Ngâm tiền hoàn thuế doanh nghiệp là do không thiếu tiền mà do thiếu linh hoạt. Nhà nước phải trả lãi cho doanh nghiệp...
Ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn - Ảnh: L.Thanh |
Về chậm hoàn thuế, ông Tuấn nói:
- Năm nay, dự toán chi hoàn thuế là 98.000 tỉ đồng, trong hai tháng đầu năm 2016 chi hơn 13.300 tỉ đồng cho 3.100 hồ sơ, trong đó có 52% hồ sơ là hoàn trước kiểm sau, 48% là kiểm trước hoàn sau.
Và đến ngày 10-3, dự toán quỹ hoàn thuế cho cả nước trong quý 1-2016 còn 3.883 tỉ đồng, nên không có chuyện thiếu tiền hoàn thuế. Còn dự toán chi hoàn thuế trong quý 2 cho cả nước, đến chiều 11-3 chúng tôi đã duyệt với 24.500 tỉ đồng, trong đó riêng TP.HCM là 3.767 tỉ đồng.
* Không thiếu tiền hoàn thuế, nhưng vì sao nhiều doanh nghiệp đã có quyết định hoàn thuế rồi mà không nhận được tiền, thưa ông?
- Cụ thể là doanh nghiệp nào? Với Công ty Tân Nhất Hương mà báo Tuổi Trẻ phản ánh, ngày 4-2 vừa qua Cục Thuế TP.HCM đã ra quyết định hoàn thuế cho doanh nghiệp này rồi.
Theo chỉ đạo của Bộ Tài chính, khi đã ra quyết định hoàn thuế, cục thuế phải chi ngay để trả cho doanh nghiệp. Tôi xin nhắc lại, những hồ sơ nào cục thuế đã có quyết định rồi mà chưa hoàn thuế cho doanh nghiệp, trách nhiệm thuộc về cục thuế địa phương.
* Không chỉ doanh nghiệp mà nhiều cục thuế cũng bức xúc vì khó ăn nói với doanh nghiệp do chậm hoàn thuế?
- Đúng là có thời điểm có việc chậm hoàn thuế. Nhưng lỗi ở đây là do điều phối chưa linh hoạt của Tổng cục Thuế dẫn đến nơi thừa nơi thiếu. Như hiện nay, tiền chi hoàn thuế trong quý 1 cho Cục Thuế TP.HCM chỉ còn có 92 tỉ đồng, trong khi đó Hà Tĩnh còn 1.093 tỉ đồng, Lào Cai còn 275 tỉ đồng, Hải Phòng còn 405 tỉ đồng...
Từ nay đến hết tháng 3 còn 20 ngày nữa, với TP.HCM mà chỉ còn 92 tỉ đồng là quá thấp vì dự báo TP.HCM sẽ cần đến 800-900 tỉ đồng hoàn thuế. Nếu Tổng cục Thuế không linh hoạt điều phối mà cứ theo dự toán giao thì TP.HCM sẽ tắc vì ông cục trưởng không dám ký quyết định hoàn thuế nữa.
Do đó, Tổng cục Thuế phải điều ngay tiền hoàn thuế từ các địa phương khác như của Hà Tĩnh, Hải Phòng... để bổ sung cho TP.HCM. Để doanh nghiệp không bức xúc, không kêu vì chậm hoàn thuế, cần phải tăng cường điều hòa tiền hoàn thuế cho các địa phương chứ không phải chờ đến cuối quý mới xử lý. Đây là nhiệm vụ của Tổng cục Thuế.
* Nhiều doanh nghiệp phản ảnh phải nộp hết tiền nợ thuế, dù tiền nợ thuế ít hơn tiền hoàn, gây khó khăn cho doanh nghiệp?
- Để chủ động giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp về hoàn thuế, Bộ Tài chính đang sửa những quy định không còn phù hợp. Cụ thể, chậm nhất ngày 15-3 Bộ Tài chính sẽ chỉ đạo cho phép doanh nghiệp được bù trừ tiền hoàn thuế nếu đang có nợ thuế.
Trường hợp tiền hoàn thuế nhiều hơn số thuế đang nợ thì doanh nghiệp sẽ được Nhà nước hoàn. Ngược lại, doanh nghiệp sẽ phải nộp thêm. Ngoài ra, sẽ tăng tỉ lệ hoàn thuế trước kiểm tra sau thay vì kiểm tra trước hoàn thuế sau.
Riêng với các đơn vị bị phạt lỗi vi phạm hành chính chỉ vài ba triệu đồng thì bị cơ quan thuế chuyển sang kiểm tra trước hoàn thuế sau nữa. Thực tế, doanh nghiệp bị sai một vài chứng từ đã bị kiểm tra trước hoàn sau.
Chẳng hạn, tại TP.HCM có trường hợp sai về hạch toán chế độ kế toán, dùng sổ sách lại chỉ có một ngôn ngữ thôi, không phải là sai sót gì nặng nhưng vẫn bị kiểm tra trước hoàn thuế sau. Với những trường hợp này, cơ quan thuế không nên kéo dài thời gian hoàn thuế mà chuyển sang hoàn thuế trước kiểm tra sau.
Đặc biệt, để điều hòa linh hoạt hơn quỹ hoàn thuế, chúng tôi sẽ sửa quy định không giao hạn mức cho từng địa phương mà là dự toán cho toàn Tổng cục Thuế, đảm bảo không có nơi thừa nơi thiếu.
