Các nhà băng đã tiến hành thu giữ nhiều tài sản đảm bảo của khách vay, sau khi VAMC khai màn bằng việc 'siết' cao ốc Sài Gòn One Tower.
Trước đó, mở đầu cho "làn sóng" thu giữ tài sản để xử lý nợ theo Nghị quyết 42 phải kể đến động thái của VAMC thu giữ dự án cao ốc Sài Gòn M&C trên đường Tôn Đức Thắng, quận 1, TP HCM vào cuối tháng 8.
Dựa vào Nghị quyết 42, các ngân hàng đang đẩy mạnh thu giữ tài sản đảm bảo. Ảnh:Sơn Hòa. |
Ngân hàng Nhà nước cho biết trước khi thu giữ dự án cao ốc này, VAMC đã ký hợp đồng mua nợ với một số ngân hàng đối với khoản nợ của Công ty Sài Gòn One Tower, Công ty Liên Phát, Công ty Minh Quân, Công ty Superdeck M&C với tổng dư nợ (gốc và lãi) trên 7.000 tỷ đồng mà các công ty này đã vay từ nhiều nhà băng để đầu tư vào dự án.
Tương tự, Techcombank cũng đã thu giữ tài sản đảm bảo của 11 khách hàng là các tổ chức và cá nhân do vi phạm nghĩa vụ trả nợ theo hợp đồng tín dụng đã ký, thời gian thu giữ trong tháng 9. Tính chung kể từ cuối tháng 8 đến nay, Techcombank thông báo thu giữ 32 tài sản đảm bảo là bất động sản và xe của cá nhân và tổ chức.
Nhìn nhận diễn biến này, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, dự kiến trong thời gian tới việc xử lý tài sản đảm bảo để thu hồi các khoản nợ xấu sẽ nhanh chóng hơn nhờ việc cho phép ngân hàng được thu giữ tài sản đảm bảo mà không cần phải qua tòa án.
"Nhờ đó, nó sẽ tạo ra sự thuận lợi cho ngân hàng để họ có thể nhanh chóng thu hồi lại nợ và giải quyết vấn đề nợ xấu", ông nói.
Theo tinh thần của Nghị quyết 42, Thống đốc Lê Minh Hưng từng đưa ra nhận định, nếu Nghị quyết được triển khai tốt trong thực tiễn sẽ tạo cơ chế xử lý đồng bộ, hiệu quả, khả thi để xử lý nhanh, dứt điểm nợ xấu, qua đó góp phần khơi thông nguồn vốn phục vụ phát triển kinh tế đất nước.
Tuy nhiên, hiện mới chỉ qua một tháng triển khai nên Tiến sĩ Hiếu cho rằng còn quá sớm để đánh giá những tác động tích cực và tiêu cực. Nhưng theo ông, do mới áp dụng và trong tâm thế "vừa làm vừa dò xét" nên chắc chắn trong quá trình thực hiện sẽ vướng nhiều vấn đề như chủ nợ chống đối, bất hợp tác... Nhất là việc thu giữ tài sản là nhà ở duy nhất của cá nhân vay nợ.
"Liệu có thể thu giữ chỗ ở duy nhất của họ, đuổi họ ra đường? Hiến pháp đã quy định về quyền có chỗ ở của công dân, cũng như Hiến chương Liên hợp quốc đã quy định về quyền có chỗ ở của trẻ em. Do đó, những trường hợp trên dù ngân hàng có muốn cũng khó thu hồi tài sản", ông nói.
Tiến sĩ Hiếu phân tích thêm, nếu như bên Mỹ thì người dân có quyền kiện lại ngân hàng với lý do đây là nơi sinh sống duy nhất của họ. Khi tòa tuyên bố cho phép phá sản cá nhân (Việt Nam chưa cho điều này) thì lúc đó cá nhân yêu cầu tòa mở thủ tục phá sản cho họ. Khi đã cho phá sản, tòa có thể cho cá nhân đó giữ lại một nơi sinh sống, hoặc là một chiếc xe làm phương tiện sống...
"Vì mới bước đầu triển khai, các ngân hàng và cơ quan quản lý cần thực hiện chặt chẽ và phải có giải pháp xử lý dung hoà quyền lợi giữa ngân hàng với người bị thu giữ tài sản, tránh để xảy ra tình trạng đòi nợ theo kiểu xã hội đen", ông nhìn nhận.
Hiện nay, không chỉ tiến hành thu giữ, các ngân hàng cũng đang ráo riết đẩy mạnh việc đấu giá bán tài sản để thu hồi nợ. Ngày 14/9, Ngân hàng Quốc Dân (NCB) tiến hành bán đấu giá tài sản thế chấp là lô đất 2.100 m2 tại khu phố Hòa Lân 1, phường Thuận Giao, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương với giá khởi điểm hơn 11,6 tỷ đồng.
Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) dự kiến ngày 19/9 sẽ tổ chức bán đấu giá toàn bộ tài sản và quyền sử dụng đất của dự án V-Ikon với mức khởi điểm 319,5 tỷ đồng. Dự án này được xây dựng trên khu đất 1.106 m2, quy mô 4 tầng hầm và 26 tầng cao, tọa lạc trên đường Điện Biên Phủ, phường 15, quận Bình Thạnh, TP HCM do Công ty Việt Thuận Thành làm chủ đầu tư.
Hay như dự án cao ốc đình đám Sài Gòn M&C, lãnh đạo của VAMC cho biết, các công ty trên đã đồng ý cho bán đấu giá dự án để thu hồi nợ. VAMC đang thành lập hội đồng thẩm định để định giá, xác định giá khởi điểm nhằm tiến hành bán đấu giá công khai dự án này trong thời gian tới.
Theo Thanh Lê (VnExpress.net)