Mới nhất là trường hợp Ngân hàng Sacombank rao bán hàng loạt khu đất, dự án bất động sản với giá trị hàng chục nghìn tỷ đồng để thu hồi và xử lý nợ xấu.
Trong số những lô bất động sản được rao bán lần này có nhiều khu đất giá trị tại trung tâm TP.HCM như lô số 61-63A Nam Kỳ Khởi Nghĩa (quận 1) có diện tích 800 m2, giá khởi điểm lên tới 811 tỷ đồng. Tương đương hơn 1 tỷ đồng/m2. Hay lô đất 270 m2 tại quận 3 có giá khởi điểm 227 triệu đồng/m2; lô đất tại dự án 391-393-395-397 Trần Hưng Đạo, quận 1 có giá tương đương gần 265 triệu đồng/m2…
Đáng chú ý, Sacombank cũng mang 4 lô đất trị giá hàng nghìn tỷ đồng ra bán đấu giá lần này. Bao gồm Dự án Khu công nghiệp Phong Phú (huyện Bình Chánh, TP.HCM) có giá khởi điểm 7.600 tỷ; Dự án khu nhà ở tiểu khu 3 - khu dân cư Bình Trị Đông giá khởi điểm 6.698 tỷ; Dự án khu dân cư phường Bình Thủy (TP. Cần Thơ) giá 4.565 tỷ; Dự án khu nhà ở phường Long Bình, quận 9, TP.HCM giá chào bán 1.815 tỷ đồng.
Trước đó, cuối năm 2017, chính Sacombank cũng đã đấu giá 3 lô đất tại Khu công nghiệp Đức Hòa III, tỉnh Long An với tổng giá trị lên tới 9.200 tỷ đồng.
Trong khi đó, Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) gần đây cũng liên tục đưa ra các thông báo rao bán tài sản cũng như các khoản nợ đi kèm. Một trong số đó là số tài sản của Công ty cổ phần Thuận Thảo Nam Sài Gòn và 95 khách hàng cá nhân tại Ngân hàng BIDV chi nhánh Phú Tài. Thuận Thảo chính là công ty của bà Võ Thị Thanh, người được mệnh danh là "bông hồng vàng" Phú Yên.
Tổng số nợ gốc và lãi của các khoản vay này lên tới 2.378 tỷ đồng. Trong đó, phần lớn là các khoản vay của Công ty Thuận Thảo vay tại nhà băng này với tài sản đảm bảo là các bất động sản và cổ phiếu công ty.
Agribank và Agribank AMC trong tháng 9 này sẽ có hơn 10 đợt đấu giá tài sản với tổng giá trị chào bán khởi điểm hơn 470 tỷ đồng. Trong đó có nhiều tài sản giá trị như 3 quyền sử dụng đất ở phường Phú Hữu, quận 9, TP.HCM với giá khởi điểm 96 tỷ; quyền sử dụng đất tại số 132 phố Nguyễn Thái Học, Hà Nội cùng tòa nhà gắn liền với giá khởi điểm 69 tỷ đồng...
Một nhà băng khác cũng đẩy mạnh việc rao bán nợ để thu hồi gần đây là Vietinbank. Sau đợt chào bán khoản nợ 74 tỷ đồng của một công ty do Shark Vương từng làm chủ tịch, ngân hàng này tiếp tục rao bán nhiều khoản nợ cũng như tài sản gắn liền với nợ để thu hồi. Trong đó có khoản nợ 111 tỷ đồng của Công ty cổ phần Thương mại NEM với tài sản đảm bảo là toàn bộ hàng tồn kho của công ty (hàng thời trang, quần áo, đầm bầu…) với giá trị gần 34 tỷ đồng.
Trong khi đó, Vietinbank Chi nhánh Ba Đình cũng rao bán khoản nợ hơn 66 tỷ đồng của Công ty cổ phần Sông Đáy – Hồng Hà Dầu Khí. Chi nhánh Thủ Đức rao bán đấu giá khoản nợ hơn 21 tỷ của Địa ốc Gia Phú...
Theo ông Nguyễn Văn Du, Phó chánh thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính từ năm 2012 đến hết tháng 6 vừa qua, toàn hệ thống ngân hàng đã xử lý được hơn 785.000 tỷ đồng nợ xấu. Trong đó, tính riêng nợ xấu xử lý theo Nghị quyết 42 trong vòng 1 năm qua đã đạt trên 138.290 tỷ đồng, chưa bao gồm 61.040 tỷ dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu nội bảng.
Còn nếu tính trong nửa đầu năm 2018, ngành ngân hàng đã xử lý xong 58.000 tỷ đồng nợ xấu, trong đó chủ yếu là nợ tự xử lý.
Theo Quang Thắng (Tri Thức Trực Tuyến)