Các ngân hàng chủ nợ của Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai, có mã niêm yết trên sàn chứng khoán TPHCM là HAG tuần trước đã ngồi lại với nhau ở Hà Nội, đồng ý sẽ tái cơ cấu một số khoản nợ cho Công ty cổ phần Nông nghiệp quốc tế Hoàng Anh Gia Lai, có mã niêm yết HNG - là công ty con của Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai.
Khu phức hợp HAGL Myanmar Center tại Yangon, Myanmar. Ảnh: HỒNG PHÚC |
Việc chủ trì xử lý nợ của HAG được giao cho ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), cũng là chủ nợ lớn nhất của HAG. Song, hiện các ngân hàng chưa quyết định cụ thể các khoản nợ sẽ được tái cơ cấu thế nào.
Lãi suất với nhiều khoản vay trong các năm trước của HAG là trên 11%/năm. Nay dự kiến HAG sẽ được giãn tiến độ trả nợ (thay vì trả trong năm năm có thể lên tới bảy năm) và lãi suất có thể giảm xuống 6,5-7% (với các khoản nợ đầu tư vào nông nghiệp, lĩnh vực được nhà nước khuyến khích). Nếu vậy thì HAG sẽ giảm được ít nhất cũng gần cả ngàn tỉ đồng chi phí lãi vay một năm.
Vì sao HAG cần được tái cơ cấu nợ? Vì nếu đưa các khoản vay này vào mục nợ có vấn đề trên bảng cân đối của các ngân hàng thì HAG sẽ phải chịu lãi suất phạt, tất nhiên cao hơn lãi suất thường và HAG đã khó sẽ càng khó hơn. Thứ hai, nếu một khoản nợ của công ty ở một ngân hàng bị đưa vào danh mục nợ xấu thì theo quy định, nợ của HAG ở tất cả các ngân hàng đều bị coi là nợ xấu. HAG sẽ không được vay tiếp từ các ngân hàng.
“HAG cần những người quản lý chuyên nghiệp, được đào tạo bài bản và cập nhật các kỹ năng quản trị hiện đại, chứ không thể tiếp tục là nơi tập trung nhiều thành viên thân thiết và trong quản trị điều hành xen lẫn cảm tính như hiện nay”, lãnh đạo một ngân hàng nói. |
“Các công ty Việt Nam phải sử dụng đòn bẩy tài chính nhiều, sau một thời gian phát triển, thường trở thành mô hình công ty ông - bà - cháu hay tập đoàn vì hai lý do. Thứ nhất, các công ty con sinh ra để chạy dòng tiền, để dễ hoán đổi các khoản nợ và tài sản. Thứ hai, vấn đề đáng lo, là thường tài sản của các công ty đã được thế chấp tại ngân hàng để vay tiền lần thứ nhất, sau đó công ty được cổ phần hoá, cổ phiếu của công ty lại được mang đi thế chấp để vay tiền tiếp”, theo một chuyên gia ngân hàng.
Qua các sự việc gần đây như thương lượng gia hạn với chủ nợ trái phiếu, trì hoãn kế hoạch trả cổ tức năm 2014, giá cổ phiếu xuống quá sâu, một vài ngân hàng đã bán giải chấp cố phiếu... cho thấy việc tái cơ cấu nợ ngân hàng của HAG có vẻ như là “nước đến chân mới nhảy”.
Bất động sản: Điểm sáng còn lại
Trên thị trường, ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch Hội đồng quản trị HAG, được đánh giá là doanh nhân có nhiệt huyết, có ý chí. Tuy nhiên, khách quan mà nói ông Đức không gặp nhiều may mắn. Hồi ông “làm rừng” và trở nên nổi tiếng, tưởng chừng mọi việc thuận buồm xuôi gió. Có tiền, ông tiếp tục mở rộng sang trồng cao su, đầu tư bất động sản, khoáng sản, rồi tới nông nghiệp... Nhưng kinh doanh không phải con đường rải hoa hồng. Ông Đức động đến cao su thì cao su rớt giá, trong khi các doanh nghiệp đã làm cao su trước đó đều “ổn”. Ông làm khoáng sản thì không có đầu ra. Ông chuyển sang nông nghiệp thì cũng chưa có kết quả rõ rệt.
