàn tỷ đồng. Hai thương vụ giúp FPT của ông Trương Gia Bình thu về 2 ngàn tỷ. Cổ phiếu FPT tăng vọt ngay sau khi FPT có được nguồn tiền lớn vừa thu được cộng với một khối lượng khổng lồ tiền mặt có từ trước đó.
Năm 2014, CTCP Tập đoàn Kinh Đô (KDC) đã bán 80% cổ phần tại CTCP Kinh Đô Bình Dương - mảng bánh kẹo của tập đoàn - cho nhà đầu tư ngoại Mondelez International của Mỹ để thu về 370 triệu USD.
Đây là một thương vụ rùm beng thị trường chứng khoán. Doanh nghiệp nhà anh em nhà doanh nhân kín tiếng Trần Lệ Nguyên - Trần Kim Thành thu 8 ngàn tỷ đồng tiền mặt sau 20 năm hoạt động. Cùng với khối lượng tiền mặt khổng lồ từ hoạt động kinh doanh trước đó, Kinh Đô trở thành ông vua tiền mặt, vượt qua cả những doanh nghiệp lớn như Vinamilk, GAS…
Hồi tháng 4, CTCP Á Mỹ Gia, một doanh nghiệp chuyên về kinh doanh hóa mỹ phẩm đã bán 100% cổ phần cho Tập đoàn Hóa chất Nhật Bản Earth Chemical với mức giá hơn 1,8 ngàn tỷ đồng sau khoảng 15 năm hoạt động.
Trước đó, hàng loạt các đại gia Việt cũng đã bán cổ phần và doanh nghiệp với các thương hiệu lớn như: Daina (băng vệ sinh), X-Men (dầu gội), Prime (gạch xây dựng)… cho các ông lớn nước ngoài Nhật, Thái Lan, Ấn Độ… thu về những khoản tiền rất lớn.
Riêng vụ Prime, đại gia Việt đút túi khoản tiền khoảng 5 ngàn tỷ đồng. Gần đây, các ông chủ của một công ty xi măng tại miền trung Việt Nam cũng bán cổ phần cho Tập đoàn SCG (Thái Lan) để thu về 156 triệu USD.
Bước ngoặt phát triển hay ngả rẽ chia tiền
Sau cú bán cổ phần mảng bán lẻ, cổ phiếu FPT của Trương Gia Bình đã tăng giá mạnh nhiều phiên liên tiếp. Giới đầu tư nhìn thấy một lượng tiền mặt lớn mà tập đoàn có được. Tuy nhiên, với nhiều nhà đầu tư, triển vọng dài hạn của tập đoàn rất khó xác định vào thời điểm hiện tại.
Nhiều thương hiệu đã bán cho nước ngoài. |
Mấu chốt của vấn đề là FPT của ông Trương Gia Bình sẽ làm gì với khoản tiền mặt khổng lồ của mình trong thời gian tới? Chiến lược của FPT sẽ thay đổi như nào sau thương vụ bán một phần mảng bán lẻ?
Theo như chia sẻ của ông Bình, FPT sẽ rút dần ở mảng thương mại để đầu tư vào công nghệ. Hình ảnh của FPT là tập trung vào công nghệ chứ không phải kết hợp giữa thương mại và công nghệ. Nếu đúng như vậy, đây có thể là bước ngoặt giúp FPT trở về với giá trị cốt lõi của mình sau một thời gian dài sống dựa chủ yếu vào bán buôn bán lẻ.
Mặc dù vậy, nhiều NĐT cũng lo lắng không biết FPT sẽ tập trung vào mảng công nghệ nào bởi nếu chỉ tập trung vào mảng gia công phần mềm thì có thể không cần nhiều vốn như vậy. Trong 10 năm qua, lĩnh vực công nghệ trên thế giới đã thay đổi chóng mặt trong khi đại gia công nghệ Việt - FPT vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Cách đây khoảng 1 thập kỷ, FPT lên sàn với vốn hóa khoảng 1,5 tỷ USD nhưng giờ đây DN của ông Trương Gia Bình vẫn đang quanh mức 1,1 tỷ USD. Năm 2007, Apple cho ra mắt iPhone thế hệ đầu tiên thì giờ đây tập đoàn này đã có vốn hóa hơn 800 tỷ USD. Alphabet, công ty mẹ của Google, hơn 600 tỷ USD. Facebook từ một mạng dành cho sinh viên đến nay đã thành mạng xã hội hàng đầu thế giới với 1,8 tỷ người dùng mỗi tháng.
Từ một công ty công nghệ hàng đầu, doanh thu FPT trong nhiều năm gần đây chủ yếu đến từ mảng bán buôn, bán lẻ điện thoại, máy tính. Quyết định bán một phần mảng bán lẻ có thể là một bước ngoặt để phát triển nhưng cũng có thể là một ngã rẽ không mong muốn. Mảng bán lẻ của FPT bị cạnh tranh khá gay gắt, cùng gia nhập mảng bán điện thoại nhưng giờ đây Thế Giới Di Động (MWG) của ông Nguyễn Đức Tài trở thành một ông lớn thì FPT Shop vẫn xoay sở khẳng định mình.
Trong vài năm gần đây, hàng loạt các đại gia Việt đã bán đi mảng kinh doanh “gà đẻ trứng vàng” của mình và thu về ngàn tỷ. Tuy nhiên, không ít trường hợp đã phải chia tiền vì không tìm thấy cơ hội đầu tư hơn những gì mà họ đã thành công.
Sau khi bán mảng bánh kẹo cho ông lớn đến từ Mỹ, Kinh Đô đã có nhiều dự định đầu tư, trong đó có cả ý định mua cổ phần DongABank… nhưng cuối cùng các cổ đông đã đi đến quyết định chia tiền với tỷ lệ cổ tức khủng chưa từng có: 200% rồi đổi tên thành Tập đoàn Kido, tập trung vào mảng kem, dầu ăn- gia vị và mì ăn liền.
Vụ CTCP Á Mỹ Gia bán cho đại gia Nhật, 7 cổ đông của DN Việt cũng đã chia nhau hơn 1,8 ngàn tỷ. Hai cổ đông lớn nhất, mỗi người sẽ thu về khoảng 420 tỷ đồng.
Trước đó, giới đầu tư cũng đã chứng kiến hàng loạt các đại gia Việt xây doanh nghiệp lên, gây dựng thành công thương hiệu rồi đem bán các nhà đầu tư nước ngoài. Hàng loạt các thương hiệu như Daina, X-Men, Prime, P/S… đều đã về tay ngoại.
Với số tiền khủng thu được, một số ít các doanh nhân Việt gây dựng được thương hiệu mới như Doji, TienPhongBank… còn lại hầu hết không thể chứng kiến thêm một lần thành công vang dội như quá khứ. Hàng loạt các doanh nghiệp lớn, thương hiệu hàng đầu của người Việt đã vĩnh viễn biến mất.
Theo V. Hà (VietNamNet)