Trong khi quỹ hoàn thuế của Cục Thuế Hà Tĩnh còn 1.093 tỉ đồng thì Cục Thuế TP.HCM trong quý 1 quỹ này chỉ còn 92 tỉ đồng - Ảnh: Văn Định |
* Có ý kiến đề xuất giải pháp Nhà nước phải trả lãi cho doanh nghiệp nếu chậm bị hoàn thuế. Quy định hiện nay liệu có áp dụng được, thưa ông?
- Quy định hiện hành nêu rõ là Nhà nước phải trả lãi cho doanh nghiệp nếu đó là lỗi của cơ quan nhà nước. Nhà nước chậm hoàn thuế cũng phải trả lãi cho doanh nghiệp. Riêng với hồ sơ mà kiểm tra trước hoàn thuế sau thì trong thời gian xác minh, điều tra không được tính là chậm hoàn thuế do cơ quan nhà nước được.
* Có cơ quan thuế phản ảnh là 100% hồ sơ phải chuyển về Tổng cục Thuế giám sát, liệu những giải pháp như tăng cường hoàn trước kiểm sau có xóa được tình trạng ngâm tiền hoàn thuế của doanh nghiệp?
- Cục thuế không phải gửi hồ sơ về cho Tổng cục Thuế để theo dõi công tác hoàn thuế, mà chỉ phải cập nhật hồ sơ trên hệ thống để Tổng cục Thuế giám sát qua hệ thống. Xử lý hoàn thuế mà thiếu hồ sơ thì Tổng cục Thuế sẽ yêu cầu dừng ngay.
* Theo ông, quyết định hoàn thuế có thể được coi là giấy tờ có giá để doanh nghiệp đem thế chấp ngân hàng vay tiền kinh doanh?
Có lý do ngân sách căng thẳng Trao đổi với PV về việc gần đây nhiều doanh nghiệp bức xúc trước tình trạng cơ quan thuế chậm hoàn thuế, ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - ngân sách Nguyễn Hữu Quang cho biết đây không phải là lần đầu tiên nghe chuyện này. Ông Quang khẳng định trong nhiều cuộc làm việc, Ủy ban Tài chính - ngân sách luôn đôn đốc Chính phủ, Bộ Tài chính chỉ đạo cơ quan thuế thực hiện nghĩa vụ hoàn thuế cho doanh nghiệp sớm, đúng quy định pháp luật. Tuy nhiên, việc hoàn thuế chậm vẫn thường xảy ra do hai nguyên nhân chính: một là do vướng mắc bởi các thủ tục hành chính; hai là do cân đối ngân sách căng thẳng, khoản thu thì đã chi vào việc khác rồi nên chưa có nguồn hoàn lại cho doanh nghiệp. Đòi hỏi của doanh nghiệp khi chậm hoàn thuế do lỗi của cơ quan thuế thì Nhà nước phải bồi thường (trả lãi suất cho những khoản chậm hoàn thuế), thậm chí doanh nghiệp có thể khởi kiện ra tòa. Lê Kiên |
* Ông Đinh Nho Hậu (cục trưởng Cục Thuế Hà Tĩnh): Nên bỏ khâu giám sát hoàn thuế Số tiền hoàn thuế mà doanh nghiệp trên địa bàn Hà Tĩnh đề nghị hoàn là rất lớn, chỉ riêng Formosa Hà Tĩnh thôi, bình quân hằng tháng Nhà nước phải hoàn thuế cho dự án này là 500 - 700 tỉ đồng rồi. Nên chính sách mà cho bù trừ tiền nợ thuế và tiền hoàn thuế, đồng thời điều hòa linh hoạt quỹ hoàn thuế bằng việc không giao hạn mức cho từng địa phương mà dự toán cho toàn Tổng cục Thuế sẽ góp phần lớn tháo gỡ khó khăn cho cả cơ quan thuế và doanh nghiệp trong hoàn thuế. Tuy nhiên, có một điểm nữa mà phía cơ quan thuế địa phương băn khoăn là không nên phân loại hồ sơ hoàn thuế theo diện ưu tiên như hiện nay. Bởi hồ sơ hoàn thuế đảm bảo đầy đủ thủ tục, đúng quy định thì phải được ra quyết định và hoàn thuế ngay cho doanh nghiệp chứ không thể nói là anh không thuộc đối tượng ưu tiên là xuất khẩu, dự án đầu tư lớn. Theo tôi, hồ sơ cứ đảm bảo đúng quy định thì phải ra quyết định hoàn thuế và phải chi tiền. Thêm việc nữa là hiện nay Tổng cục Thuế phản hồi việc giám sát hồ sơ hoàn thuế là khá chậm, thông thường mất mấy ngày. Nên chăng bỏ khâu giám sát này vì cục thuế là người ra quyết định hoàn thuế và chịu trách nhiệm hoàn toàn về việc có hoàn đúng đối tượng và hoàn đủ tiền thuế cho doanh nghiệp? * Ông Nguyễn Đình Ân (phó cục trưởng Cục Thuế Đà Nẵng): Có 5-6 hồ sơ chờ tiền hoàn từ trung ương Hiện nay cơ quan thuế Đà Nẵng đã có 5-6 hồ sơ hoàn thuế đang chờ tiền từ phía trung ương. Mỗi hồ sơ đề nghị được hoàn vài trăm triệu đến vài tỉ đồng. Doanh nghiệp bị ngâm tiền hoàn thuế là do phải chờ quyết định của Tổng cục Thuế thì kho bạc mới chi. Vì dự toán chi hoàn thuế được giao có giới hạn nên thông thường Tổng cục Thuế sẽ hoàn thuế theo thứ tự ưu tiên hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất khẩu, dự án đầu tư lớn. Lê Thanh ghi |
Theo Lê Thanh (Tuổi Trẻ)