Điểm sáng duy nhất hiện nay của HAG là mảng đầu tư bất động sản với dự án khu phức hợp văn phòng, mua sắm, khách sạn và căn hộ cao cấp HAGL Myanmar Center có tổng mức đầu tư 440 triệu đô la Mỹ tại Yangon, Myanmar. Hiện dự án này đã cơ bản xong giai đoạn 1, gồm một trung tâm thương mại và hai khối văn phòng cho thuê cao 27 tầng với diện tích sàn xây dựng 192.000 mét vuông. Trả lời TBKTSG ngày 19-3-2016, ông Đức cho biết giá cho thuê bình quân của khu văn phòng và trung tâm mua sắm là 50 đô la Mỹ/mét vuông. Tính đến cuối tháng 2 vừa qua, tỷ lệ lấp đầy của trung tâm thương mại đạt gần 90%, số còn lại đang trong quá trình thỏa thuận cho thuê với khách hàng. Đối với khu nhà văn phòng, hiện 60% diện tích đã được ký hợp đồng và giữ chỗ. Khách sạn tiêu chuẩn 5 sao Melia với tổng số 429 phòng cũng đang trong giai đoạn hoàn thiện những khâu cuối cùng, dự kiến đưa vào hoạt động vào cuối tháng 6 tới. “Hiện nay dự án đã có tiền về”, ông Đức tỏ ra khá lạc quan về dự án này.
Giai đoạn 2 của dự án tại Yangon gồm năm khối 28 tầng, 1.134 căn hộ và khu văn phòng cho thuê, có tổng vốn đầu tư 230 triệu đô la Mỹ. BIDV đã thỏa thuận nguyên tắc làm đầu mối thu xếp 35% giá trị tổng vốn đầu tư, theo thỏa thuận vừa được HAGL và BIDV ký tại Yangon cuối tuần qua.
Tuy nhiên, HAG từng có ý định bán đứt 50% khu phức hợp này, tức bán phần đã hoàn thành và đi vào hoạt động. Theo nguồn tin riêng của chúng tôi, HAG đang thương thảo để bán cho một nhà phát triển bất động sản lớn. Tuy nhiên, kế hoạch này chưa được HAG xác nhận.
Cần thay đổi cung cách quản trị
Các chủ nợ, chuyên gia kinh tế, nhà đầu tư cho rằng HAG cần ngay lập tức tái cấu trúc để tập trung vào mảng kinh doanh cốt lõi và hiệu quả nhất. Đồng thời, cách thức, tổ chức quản trị công ty cần thay đổi.
“HAG cần những người quản lý chuyên nghiệp, được đào tạo bài bản và cập nhật các kỹ năng quản trị hiện đại, chứ không thể tiếp tục là nơi tập trung nhiều thành viên thân thiết và trong quản trị điều hành xen lẫn cảm tính như hiện nay”, lãnh đạo một ngân hàng nói.
“Báo cáo kết quả kinh doanh quí 4-2015 của HAG rất sơ sài và thiếu nhiều thông tin. Điều này làm giảm uy tín của doanh nghiệp. HAG cần những người quản lý chuyên nghiệp, đặc biệt có tầm nhìn về quản lý tài chính, có kỹ năng xử lý truyền thông”, một lãnh đạo ngân hàng khác chia sẻ.
“Cổ phiếu công ty rớt giá còn một phần tư mà chủ tịch hội đồng quản trị không đứng ra phát ngôn giải thích, trấn an nhà đầu tư, trong khi chỉ cần một cầu thủ của đội bóng bị đuổi thì ông ngay lập tức phát biểu trên báo chí”, một nhà đầu tư bức xúc.
Theo ông, điều đó khiến các nhà đầu tư chuyên nghiệp, các tổ chức lớn, các quỹ đầu tư chất lượng rời bỏ cổ phiếu của công ty từ vài năm trước. Cái cầu nối giữa hội đồng quản trị của công ty và các cổ đông chưa được chú trọng!