Theo kế hoạch, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố quyết định chuyển giao bắt buộc đối với hai ngân hàng DongA Bank và GPBank.
Cũng giống như trường hợp của OceanBank (nay đổi tên thành Ngân hàng MBV) và Ngân hàng Xây dựng (CB), GPBank là một trong 3 ngân hàng được NHNN mua lại với giá “0 đồng” kể từ năm 2015.
Trong khi đó, DongA Bank không thuộc diện “ngân hàng 0 đồng” như 3 ngân hàng yếu kém còn lại dù bị NHNN đưa vào diện kiểm soát đặc biệt từ tháng 8/2015.
Thực hiện chỉ đạo của Ban Kiểm soát đặc biệt DongA Bank, kể từ ngày 14/8/2015, toàn bộ cổ đông DongA Bank không được chuyển nhượng cổ phần. Trường hợp đặc biệt, NHNN xem xét việc chuyển nhượng cổ phần trên cơ sở đề xuất của Ban Kiểm soát đặc biệt.
Quyết định trên đồng nghĩa với việc đóng băng tài sản của các cổ đông trước khi có quyết định tiếp theo về số phận của ngân hàng.
Trước thời điểm bị rơi vào diện kiểm soát đặc biệt, DongA Bank có vốn điều lệ 5.000 tỷ đồng. 100% cổ đông trong nước, trong đó cổ đông pháp nhân chiếm tỷ lệ 40,68%, cổ đông cá nhân chiếm 59,32%.
Căn cứ vào danh sách cổ đông cập nhật vào ngày 31/12/2014, những cổ đông pháp nhân sở hữu tỷ lệ lớn bao gồm: CTCP Xây dựng Bắc Nam 79 (ông Phan Văn Anh Vũ, tức Vũ “Nhôm” làm Chủ tịch HĐQT) nắm giữ 10% vốn điều lệ; CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ, công ty gia đình của ông Trần Phương Bình và bà Cao Thị Ngọc Dung) nắm giữ 7,7% vốn điều lệ; Văn phòng Thành ủy TPHCM nắm giữ 6,9%; Công ty TNHH MTV Du lịch Thương mại Kỳ Hòa nắm giữ 3,78%; CTCP Vốn An Bình nắm giữ 2,73%; và Công ty TNHH MTV XD và KD Nhà Phú Nhuận nắm giữ 2,14%.
Trong khi đó, cổ đông cá nhân nắm giữ cổ phần lớn nhất tại DongA Bank là Trần Phương Ngọc Hà (2,06%) và Trần Phương Ngọc Giao (2%) - hai người con của ông Trần Phương Bình và bà Cao Thị Ngọc Dung.
Theo báo cáo quản trị mới nhất 6 tháng đầu năm 2024, người liên quan đến thành viên HĐQT là bà Hoàng Thị Xuân, vợ của thành viên HĐQT độc lập Trần Văn Đình, đang sở hữu 1,015% vốn điều lệ DongA Bank.
Ngoài ra, một số thành viên HĐQT và người liên quan cũng đang sở hữu cổ phần tại ngân hàng này với tỷ lệ dưới 0,1%.
Còn theo cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao công bố năm 2018 trong vụ án xảy ra tại DongA Bank, cổ đông sáng lập chiếm 13,21% và cổ đông thường chiếm 86,79%. Trong đó, gia đình cựu Tổng Giám đốc Trần Phương Bình và bà Cao Thị Ngọc Dung cùng các con nắm giữ 10,24% vốn điều lệ ngân hàng.
Trên thực tế, trước khi bị kiểm soát đặc biệt, DongA Bank đã rơi vào tình trạng âm vốn chủ sở hữu.
Theo quy định tại Điều 179 Luật các tổ chức tín dụng (TCTD) năm 2024, việc chuyển giao bắt buộc ngân hàng thương mại được kiểm soát đặc biệt được thực hiện khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định trong luật. Trong đó, điều kiện đầu tiên là: “NHTM có lỗ luỹ kế lớn hơn 100% giá trị của vốn điều lệ và các quỹ dự trữ ghi trong BCTC đã được kiểm toán gần nhất”.
Việc xử lý cổ phần, quyền lợi của các cổ đông tại DongA Bank nói riêng và ngân hàng bị chuyển giao bắt buộc nói chung đã được quy định cụ thể tại Luật này.
Cụ thể, Điều 183 Luật các TCTD năm 2024 quy định về việc tổ chức thực hiện phương án chuyển giao bắt buộc, NHNN quyết định chuyển giao bắt buộc và phê duyệt phương án chuyển giao bắt buộc.
Theo đó, kể từ ngày NHNN quyết định chuyển giao bắt buộc, toàn bộ quyền và lợi ích của chủ sở hữu, thành viên góp vốn, cổ đông của ngân hàng thương mại (NHTM) được chuyển giao bắt buộc chấm dứt.
NHNN quyết định ghi giảm toàn bộ vốn điều lệ của NHTM được chuyển giao bắt buộc để giảm lỗ luỹ kế tương ứng.
Bên nhận chuyển giao bắt buộc thực hiện các thủ tục thay đổi giấy phép, thực hiện phương án chuyển giao bắt buộc đã được phê duyệt.
Như vậy, với quy định nêu trên, gia đình bà Cao Thị Ngọc Dung và các cổ đông liên quan cũng chấm dứt quyền cổ đông tại DongA Bank.
Theo Tuân Nguyễn (VietNamNet)