Dẫn ra ví dụ về rủi ro của ngân hàng khi cho vay thế chấp ôtô, các chuyên gia tài chính cho rằng nhà băng có thể đóng cửa mảng cho vay này nếu Nhà nước không sớm thay đổi quy định.
Ngân hàng xin hậu tạ 50 triệu cho ai tìm được xe thế chấp
Luật sư Trương Thanh Đức, Phó chủ nhiệm CLB pháp chế ngân hàng, cho biết theo đúng quy định người tham gia giao thông phải mang theo giấy tờ xe bản chính, nhưng chỉ đúng trong môi trường lý thuyết, hoặc nước ngoài. Tại Việt Nam, việc này rất nguy hiểm, và mang lại rất nhiều rủi ro cho các ngân hàng.
Chia sẻ câu chuyện gặp phải từ năm 2006, ông Đức từng giải quyết một vụ ngân hàng mất trắng chiếc xe. Dù thủ tục thế chấp hợp pháp, hợp lệ, ngân hàng vẫn giữ giấy tờ bản chính, người vay vẫn dùng xe để đi gán nợ đánh bạc.
Theo LS. Trương Thanh Đức, Việt Nam hiện nay có hơn 1,3 triệu ôtô thế chấp tại các ngân hàng. Ảnh: Lê Quân. |
"Khoảng năm 2011, Ngân hàng Phát triển nhà TP.HCM phải đăng báo có nhận thế chấp 2 chiếc xe với số khung, số máy cụ thể. Hiện nay, không biết 2 chiếc xe đó đi đâu, ai biết được thông tin báo cho, chúng tôi xin hậu tạ 50 triệu đồng", ông Đức chia sẻ.
Mới đây, một ngân hàng ở Quảng Bình cũng đã phản ánh nhận thế chấp hoàn toàn hợp pháp, hợp lệ và ngân hàng giữ bản chính giấy tờ xe trong tay nhưng người thế chấp lại mang xe đi cầm đồ bên ngoài. Ngân hàng đã báo công an hơn một tháng chưa có phản hồi. Nếu giải quyết ở toà án 1-2 năm chưa chắc đã xong. Ngay cả khi thu hồi được thì xe đã chạy nát, ngân hàng thu về chỉ là đống sắt vụn.
Luật sư này cho rằng việc cho vay tiêu dùng của các ngân hàng vốn không ít rủi ro. Nếu không thay đổi quy định cho phép nhà băng giữ giấy tờ xe bản chính chắc chắn họ sẽ đóng cửa tín dụng cho vay thế chấp bằng ôtô.
Hơn 1,3 triệu ôtô thế chấp tại ngân hàng
TS. Cấn Văn Lực cho biết một trong những nội dung quan trọng để phát triển nền tài chính tiêu dùng ở Việt Nam là phải cung cấp sản phẩm phù hợp, đơn giản hóa thủ tục vay, có hành lang pháp lý phù hợp và đặc biệt là cơ chế chia sẻ thông tin giữa các bên.
"Liên hệ với câu chuyện tranh cãi được dư luận chú ý thời gian qua là việc ai được quyền giữ giấy tờ gốc tài sản thế chấp, tôi cho rằng ngân hàng là chủ nợ thì cần được giữ hồ sơ gốc. Cảnh sát giao thông kiểm tra trên đường chỉ cần bản sao và công chứng", ông Lực đề xuất.
Theo các chuyên gia kinh tế, được giữ giấy tờ xe bản gốc thì các ngân hàng vẫn phải đối mặt với rủi ro rất lớn khi nhận thế chấp ôtô. Ảnh minh họa: Lê Quân. |
Cùng quan điểm, TS. Lê Xuân Nghĩa, nguyên Vụ trưởng Vụ Chiến lược NHNN cho rằng: "Cảnh sát giao thông chỉ có trách nhiệm giám sát người tham gia giao thông có đúng luật không, xe có đăng kiểm không. Quyền giám sát tài sản không thuộc trách nhiệm của cơ quan công an.
Nếu người thế chấp nhà để vay tiền, công an kiểm tra không xuất trình được sổ đỏ thì kết luận đó là nhà của người khác là không được".
Luật sư Trương Thanh Đức cho biết theo quy định từ năm 2012 trở về trước, ngân hàng vẫn được giữ giấy tờ xe bản gốc, nhưng từ năm 2012 đến nay thì ngân hàng không còn quyền này. Các ngân hàng không dám thực hiện vì lo mất trắng tài sản.
"Việt Nam hiện nay có tới 1,3 triệu xe ôtô đang thế chấp ở ngân hàng. Cả triệu người dân đứng ngồi không yên khi sử dụng tài sản của mình nhưng bị phạt do không có giấy tờ gốc. Nếu không có quyết định cuối cùng về vấn đề này, tín dụng chắc chắn bị ảnh hưởng, từ đó ảnh hưởng đến việc cung ứng vốn cho nền kinh tế. Không ngân hàng nào dám cho vay cầm cố tài sản mà không được giữ giấy tờ gốc", ông Đức khẳng định.
NHNN đã có văn bản kiến nghị gửi Bộ Tư pháp đề nghị hoàn thiện và trình Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định 163/2006 và Nghị định 11/2012, theo hướng quy định bên nhận thế chấp có quyền giữ bản chính giấy tờ xe trong trường hợp các bên có thỏa thuận. Đồng thời, Thống đốc NHNN cũng đề nghị Bộ Công an chấp nhận việc người dân sử dụng bản sao Giấy chứng nhận đăng ký xe có xác nhận của TCTD tham gia giao thông trong thời gian chờ Chính phủ ban hành Nghị định thay thế. |
Theo Quang Thắng (Tri Thức Trực Tuyến)