KYC (Know Your Customer) là thuật ngữ chỉ quy trình xác định và xác minh danh tính của khách hàng, yêu cầu bắt buộc với các nhà băng khi có đề nghị mở tài khoản. Nói cách khác, các ngân hàng phải đảm bảo rằng họ biết và gặp trực tiếp khách hàng đăng ký.
Tuy nhiên, khi công nghệ ngày càng phát triển, thuật ngữ eKYC bắt đầu được nhắc đến nhiều hơn. Định danh điện tử (eKYC) được xem là hình thức nâng cấp cao hơn so với KYC, khi việc định danh khách hàng được thực hiện bằng phương thức điện tử không cần gặp mặt trực tiếp, nhờ sự hỗ trợ của các công nghệ tiên tiến.
Từ đầu tháng 7, một số ngân hàng thương mại cổ phần đã thí điểm áp dụng eKYC trong hoạt động, với yêu cầu phải đảm bảo rủi ro. Bước đi được xem là giai đoạn chuẩn bị trước khi cơ quan quản lý ra thông tư hướng dẫn thực hiện eKYC với toàn bộ hệ thống ngân hàng.
Tại TPBank, tháng đầu triển khai eKYC đã thu hút hơn 30.000 khách hàng đăng ký mở tài khoản mới thông qua phương thức này, tương đương 85% lượng khách hàng đăng ký mở tại quầy giao dịch hoặc tại LiveBank theo cách truyền thống.
Tại HDBank, quy mô khách hàng đăng ký mới trên ứng dụng cũng đạt 35.000 lượt, với 15.000 tài khoản đã thực hiện xác thực thông tin trực tuyến. VPBank cũng ghi nhận xấp xỉ 15.000 tài khoản đăng ký mới thông qua eKYC, bằng 50% so với dự tính của cả năm 2020.
Ông Ngô Diên Hy, Tổng giám đốc Công ty Công nghệ thông tin VNPT (VNPT-IT) đánh giá, mặc dù eKYC đơn giản hóa nhiều thủ tục và các bước để mở tài khoản, nhưng phương thức này an toàn hơn KYC trong quá khứ.
Hai lý do được chuyên gia này nhắc đến là vấn đề đồng bộ hóa trong hệ thống và những "dấu vết" được lưu lại trong quá trình thực hiện. Với eKYC, các nhà băng có thể xây dựng kho dữ liệu thông tin khách hàng đồng nhất, thay vì việc lưu trữ vật lý riêng từng chi nhánh khi xác thực tại quầy như trước. Do đó, việc kiểm tra chéo xem khách hàng này thực sự đã đăng ký tài khoản hay chưa là điều không khó thực hiện. Ngoài ra, những bước trong eKYC như công nghệ gọi điện trực tuyến (video call) sẽ lưu trữ lại bằng chứng trực tiếp của khách hàng mở tài khoản, khiến ý định lừa đảo giảm bớt.
Ông Nguyễn Hưng, CEO TPBank cũng chia sẻ, khoảng 60% số đăng ký trong tháng đầu tại ngân hàng làm eKYC là nhu cầu mở tài khoản thực, còn 40% là những người muốn "thử thách" công nghệ. Nói "thử thách" là bởi, với hình thức định danh mới, các bước xác nhận đã được đơn giản hóa. Nhiều khách hàng vì thế muốn thử xem liệu hình thức này có thực sự an toàn hay không.
Gần nhất, nhà băng này phát hiện một trường hợp, cùng một khách hàng nhưng làm 9 bộ hồ sơ đăng ký tài khoản, sử dụng 9 chứng minh thư khác nhau. Với eKYC, hệ thống TPBank đã "quét" và tự động loại bỏ trường hợp này khỏi hệ thống, dù rằng hình ảnh của khách hàng này trên 9 chứng minh thư là ở các góc chụp khác nhau và kiểu tóc cũng được thay đổi. "Rất khó để các ngân hàng phát hiện những bất thường như vậy trong quá khứ", ông Hưng đánh giá.
Với quy trình truyền thống, nhân viên tại phòng giao dịch sẽ đối chiếu chứng minh thư của khách hàng bằng mắt thường, sau đó chụp, lưu lại bản photo vào hồ sơ tại chi nhánh. Vì không có dữ liệu chung cho cả hệ thống, khách hàng này hoàn toàn có thể xuất hiện tại một chi nhánh khác và làm những bước tương tự.
Việc hoàn thiện toàn bộ quy trình eKYC trên di động, với riêng TPBank, cũng tận dụng hiệu quả từ 4 năm trước khi ngân hàng này ứng dụng bước đầu eKYC trên hệ thống ngân hàng tự động LiveBank. "Chúng tôi không mất nhiều thời gian ứng dụng lên nền tảng di động, đồng thời cũng lường trước và hạn chế được phần nào các rủi ro phát sinh từ kinh nghiệm trong quá khứ", CEO TPBank cho biết.
Theo các chuyên gia, một trong những lợi thế lớn nhất của eKYC là việc phổ cập tài khoản ngân hàng đến những vùng sâu, vùng xa, khi các nhà băng chưa có điều kiện mở rộng hệ thống chi nhánh. Ví dụ, nhiều dự án quốc tế muốn tài trợ tiền cho các vùng miền núi, sâu, dù chỉ vài chục USD mỗi người nhưng họ yêu cầu phải giải ngân qua tài khoản ngân hàng.
"Những trường hợp như vậy, nếu ngân hàng đến tận nơi thì không khả thi. Nhưng với hình thức định danh trực tuyến như hiện nay, điều này đã có thể thực hiện. Dù câu chuyện eKYC vẫn còn cả con đường dài với hệ thống ngân hàng, nhưng triển vọng là tích cực", CEO TPBank đánh giá.
Theo Minh Sơn (VnExpress.net)