Các kỳ hạn dài từ 15 tháng trở lên được ngân hàng áp dụng lãi suất 7%/năm. Riêng kỳ hạn 13 tháng, Sacombank áp dụng lãi suất lên đến 7,55%/năm nhưng với điều kiện các món tiền phải là gửi mới từ 500 tỷ đồng trở lên. Nếu sổ tiết kiệm tái tục có số dư nhỏ hơn 500 tỷ đồng thì ngân hàng áp dụng lãi suất kỳ hạn 12 tháng nhận lãi cuối kỳ ở mức 6,8%/năm.
VPBank cũng đã điều chỉnh tăng lãi suất huy động. Theo đó, kỳ hạn 1 tháng tăng từ 4,9% lên 5,2%, kỳ hạn 12 và 13 tháng tăng từ 6,5% lên 6,9%/năm. Ngân hàng cộng thêm 0,1%/năm so với gửi tại quầy đối với các khoản tiền gửi từ 100 triệu đồng trở lên.
Các khoản tiền gửi online còn được VPBank cộng thêm 0,2% lãi suất so với biểu lãi suất gửi tại quầy. Mức lãi suất online cao nhất hiện là 8%/năm, áp dụng cho kỳ hạn 36 tháng và các khoản tiền trên 5 tỷ.
Ngân hàng tăng lãi suất huy động, "hút" vốn cuối năm |
Trước đó, một số ngân hàng thương mại cổ phần như: Eximbank, Techcombank, TPBank cũng tăng thêm lãi suất từ 0,1 – 0,3%/năm ở một số kỳ hạn. Tại TPBank, từ nay cho tới 25/1/2017, với mỗi khoản tiết kiệm thường trị giá 100 triệu đồng hoặc với mỗi 50 triệu đồng khi gửi tiết kiệm Trường An Lộc kì hạn 1 tháng trở lên, khách hàng sẽ được tham gia bốc thăm trúng thưởng ngay tại quầy giao dịch và có cơ hội sở hữu một trong các phần quà hấp dẫn và nhiều chương trình quà tặng khác.
Hồi tháng 11, thị trường cũng chứng kiến một loạt ngân hàng điều chỉnh tăng hoặc giảm lãi suất huy động kỳ hạn ngắn dịp cuối năm, như BIDV, Agribank, VietCapital Bank...
Khảo sát mặt bằng thị trường cho thấy, hiện lãi suất huy động VND giữa các ngân hàng lớn và ngân hàng có quy mô nhỏ vẫn có sự cách biệt khá lớn.
Lãi suất các kỳ hạn ngắn từ 1-3 tháng tại các ngân hàng lớn như Vietcombank, Agribank,... chỉ khoảng 4,3%/năm đến 4,5%/năm, lãi suất kỳ hạn dài chỉ khoảng 6,5%/năm. Còn tại một số ngân hàng nhỏ, lãi suất kỳ hạn dưới 6 tháng vẫn kịch trần 5,5%/năm trong khi kỳ hạn dài lên tới 7,5 - 8%, cao hơn lãi suất tại các ngân hàng lớn khoảng 1 - 1,5%/năm.
Theo đánh giá của giới chuyên gia, việc tăng lãi suất cuối năm của các ngân hàng là chiêu giữ khách truyền thống trong bối cảnh nhu cầu chi tiêu tiền mặt của người dân tăng mạnh. Trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất tuần giữa tháng 12 tiếp tục xu hướng tăng mạnh, đạt mức
cao nhất trong vòng 10 tháng trở lại đây ở cả ba loại kỳ hạn. Cụ thể, lãi suất trung bình kỳ hạn qua đêm tăng 1,25%, đạt mức 5,1%/năm; kỳ hạn 1 tuần tăng 1,17%, lên mức 5,11%/năm; kỳ hạn 2 tuần tăng 0,95% đạt mức 5.07%/năm.
Dữ liệu do Ngân hàng Nhà nước cung cấp cho thấy, tăng trưởng tín dụng tính đến hết tháng 11/2016 đạt mức 15,8% trong khi tăng trưởng huy động là 15,2%.
Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) , "việc tín dụng tăng tốc mạnh trong tháng vừa qua là diễn biến không bất ngờ do nhu cầu vay vốn trong nền kinh tế thường tăng cao vào dịp cuối năm. Điều này đã khiến cho thanh khoản hệ thống ngân hàng bớt dư thừa hơn so với thời điểm quý III, qua đó trực tiếp đẩy lãi suất liên ngân hàng lên một mặt bằng mới".
Trước diễn biến mới này, NHNN cũng đã dừng hoạt động phát hành tín phiếu và liên tục bơm ròng vốn ra thị trường qua nghiệp vụ OMO trong ba tuần qua với tổng giá trị khoảng 22.000 tỷ đồng. Mức lãi suất cho vay qua OMO của NHNN hiện là 5%, tương đương với mức lãi suất vay mượn trên thị trường liên ngân hàng.
Dẫu vậy, theo đánh giá của BVSC, lãi suất liên ngân hàng từ nay đến Tết Âm lịch sẽ duy trì ở mức tương đối cao, dao động từ 4,5-5%/năm.
Theo Nguyễn Hiền (Dân Trí)