Ngân hàng Thế giới thay đổi dự báo về kinh tế Việt Nam 2024, cao hơn 8 nước ASEAN và Trung Quốc

09/10/2024 21:35:34

Ngân hàng Thế giới (World Bank – WB) mới đây tiếp tục nâng dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2024.

Ngân hàng Thế giới thay đổi dự báo về kinh tế Việt Nam 2024, cao hơn 8 nước ASEAN và Trung Quốc
Ảnh minh họa

Theo Báo cáo cập nhật tình hình kinh tế khu vực Đông Á và Thái Bình Dương mới đây được WB công bố, dự báo GDP của Việt Nam trong năm 2024 là 6,1%, tăng cao hơn so với mức 5,5% được dự báo vào hồi tháng 4/2024.

WB dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ tăng lên 6.5% sang năm 2025. Mức này cao hơn 6% tại dự báo cảu WB vào tháng 4/2024.

Theo dự báo mới nhất của WB, tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ cao hơn 8 quốc gia trong khu vực ASEAN và Trung Quốc. Cụ thể, Trung Quốc được WB dự báo sẽ tăng trưởng GDP đạt 4,8% trong năm 2024 và giảm còn 4,3% trong năm 2025. Theo WB, nguyên nhân giảm là vì thị trường bất động sản yếu kéo dài, đồng thời niềm tien của nhà đầu tư, người tiêu dùng thấp, bên cạnh những thách thức mang tính cơ cấu, chẳng hạn như già hóa dân số và những căng thẳng toàn cầu.

Trong khi đó, tại khu vực ASEAN, theo WB, tăng trưởng GDP của các quốc gia trong năm 2024 và 2025 như sau: Thái Lan (với 2,4% và 3%), Malaysia (4,9% và 4,5%), Indonesia (5% và 5,1%), Philippines (6% và 6,1%)…

Theo WB, trong các nền kinh tế lớn, chỉ có Indonesia dự kiến tăng trưởng trong năm 2024 và 2025 bằng hoặc cao hơn mức trước đại dịch, trong khi tăng trưởng ở Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam dự kiến sẽ thấp hơn mức trước đại dịch.

Bà Manuela V. Ferro, Phó Chủ tịch của WB khu vực Đông Á và Thái Bình Dương cho biết, các quốc gia ở khu vực này tiếp tục là động lực tăng trưởng cho nền kinh tế thế giới, nhưng tốc độ tăng trưởng đang chậm lại. Do đó, đại diện WB cho rằng, để duy trì sự tăng trưởng mạnh mẽ trong trung hạn, các quốc gia trong khu vực này phải chủ động tiến hành hiện đại hóa và cải cách nền kinh tế của mình nhằm thích nghi với sự chuyển đổi các mô hình thương mại và thay đổi về công nghệ.

Về trường hợp Việt Nam, báo cáo của WB nhận định, nước ta đã tận dụng tốt cơ hội tăng cường vai trò của mình trong chuỗi giá trị toàn cầu bằng cách kết nối với các đối tác thương mại lớn.

Báo cáo chỉ ra rằng, trong giai đoạn 2018 – 2021, các doanh nghiệp của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Mỹ chứng kiến doanh thu tăng gần 25% nhanh hơn so với những thị trường khác. Tuy nhiên, các nền kinh tế có thể ngày càng bị hạn chế trong việc đóng vai trò "kết nối một chiều", nhất là khi các quy tắc xuất xứ và hạn chế xuất nhập khẩu mới nghiêm ngặt được áp dụng.

Mới đây, theo Tổng cục Thống kê, trong 9 tháng năm 2024, kinh tế Việt Nam đạt mức tăng trưởng 6,82%. Đây là mức tăng trưởng tích cực, thể hiện sự quyết tâm cũng như nỗ lực của toàn hệ thống chính trị trong thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế – xã hội, đồng thời cho thấy sự thích ứng nhanh, kịp thời với những biến động của kinh tế thế giới, khắc phục hậu quả nặng nề do thiên tai.

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ ngày 7/10/2024, trên cơ sở kết quả của quý III và 9 tháng, dự báo cả năm, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị phấn đấu mức tăng trưởng quý IV đạt khoảng 7,6 – 8%, từ đó giúp tăng trưởng cả năm 2024 đạt và vượt 7%.

Tại phiên họp này, Thủ tướng đã yêu cầu phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GDP cả năm 2024 khoảng trên 7% và tăng trưởng quý IV/2024 từ 7,5 - 8%.

Robot, AI đang tác động tới thị trường lao động

Ngân hàng Thế giới thay đổi dự báo về kinh tế Việt Nam 2024, cao hơn 8 nước ASEAN và Trung Quốc - 1
Theo báo cáo của World Bank, AI, robot đang tác động tới thị trường lao động ở nhiều khu vực trên thế giới. Ảnh minh họa

Ngoài dự báo về GDP, một điểm đáng chú ý trong báo cáo của WB là xem xét về cách mà các quốc gia trong khu vực có thể tận dụng những công nghệ mới nhằm tiếp tục tạo ra việc làm cho người dân của họ. 

Cụ thể, theo WB, trí tuệ nhân tạo (AI), robot công nghiệp và nền tảng kỹ thuật số đang tác động đến thị trường lao động trong khu vực. Minh chứng là trong giai đoạn từ năm 2018 – 2022, việc áp dụng robot đã giúp tạo ra được việc làm cho khoảng 2 triệu người. Những lao động chính thức có tay nghề cao hơn vì năng suất cao hơn, quy mô sản xuất tăng và nhu cầu về các kỹ năng bổ sung. Ở chiều ngược lại, robot cũng đã thay thế khoảng 1,4 triệu (chiếm 3,3%) lao động chính thức có kỹ năng thấp tại các quốc gia ASEAN-5 (bao gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan).

Báo cáo của WB chỉ ra rằng, tỷ lệ việc làm tại khu vực Đông Nam Á bị đe dọa bởi AI nhỏ hơn so với những nền kinh tế tiên tiến. Tuy nhiên, khu vực này lại kém vị thế hơn để tận dụng được những lợi ích về năng suất của AI, bởi vì chỉ có 10% việc làm liên quan đến các nhiệm vụ bổ sung cho AI (so với khoảng 30% ở những nền kinh tế tiên tiến).

Ông Aaditya Mattoo, chuyên gia kinh tế trưởng của WB Đông Á và Thái Bình Dương, nhận định, mô hình phát triển của Đông Á dựa vào thị trường toàn cầu mở và sản xuất thâm dụng lao động, đang bị thách thức bởi căng thẳng thương mại và công nghệ mới. Phản ứng tốt nhất là tăng cường các hiệp định thương mại, đồng thời trang bị cho mọi người những kỹ năng và khả năng di chuyển để tận dụng các công nghệ mới.

Theo Minh Hằng (Nhịp sống thị trường)