Vay tiêu dùng tại công ty tài chính khác gì vay ngân hàng?
Ba ngày cuối tháng 5, Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) và Ngân hàng Quân Đội (MB) cùng được chấp thuận phương án tăng vốn điều lệ. VPBank được Ngân hàng Nhà nước đồng ý tăng vốn từ 15.706 tỷ lên 25.300 tỷ đồng, còn MB, nhà băng này cũng được đồng ý tăng vốn từ 18.155 tỷ lên hơn 21.600 tỷ đồng.
Điểm chung dễ thấy nhất với kế hoạch tăng vốn của hai ngân hàng này đều là chia cổ tức bằng cổ phiếu và phát hành cổ phiếu thưởng, lấy nguồn từ lợi nhuận tích lũy và các quỹ.
Kế hoạch tăng vốn ồ ạt của các ngân hàng, vốn là tâm điểm của mùa đại hội năm nay, bên cạnh kết quả kinh doanh khởi sắc trong năm 2017. Áp lực gia tăng vốn điều lệ - được coi như "đệm dự phòng rủi ro" càng trở nên cấp thiết hơn khi thời gian áp dụng tiêu chuẩn Basel II đến gần.
Techcombank, ngay sau khi lên sàn chứng khoán, dự kiến tổ chức phiên họp bất thường để thông qua kế hoạch tăng vốn lên 35.000 tỷ đồng, so với mức 11.655 tỷ hiện tại. Tương tự hai ngân hàng trên, nguồn tăng vốn của Techcombank cũng đến từ lợi nhuận tích lũy và thặng dư vốn.
Đầu năm, SHB cũng thông báo cho biết đã phát hành thành công gần 84 triệu cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu. Việc phát hành giúp ngân hàng này tăng thêm vốn điều lệ gần 900 tỉ đồng từ mức 11.197 tỷ lên 12.036 tỷ đồng. Kế hoạch đến cuối năm nay của SHB sẽ tăng vốn lên hơn 13.240 tỷ đồng.
Ngân hàng Quốc tế (VIB) cũng được thông qua kế hoạch cổ tức 5% bằng tiền mặt và 31% bằng cổ phiếu thưởng cho cổ đông. Trong khi LienVietPostBank cũng dự kiến tăng tỷ lệ trả cổ tức từ 12% lên 15%.
Cùng là vấn đề tăng vốn, nhưng rõ ràng đã có sự dịch chuyển trong đường đi của các ngân hàng. Nếu như một thập kỷ trước là dòng vốn ồ ạt đến từ các cổ đông chiến lược trong nước và nước ngoài, thì nay nguồn lực tăng vốn lại chủ yếu đến từ nội tại của chính các ngân hàng.
Không khó để lý giải điều này, nếu nhìn vào sự vận động của ngành trong những năm gần đây. Thông thường, có ba cách để các ngân hàng có thể tăng vốn điều lệ, gồm việc tìm đến cổ đông hiện hữu, gõ cửa nhà đầu tư chiến lược hoặc sử dụng nguồn lợi nhuận tích lũy. Tuy nhiên, nhiều năm gần đây, việc thực hiện hai cách đầu tiên vốn không hề dễ dàng.
Nguyên nhân vì ngành ngân hàng trước đó ở trong giai đoạn không ổn định, cổ tức thấp, hoạt động kinh doanh khó khăn, cùng ảnh hưởng từ khoản nợ xấu cao. Thị giá cổ phiếu ngân hàng, vì vậy, nếu cao chỉ loanh quanh ngưỡng hai-ba chấm, còn thấp thì dưới mệnh giá khiến nhiều nhà đầu tư e dè với các phương án tăng vốn.
Trong khi đó, việc tìm đến các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài lại đang bị tắc khi các cổ đông ngoại không mặn mà với các nhà băng Việt, đặc biệt là khi vấn đề giới hạn room ngoại và đàm phán giá bán chưa được giải quyết triệt để. Vietcombank là ví dụ điển hình khi phương án phát hành 7,7% vốn cho quỹ đầu tư GIC của Chính phủ Singapore kéo dài từ năm 2016 đến nay chưa thể thực hiện.
Do đó, tăng vốn từ chính nguồn lợi nhuận để lại của các ngân hàng được xem là phương án khả dĩ nhất. Cách thức này cũng được những ông chủ nhà băng ủng hộ khi lợi nhuận ngân hàng làm ra được giữ lại để tăng vốn, đồng nghĩa với tiền mặt được giữ lại để tái đầu tư.
Theo Minh Sơn (VnExpress.net)