Theo quy định của Bộ Tài chính, toàn bộ 730 doanh nghiệp được cổ phần hóa (là doanh nghiệp có trên 100 cổ đông) chưa niêm yết sẽ phải thực hiện niêm yết ngay trong năm nay. Trong đó, nhiều ngân hàng thương mại cổ phần cũng thuộc diện phải niêm yết theo danh sách này.
10 ngân hàng phải lên sàn, nay mới có 4
Trong số 730 doanh nghiệp đã cổ phần hóa phải lên sàn theo quy định bao gồm 10 ngân hàng thương mại cổ phần như OCB, ABBank, Techcombank, NamABank, MaritimeBank, VietABank, TPBank, SeABank, HDBank, LienVietPostBank. Những ngân hàng này đã nhiều lần lên kế hoạch niêm yết nhưng phải trì hoãn nhiều lần vì các lý do khác nhau.
Trước đó, trong mùa đại hội đồng cổ đông thường niên vào tháng 4, cổ đông nhiều ngân hàng cũng đã đồng ý niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán như Techcombank, ABBank, OCB, LienVietPostBank…
Tuy nhiên, tính đến nay, có 4 ngân hàng tiến hành niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán trong năm 2017 bao gồm VPBank VIB, KienLongBank và LienVietPostBank.
Cụ thể, VIB đã niêm yết 564 triệu cổ phiếu trên UPCoM từ 9/1 và dự kiến sẽ chuyển sang HOSE vào năm sau. KienLongBank cũng đã niêm yết 300 triệu cổ phiếu trên UPCoM vào ngày 29/6.
Trong khi đó, VPBank niêm yết cổ phiếu trên HOSE từ 17/8, hiện là mã cổ phiếu ngân hàng cao thứ 2 trong khối sau Vietcombank. LienVietPostBank đã niêm yết toàn bộ cổ phiếu trên UPCoM từ 5/10 vừa qua.
Mới đây nhất, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) cho biết đã nhận được hồ sơ đăng ký niêm yết của HDBank. HDBank sẽ niêm yết toàn bộ cổ phiếu lên HOSE.
Trong khi đó, tại những ngân hàng khác, ngày lên sàn vẫn chưa được hẹn trước.
Ông Hồ Hùng Anh - Chủ tịch HĐQT Techcombank - từng chia sẻ tại ĐHĐCĐ thường niên 2017 rằng việc niêm yết của ngân hàng đang được trình cơ quan quản lý Nhà nước, sau khi được chấp thuận sẽ niêm yết ngay, nhưng việc niêm yết trên sàn nào có lợi cho cổ đông sẽ do HĐQT quyết định.
Toàn bộ cổ phiếu của Techcombank đã được Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) nhận lưu ký từ cuối năm 2016. Nhưng vì nhiều lý do, đến nay, nhà băng này vẫn chưa niêm yết.
ABBank cũng đang chờ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận niêm yết trong khi OCB cũng đặt mục tiêu niêm yết trên HOSE vào năm 2018.
NamABank, Maritimebank gần như đã lỡ hẹn niêm yết trong năm nay. Tại ĐHĐCĐ thường niên vừa qua, chỉ có 3% cổ đông Maritimebank đồng ý để ngân hàng niêm yết trên UPCoM. VietABank, SeABank nhiều khả năng cũng sẽ niêm yết trên UPCoM. TPBank dự kiến lên HOSE.
Tại sao các ngân hàng không muốn niêm yết?
Trong phiên trả lời chất vấn Quốc hội cách đây không lâu, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết để giúp người dân có thể nắm được tình hình sức khỏe của các ngân hàng, NHNN sẽ yêu cầu các tổ chức tín dụng niêm yết công khai trên thị trường chứng khoán, công bố báo cáo tài chính định kỳ, có kiểm toán. Qua đó, người dân và nhà đầu tư có thể xác định tình hình tài chính của các ngân hàng, nhận diện ngân hàng yếu kém.
Trong một cuộc trao đổi với Zing.vn, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho biết lý do khiến các ngân hàng chần chừ lên sàn là do việc niêm yết cổ phiếu không phải điều dễ dàng. Đi cùng với đó là hàng loạt điều kiện liên quan đến tình hình tài chính.
Ngoài ra, một trong những yêu cầu bắt buộc khi lên sàn là phải minh bạch thông tin, như vậy kết quả kinh doanh chưa khả quan, nợ xấu tồn đọng… đều được phơi bày. Theo ông, điều này khiến các ngân hàng còn e dè trong việc niêm yết.
Cùng ý kiến, ông Cao Sỹ Kiêm - nguyên Thống đốc NHNN - cũng cho biết nguyên tắc hoạt động của ngân hàng là phải minh bạch tài chính. Chỉ có niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán thì tình hình ngân hàng mới minh bạch.
Việc niêm yết cổ phiếu trên sàn giao dịch đòi hỏi ngân hàng phải có số liệu chuẩn xác, kinh doanh lỗ lãi đầy đủ và đã lên sàn là phải giữ trách nhiệm với khách hàng, cũng như nhà đầu tư.
Ông Kiêm cũng cho rằng nhiều ngân hàng chưa lên sàn do đang phải làm "sạch" bảng cân đối kế toán, hoặc khắc phục những vấn đề tồn tại có thể ảnh hưởng tới việc lên sàn.
Cũng theo vị này, việc các ngân hàng niêm yết sẽ giúp thị trường đánh giá tốt hơn, các ngân hàng yếu kém sẽ được phát hiện chính xác.
Một báo cáo mới đây của Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC) cho biết niêm yết không phải là mục tiêu bắt buộc đối với các ngân hàng trong năm nay và chỉ cần các niêm yết trên UPCoM là đủ. Tuy nhiên nhiều doanh nghiệp, ngân hàng sẽ chọn niêm yết trên HOSE hoặc HNX.
Bởi vì việc niêm yết sẽ giúp các ngân hàng có cơ hội tăng vốn, nếu không niêm yết trước cuối năm nay thì các ngân hàng vẫn phải niêm yết trước 2020 khi Basel 2 chính thức được áp dụng để nâng vốn cấp 1 trước thời hạn này.
Theo Quang Thắng (Tri Thức Trực Tuyến)