Theo lộ trình, mỗi tháng công ty vàng phải trả hơn 27 tỷ đồng cho Cục thuế Quảng Nam. Nếu không trả được thì Ngân hàng Việt Á có trách nhiệm trả thay.
“Đây là một bước quan trọng để công ty vàng có điều kiện hoạt động trở lại. Vài ngày tới UBND tỉnh sẽ làm việc với các đơn vị liên quan về vấn đề này. Sau khi làm việc, nếu được sự thống nhất giữa các bên thì dự kiến tháng 8 Công ty vàng Phước Sơn sẽ hoạt động trở lại, qua đó có nguồn thu để trả nợ cho nhà nước”, ông Thu nói.
Việc nợ thuế khiến Công ty vàng Phước Sơn bị cưỡng chế, phải ngừng sản xuất. Ảnh: T.H |
Trong khi đó, số nợ thuế, phí của một công ty vàng khác cũng thuộc Tập đoàn Besra là Bồng Miêu đến nay đã gần 100 tỷ đồng. Công ty này hết phép khai thác từ tháng 3/2016 nhưng vẫn lén lút hoạt động. Sau khi bị phát hiện, ngày 16/6, UBND tỉnh Quảng Nam đã có văn bản yêu cầu dừng khai thác.
Công ty vàng Bồng Miêu và Phước Sơn thuộc Công ty Besra Việt Nam. Đây là những công ty khai thác, sản xuất vàng lớn nhất Việt Nam với quy mô đầu tư hàng trăm triệu USD. Tập đoàn Besra nhận giấy phép khai thác mỏ Bồng Miêu từ năm 1997 và xây dựng nhà máy đưa vào hoạt động năm 2005. Năm 1999, mỏ Phước Sơn được cấp phép và tháng 6/2011 nhà máy chế biến vàng Phước Sơn đã cho ra mẻ vàng đầu tiên 11,1kg.
Tuy nhiên, đến nay hai nhà máy Bồng Miêu và Phước Sơn liên tục thua lỗ, nhiều thời điểm phải tạm ngừng hoạt động, hàng nghìn lao động mất việc làm. Tổng cộng nợ ngắn hạn của hai liên doanh đạt gần 2.500 tỷ, lỗ luỹ kế 1.029 tỷ đồng.
Không dừng lại ở đó, hai liên doanh này còn nợ thuế chồng chất và từng nhiều lần bị tỉnh Quảng Nam cưỡng chế thu hồi. Đặc biệt, đại gia vàng này còn kéo được Ngân hàng Việt Á vào vòng xoáy thua lỗ. Do quá khó khăn, tháng 6/2015, Besra đã bán 35% vốn cho Công ty cổ phần vàng Việt Á (VACO). Sau thương vụ này, Besra nắm 50%, Việt Á 35%, Khoáng sản Quảng Nam 10% và Công ty Kiến Anh nắm 10%.
Theo Tiến Hùng (VnExpress.net)