Ngân hàng 'sóng' lớn, nhà đầu tư không còn chê cổ tức cổ phiếu

23/03/2021 10:04:07

Khác với những năm trước, trong mùa đại hội năm nay, ngành ngân hàng có nhiều thuận lợi để thuyết phục cổ đông đồng thuận nhận cổ tức bằng cổ phiếu.

Nhiều năm qua, hầu hết các ngân hàng đều chọn chia cổ tức bằng cổ phiếu. May ra chỉ có chấm điểm vài trường hợp chọn chia cổ tức bằng tiền mặt.

Và để chỉ phải chia cổ tức bằng cổ phiếu, những lý do muôn thuở vẫn được lãnh đạo các ngân hàng viện dẫn như tăng vốn điều lệ, tăng vốn chủ sở hữu, nhờ đó có điều kiện tăng hạn mức tín dụng, các chỉ số an toàn đảm bảo, huy động vốn tốt hơn, lợi nhuận cải thiện hơn, chưa giải quyết xong trái phiếu VAMC…

Thậm chí, vào năm ngoái, ngay tại Chỉ thị số 02/CT-NHNN về các giải pháp cấp bách của ngành ngân hàng nhằm tăng cường, phòng chống và khắc phục khó khăn do tác động của dịch bệnh Covid-19, Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các ngân hàng thương mại không chia cổ tức bằng tiền mặt để tập trung nguồn lực giảm mạnh lãi suất cho vay. Đây là một cái cớ chính đáng để các ngân hàng thuyết phục cổ đông đồng thuận chia cổ tức bằng cổ phiếu.

Ngân hàng 'sóng' lớn, nhà đầu tư không còn chê cổ tức cổ phiếu

Nhưng sao lại phải lấy lý do để chia cổ tức bằng cổ phiếu? 

Đơn giản, nhà đầu tư luôn mong muốn cổ tức bằng tiền mặt hơn. Bởi lẽ, họ biết rõ quy trình trả cổ tức bằng cổ phiếu phải qua nhiều bước, có khi sau vài tháng cổ phiếu mới về tài khoản.

Mặt khác, nhận cổ tức bằng cổ phiếu còn bị đánh thuế thu nhập cá nhân ở mức 5% dù không phát sinh thu nhập. Đấy là chưa tính đến việc cổ phiếu trả cổ tức khi về tài khoản giảm giá so với giá tham chiếu trong ngày giao dịch không hưởng quyền khiến nhà đầu tư thua lỗ, nhưng vẫn phải nộp thuế. Tóm lại, nhà đầu tư sợ thiệt đơn thiệt kép khi nhận cổ tức bằng cổ phiếu.

Năm nay, vấn đề cổ tức mặc dù không còn được Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo điều hành nhưng chia cổ tức bằng cổ phiếu vẫn là ưu tiên hàng đầu của các ngân hàng. Cho tới hiện tại, hầu như chưa có ngân hàng nào thông báo chi trả cổ tức năm 2020 bằng tiền mặt.

Đáng chú ý, trên thị trường và trên nhiều diễn đàn chứng khoán, tranh luận về cổ tức tiền mặt hay cổ phiếu của ngành ngân hàng không còn được quan tâm như những năm trước. Nguyên nhân nhằm ở tỷ lệ chia cổ tức và triển vọng giá cổ phiếu.

Cụ thể, sau một năm nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, các ngân hàng vẫn mạnh tay chi trả cổ tức. BIDV là ngân hàng mở màn cho mùa đại hội cổ đông thường niên của ngành trong năm nay. Riêng về cổ tức, ngân hàng dự kiến phát hành 207,3 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2019 (tỷ lệ 5,2%), phát hành 281,5 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2020 (tỷ lệ 7%). Thời gian thực hiện dự kiến trong quý 3 và quý 4/2021.

Hay theo tài liệu đại hội cổ đông được Ngân hàng VIB công bố và dự kiến được tổ chức vào ngày 24/3 tới đây, ngân hàng này sẽ trình cổ đông thông qua phương án tăng vốn, bao gồm tăng vốn bằng hình thức chia cổ phiếu thưởng từ nguồn vốn chủ sở hữu 40%. Đây là ngân hàng đang đứng đầu về mức chi trả cổ tức năm nay.

Cũng trong ngày 24/3 tới, ngân hàng MSB cũng trình cổ đông chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 30% để nâng vốn điều lệ từ 11.750 tỷ đồng lên 15.275 tỷ đồng.

Ngoài ra, một loạt các ngân hàng cũng dự tính chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ cao như: OCB chia cổ tức năm 2020 tỷ lệ 25%; ACB cũng chia cổ tức 25% cho cả năm 2020 và 2021; SHB chi trả cổ tức 10% cho năm 2019 và 10,5% cho năm 2020…

Về giá cổ phiếu, từ đầu năm đến nay, cổ phiếu ngành ngân hàng đang tạo sóng lớn. Trong đó, VIB tăng hơn 41%; VPB tăng 39%; TCB tăng 33%; MBB tăng 26%; CTG tăng 18%. Làn sóng tăng giá còn lan ra nhóm ngân hàng vừa mới bắt đầu niêm yết như MSB, OCB hay chuyển sàn từ HNX sang HOSE như ACB.

Bên cạnh đó, thông tin lạc quan đối với ngành ngân hàng thời gian gần đây liên tục được công bố. Đơn cử như hãng xếp hạng tín nhiệm Moody’s đã xác nhận nâng mức xếp hạng tiền gửi nội tệ và ngoại tệ tệ dài hạn của 15 ngân hàng Việt Nam lên Ba3+.

Còn ở góc độ kinh doanh, ngân hàng đang thể hiện sự tự tin của mình thông qua kế hoạch tài chính năm 2021 để trình lên đại hội đồng cổ đông thường niên. Ví dụ như MBB đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế tăng 25-30%. Mức tăng kỳ vọng tại OCB là 15%, SHB đặt lên tới 70%…

Hầu như các đơn vị phân tích chứng khoán trong nước cũng đánh giá khả quan đối với nhóm ngân hàng trong năm nay. Công ty Chứng khoán BSC nhận định, ngành ngân hàng hiện đang ở vị thế tốt trong việc chống đỡ rủi ro và có thể tận dụng sự phục hồi nền kinh tế trong năm 2021 để làm bàn đạp tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận.

Hay Công ty Chứng khoán SSI dự báo, ước tính lợi nhuận trước thuế của nhóm 10 ngân hàng đang theo dõi trong năm nay sẽ tăng trưởng đến 24% so với cùng kỳ, nhờ tăng trưởng tín dụng 15% và chi phí tín dụng giảm (22 điểm cơ bản).

Với các diễn biến trên, giá cổ phiếu ngân hàng được kỳ vọng sẽ tiếp tục tạo sóng. Đăc biệt, các nhà đầu tư còn cho rằng, chi cổ tức bằng cổ phiếu sẽ khiến thị giá giảm, tạo tâm lý tích cực trong ngắn hạn cho người có nhu cầu giải ngân. Cung tăng sẽ giúp cho thị giá tăng, tổng tài sản theo đó cũng tăng.

Tóm lại, trong giai đoạn khó khăn như hiện nay, các cổ đông vẫn thích nhận cổ tức bằng tiền mặt hơn. Nhưng giá cổ phiếu ngân hàng tăng tích cực, khoản đầu tư vào cổ phiếu ngân hàng thời gian qua sinh lời khá tốt, nên dường như họ cũng không phàn nàn gì về việc chi trả cổ tức bằng cổ phiếu.

Theo Đào Hưng (VnEconomy.vn)