Tại buổi tiếp xúc với cử tri là công nhân - lao động, chủ doanh nghiệp (DN) góp ý dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) do Đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM và LĐLĐ TP HCM tổ chức mới đây, góp ý về 2 phương án đề xuất rút BHXH một lần, hầu hết ý kiến đều chọn phương án 1, cụ thể là nhóm tham gia BHXH trước khi Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực (dự kiến trước ngày 1-7-2025) sẽ được rút BHXH một lần. Nhóm đóng sau thời điểm này không được rút, trừ người đủ tuổi nghỉ hưu mà chưa đủ năm đóng để hưởng lương hưu; ra nước ngoài định cư; mắc bệnh nguy hiểm đến tính mạng. Đây cũng được xem là phương án tối ưu và đáp ứng nguyện vọng của NLĐ nhất tính đến thời điểm hiện tại.
Liên quan đến các phương án rút BHXH, gởi ý kiến đến Báo Người Lao Động, bạn đọc Nguyễn Đức Phương Tuân bày tỏ: "Theo tôi, Nan soạn thảo sửa luật bhxh lần này thì nên cho phép người lao động trực tiếp trong và ngoài lĩnh vực nhà nước có đóng BHXHbắt buộc liên tục 20 năm trở lên có độ tuổi Nam (đủ 57 tuổi) và nữ đủ (55 tuổi) ai có nguyện vọng nghỉ hưu để hưởng lương hưu thì nên giải quyết chế độ nghỉ hưu. Vì những đối tượng lao động thường là lao trực tiếp nên sức khỏe giảm sút khó ai mà chờ đợi đến tuổi nghỉ hưu như quy định hiện nay".
Theo bạn đọc Võ Kim Hương, cái gốc vấn đề rút BHXH 1 lần sâu xa là do đồng lương công nhân quá thấp, họ làm không đủ sống và không có tích lũy tài chính cho lương lai được, trong khi đó bao nhiêu việc giải quyết cho cuộc sống hàng ngày cơm áo gạo tiền con cái học hành nuôi cha mẹ già .. nên họ bị thất nghiệp hay nghỉ việc trước khi chưa đủ năm đóng BHXH để lĩnh hưu và họ coi số tiền BHXH đóng hàng tháng như là 1 phần tiền tiết kiệm để họ nhận lại sau khi nghỉ việc trang trải cho cuộc sống hàng ngày, hay làm vốn kinh doanh...Đây là lý do rất chính đáng, mong Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Bộ ngành có những giải phải căn cơ, khuyến khích họ giữ lại để lại, đóng thêm vào BHXH tự nguyện để lĩnh lương hưu.
Bạn đọc Lương Hồng Tâm chua chát: "Năm 20 tuổi, khi các bạn cùng trang lứa đang tung tăng giảng đường ĐH, thì tôi đã đi làm. Vất vả hơn 30 năm...khi bệnh tật đầy mình, xin nghỉ hưu thì phải chờ, hoặc bị trừ % thiếu tuổi. Nghĩ nó cay". Theo bạn đọc Nguyễn Thái Thành, người lao động trục tiếp làm ca đêm nữa. Vất vả sức khỏe suy giảm nhanh, làm sao chờ đến 60 được nên họ chọn rút 1 lần.
Bạn đọc Hải Trần ấm ức: "Đi làm công nhân cho cty cực khổ mất nhiều sức.mà cũng tính ngang như làm văn phòng trong nhà nước. Do vậy, nên cho người lao động trực tiếp nghỉ hưu sớm hơn dân văn phòng 5 năm mới hợp lý". Theo bạn đọc Đỗ Công Thành,
việc tính toán tuổi nghỉ hưu rõ ràng chưa hợp lý với đối tượng NLĐ ngoài nhà nước. Việc tuyên truyền để NLĐ hiểu được cách tính, điều kiện nghỉ được hưởng lương hưu còn yếu kém (chưa làm được). Bạn đọc Đỗ Lý bày tỏ: "Cứ đóng đủ năm thì được hưởng lương hưu mới phù hợp và công bằng. Tại sao đã đóng đủ năm lại phải chờ tới 60 tuổi mà không phải là 50 tuổi, mà tại sao cứ mỗi năm chờ lại trừ tỷ lệ hưởng của người lao động đi trong khi họ có rút bớt lại tiền đã đóng đâu? Tại sao cách tính hưởng với lao động ngoài nhà nước lại khác trong khi thậm chí số tiền họ đóng góp cho quỹ bảo hiểm thậm chí còn nhiều hơn{.
Một bạn đọc tên Vũ chia sẻ: "Hỏi thử xem có bao nhiêu người ở độ tuổi 40 đến 45, mà đi xin được việc để đóng BHXH rồi đến tuổ lãnh lương hưu? Tại sao hạ số năm đóng BHXH xuống mà không hạ tuổi người lao động để họ được hưởng lương hưu sớm. Nếu lo cho đời sống người lao động, thì nên lấy ý kiến của người lao động để xây dựng nên 1 chế độ bảo hiểm cho hợp lý, không 1 người lao động nào mà muốn rút BHXH khi thấy để BHXH là có lợi cả.
Bạn đọc Võ Văn Đức dẫn chứng: "Công ty bây giờ công nhân 50 tuổi là cho nghỉ việc rồi, khi bị nghỉ việc thì xin chỗ khác không ai nhận. Rồi ngồi đó chờ đủ tuổi lãnh lương hưu". Cùng góc nhìn, bạn đọc Nguyễn Quang nói: "Đúng vậy, đại đa số NLĐ thuộc doanh nghiệp ngoài nhà nước họ đều có hoàn cảnh khó khăn nên không theo học được, họ phải đi làm việc từ lúc tuổi trẻ, lo cơm áo, gạo tiền, tới lúc 45-55 tuổi đã kiệt sức vì lao động từ 20-22 tuổi, làm việc liên tục thậm chí cả tuần không nghỉ, sao không có chế độ ưu ái khi họ đóng BHXH từ 30-35 năm mà buộc phải chờ 5-7 năm sau mới được hưởng lương hưu? Vậy thì ai còn dám mơ tới hưu trí nữa. Vì vậy, NLĐ tha thiết đề nghị các bộ, ngành không nên né tránh mà phải đặt mình vào hoàn cảnh của NLĐ để làm luật thì mới giữ được NLĐ trong hệ thống an sinh.
Bạn đọc Bùi Ái Việt góp ý: "Tôi nghĩ để thu hút NLĐ tham gia BHXH, luật BHXH phải đứng về phía NLD. Hiện Luật BHXH quy định độ tuổi được nghỉ hưu mà không bị trừ % lương hưu là quá cao so với sức khỏe người Việt, không chỉ nhóm lao động trí óc, đặc biệt là lao động chân tay. Trong cơ chế thị trường, DN không muốn sử dụng lao động ở vùng tuổi 55-62 vì lương cao, năng suất thấp, chậm, trì trệ nên nguy cơ mất việc, thải loại nhiều. Khi đó không biết xin việc gì vì điều kiện tuổi tác. Đã thế nghỉ hưu sớm thì bị trừ 2%/ năm. Vậy thì ai muốn tham gia vì biết kết quả cuối không sáng sủa. Vậy nên giảm tuổi hưu từ 62/60 về như cũ".
Theo An Chi (Nld.com.vn)