Sacombank cũng điều chỉnh tăng lãi suất thêm 0,1 - 0,3%/năm ở một số kỳ hạn. Cụ thể, kỳ hạn 2 tháng tăng từ 4,9% lên 5%; kỳ hạn 6 tháng đến 11 tháng tăng từ 5,9% lên 6%/năm. Riêng sản phẩm tiết kiệm Tích tài, ngân hàng tăng lãi suất 6 tháng và 9 tháng từ 5,2 - 5,3% lên 5,5%/năm.
Tại VPBank, lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng tăng từ 4,9%/năm lên 5,2%/năm, kỳ hạn 12 và 13 tháng tăng từ 6,5% lên 6,9%/năm. Ngoài ra, ngân hàng này còn cộng thêm lãi suất với khoản gửi online, mức lãi suất online cao nhất hiện là 8%/năm, áp dụng cho kỳ hạn 36 tháng và các khoản tiền trên 5 tỷ đồng...
Trước đó, thị trường cũng ghi nhận việc điều chỉnh lãi suất của hàng loạt ngân hàng khác như: TPBank, Techcombank, PVcomBank..., với mức tăng thêm 0,1-0,3% mỗi năm cho một số kỳ hạn ngắn.
Ngân hàng tăng lãi suất huy động, đẩy vốn ra thị trường (ảnh minh họa). |
Theo lý giải của các ngân hàng, nguyên nhân khiến lãi suất huy động tăng là để áp ứng các tỉ lệ an toàn vốn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Trong đó, kể từ ngày 1/1/2017, tỉ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn giảm từ mức 60% xuống 50%.
Ngoài ra, vào thời điểm giáp Tết Nguyên đán Đinh Dậu, khi nhu cầu rút vốn chi lương, thưởng tết và chi tiêu, mua sắm tăng, ngân hàng phải tăng lãi suất để thu hút vốn nhằm cân đối đầu vào.
Còn nhớ, tại cuộc họp triển khai hoạt động kinh doanh của ngân hàng của tuần qua, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng đã gửi đi thông điệp về điều hành lãi suất. Thống đốc cho hay, trong năm 2017 này, NHNN sẽ kiên định mục tiêu kiểm soát lạm phát và điều hành đồng bộ, linh hoạt các công cụ để giữ mặt bằng lãi suất ổn định, phấn đấu giảm lãi suất cho vay.
Để đạt được mục tiêu này, NHNN sẽ tiếp tục điều hành thông qua thị trường liên ngân hàng, qua các kênh nghiệp vụ thị trường mở điều tiết thanh khoản và lãi suất trên thị trường liên ngân hàng ở mức hợp lý để các tổ chức tín dụng (TCTD) nếu có khó khăn về thanh khoản có thể tiếp cận được nguồn vốn này mà không phải huy động trên thị trường 1 (thị trường diễn ra hoạt động huy động và cho vay giữa các ngân hàng thương mại và người dân), làm tăng lãi suất trên thị trường 1.
Đồng thời, NHNN tiếp tục chỉ đạo các TCTD, bản thân các TCTD phải cân đối cơ cấu nguồn vốn và sử dụng vốn hợp lý, thực hiện chi phí hoạt động ngân hàng hợp lý để có điều kiện giảm lãi suất cho vay.
Trong khi nhiều ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất huy động VND, trên thị trường, nhiều ngân hàng, thậm chí là "ngân hàng 0 đồng" cũng đua đẩy vốn ra thị trường. Do áp lực cạnh tranh tìm kiếm khách hàng nên các ngân hàng không những tạo điều kiện cho doanh nghiệp, cá nhân có nhiều cơ hội tiếp cận vốn hơn mà còn đưa ra các chương trình lãi suất hấp dẫn, cả với các lĩnh vực ưu tiên lẫn vay thương mại thông thường.
Sáng 10/1, tham gia Hội nghị Kết nối ngân hàng - doanh nghiệp trên địa bàn TPHCM, Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) đã cam kết dành gói tín dụng 1.000 tỷ đồng để hỗ trợ các doanh nghiệp được phê duyệt tham gia chương trình trong các lĩnh vực được ưu tiên với mức lãi suất ưu đãi. Gói tín dụng 1.000 tỷ đồng này của SeABank sẽ hỗ trợ thêm nguồn vốn kịp thời cho các doanh nghiệp đầu tư sản xuất, phát triển kinh doanh.
Sacombank đã ký kết với NHNN chi nhánh TP.HCM và Sở Công Thương về gói tín dụng tới 3.000 tỷ đồng, lãi suất 6,9%/năm với các khoản vay ngắn hạn và 9%/năm đối với vay trung và dài hạn cho các doanh nghiệp trong các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, xuất nhập khẩu, ứng dụng công nghệ cao và nông nghiệp nông thôn tại 24 quận huyện trên địa bàn.
PVcomBank cho biết sẽ dành gần 10.000 tỷ đồng cho vay trong cả năm 2017 với lãi suất từ 6,8%/năm, dành cho khách hàng cá nhân có nhu cầu vay mua nhà đất thông thường, vay mua nhà dự án, vay mua ô tô, vay kinh doanh và vay tiêu dùng có tài sản đảm bảo.
Hay như tại "ngân hàng 0 đồng" - CBBank, từ 1/1/2017, ngân hàng này cũng ra mắt gói sản phẩm cho vay với lãi suất chỉ từ 6,5%/năm, tập trung cho nhóm khách hàng bán lẻ là cá nhân và doanh nghiệp siêu nhỏ. Các gói sản phẩm cho vay xây dựng, mua nhà, đất, cho vay mua ô tô cũng được ngân hàng tiếp tục triển khai...
Theo An Hạ (Dân Trí)