Ngân hàng Thế giới xem xét dừng vốn vay ưu đãi cho Việt Nam

04/12/2015 14:59:19

Dự kiến hơn năm nữa (1-7-2017), Việt Nam sẽ không còn được nhận nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Thế giới (WB).

Dự kiến hơn năm nữa (1-7-2017), Việt Nam sẽ không còn được nhận nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Thế giới (WB).
Không thể trì hoãn "tốt nghiệp" vay vốn ưu đãi
 
Số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy: WB là nhà tài trợ đa phương hàng đầu cho Việt Nam, kể từ 1993-2015 (tính đến cuối tháng 5-2015) WB đã cung cấp 148 dự án với tổng số vốn cam kết lên tới 20,103 tỷ USD. Trong đó vốn vay IDA (vốn từ Hiệp hội Phát triển Quốc tế thuộc nhóm WB) cam kết vào khoảng 17,32 tỷ USD. Phân bổ vốn tập trung vào các ngành giao thông, đô thị, nông nghiệp, năng lượng, giáo dục, y tế và cải cách chính sách.
 

Ảnh minh họa

Giai đoạn 2011-2015 là thời kỳ Việt Nam bước vào nước có thu nhập trung bình, vì vậy chính sách của WB cũng như nhiều nhà tài trợ khác đối với Việt Nam có sự thay đổi.

Tại cuộc họp Hiệp hội Phát triển Quốc tế (IDA) - tổ chức trực thuộc nhóm WB tại Pháp vào năm 2013, WB đã xem xét việc tốt nghiệp IDA cho Việt Nam. Tuy nhiên, nhờ có sự vận động tích cực của Việt Nam, việc tốt nghiệp IDA của Việt Nam đã được lùi lại để xem xét tại kỳ họp giữa kỳ IDA17, tổ chức vào cuối năm 2015.

“Xét các điều kiện tốt nghiệp IDA và thực trạng phát triển của Việt Nam, gần như chắc chắn Việt Nam sẽ tốt nghiệp IDA vào kỳ IDA 18 tới, tức là từ 1-7-2017” – theo tin từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Dự kiến Việt Nam sẽ tốt nghiệp IDA sau khi kết thúc tài khóa 2017, khi đó chính sách của WB đối với các nước tốt nghiệp IDA như Việt Nam sẽ thay đổi.

Báo cáo nghiên cứu những thay đổi về chính sách viện trợ cho Việt Nam do Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng nêu rõ: Việt Nam sẽ phải đẩy nhanh tốc độ trả nợ đối với hơn 90% các khoản vay hiện hành (tương đương 9,5 tỷ USD) và các khoản vay mới thuộc IDA 17.

Việc trả nợ này sẽ thực hiện theo hai phương án. Ở phương án 1, Việt Nam sẽ phải đẩy nhanh gấp đôi tốc độ trả nợ, tức các khoản vay 25 năm sẽ phải trả trong khoảng 12-15 năm. Khi đó, Việt Nam sẽ được hưởng lãi suất có phần ưu đãi là 2%;

Còn nếu chọn phương án 2 là giữ nguyên thời gian trả nợ, khi đó lãi suất áp dụng sẽ là lãi suất đang vay (khoảng 2%) cộng thêm 1,4-1,5%, tương đương điều kiện vay với lãi suất 3,4 -3,5% trong thời hạn 25 năm.

Theo ước tính của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến năm 2017, tổng số vốn vay ưu đãi phải áp dụng điều khoản trả nợ nhanh và thuộc phạm vi tính toán tác động khoảng 18-19 tỷ USD. Bao gồm tổng dư nợ IDA tính đến ngày 31-12-2014 khoảng 11 tỷ USD. Bên cạnh đó, các khoản vay IDA đã ký nhưng chưa giải ngân đến ngày 30-6-2015 khoảng 4,2 tỷ USD. Dự kiến 6 tháng cuối năm 2015 khoảng 300-500 triệu USD và dự báo các năm 2016-2017 khoảng 3-3,5 tỷ USD (cho đến khi tốt nghiệp IDA vào 1-7-2017).

Trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Hải quan về vấn đề này, ông Sandeep Mahajan, chuyên gia Kinh tế trưởng của WB tại Việt Nam chia sẻ: Việc tốt nghiệp IDA của Việt Nam rõ ràng là sự kiện quan trọng đã được kỳ vọng một thời gian. Việt Nam lẽ ra đã tốt nghiệp IDA nhưng được kéo dài vì các giám đốc IDA vẫn thấy nhu cầu của Việt Nam cần nguồn vốn này.

“Hiện nay các điều khoản tốt nghiệp IDA của Việt Nam vẫn chưa chốt. Chính phủ Việt Nam đang thảo luận các giám đốc IDA xem đâu là điều khoản cho sự tốt nghiệp IDA của Việt Nam” – ông Sandeep Mahajan cho biết.

Việt Nam không phải lo

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nếu Việt Nam tốt nghiệp IDA từ tháng 7-2017, việc chấm dứt hoàn toàn nguồn vốn này sẽ là một cú “sốc” đối với các lĩnh vực, các đối tượng đang ưu tiên sử dụng nguồn vốn này trong giai đoạn trước đây: Giáo dục, y tế, công bằng xã hội, giảm nghèo đặc biệt cho đối tượng vùng sâu, vùng xa và phụ nữ.

Vì thế, Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch vận động WB có một bước “đệm” với nguồn vốn vay IDA ưu đãi để giảm “sốc” cho các lĩnh vực nói trên.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng vốn WB dự kiến phân bổ cho Việt Nam cho giai đoạn IDA 18 hiện vẫn chưa xác định. Tuy nhiên, một điều chắc chắn là mức độ ưu đãi sẽ giảm hơn trước.

Ông Sandeep Mahajan cho biết: Khi tốt nghiệp IDA, Việt Nam sẽ chuyển từ vay IDA của WB với mức lãi suất bằng 0% cộng với phí dịch vụ sang vay từ Ngân hàng Quốc tế về Tái thiết và Phát triển (IBRD) – một đơn vị trực thuộc WB.

“Thực tế với tình hình kinh tế toàn cầu vẫn chưa thực sự phục hồi, mức lãi suất trên toàn thế giới vẫn ở mức thấp nên vay IBRD không khác nhiều lãi suất IDA. Điều này gần như không tác động gì đến Việt Nam xét về chi phí lãi suất Việt Nam phải chịu. Có thể lãi suất IBRD vẫn có ưu đãi nhưng khó dự báo lãi suất sẽ như thế nào" – đại diện WB nói.

Ông Sandeep Mahajan trấn an: Những nước chuyển từ thu thập thấp sang thu nhập trung bình đều phải trải qua giai đoạn này. Điều này cho thấy thành công của Việt Nam, mức độ tín nhiệm của Việt Nam đã sẵn sàng khai thác nguồn vốn từ thị trường quốc tế. Qua đó, Việt Nam sẽ tăng tiếp cận thị trường vốn trong nước và quốc tế.

“WB sẽ sẵn lòng hỗ trợ Việt Nam trong quá trình tiếp cận này. Và Việt Nam phải có khung vĩ mô nhất quán bền vững, tăng trưởng kinh tế mạnh để tiếp cận thị trường vốn quốc tế” – đại diện WB lưu ý.

Theo Lương Bằng (Báo Hải Quan)

Nổi bật