Ngấm đòn Covid, cửa hàng di động méo mặt vì 'chưa bao giờ doanh số sụt đến thế'

21/06/2021 11:40:49

"Riêng ngày 20/6, doanh số toàn hệ thống sụt 70%, chưa bao giờ sụt kinh khủng như vậy. Với nhân viên, chúng tôi đang cố gắng xoay cả để duy trì công việc cho tất cả mọi người, đồng thời vận động chủ nhà giảm tiền thuê mặt bằng để tối ưu chi phí", đại diện một hệ thống bán lẻ chia sẻ.

Cửa hàng đóng, doanh số sụt 70%

Giai đoạn tháng 5-6 hàng năm được xem là mùa thấp điểm của thị trường di động khi các model mới hạn chế ra mắt, doanh số đi xuống. Năm nay, mùa thấp điểm đến trùng với thời điểm nhiều địa phương trên cả nước thực hiện giãn cách trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát khiến các cửa hàng thực sự điêu đứng.

Trong suốt một tháng qua, hầu hết cửa hàng di động đều ghi nhận doanh số giảm khoảng 40-50% so với ngày thường, thậm chí có ngày lên đến 70%.

Nếu như ở giai đoạn đầu dịch Covid-19 bùng phát, các cửa hàng vẫn cố gắng duy trì việc kinh doanh, chỉ giới hạn số lượng khách thì khi TP.HCM bùng dịch, mức độ ảnh hưởng càng lớn hơn nữa bởi đa số các đại lý di động đều có một lượng lớn cửa hàng đặt tại đây. Đến nay, hầu hết cửa hàng này đều đóng cửa, chỉ bán online.

Ngấm đòn Covid, cửa hàng di động méo mặt vì 'chưa bao giờ doanh số sụt đến thế'
Các cửa hàng kinh doanh di động phải đóng cửa hoặc chuyển sang bán online trong nhiều tuần qua.

Đại diện hệ thống CellphoneS cho biết, 32 cửa hàng bán lẻ CellphoneS, 14 cửa hàng sửa chữa điện thoại Điện Thoại Vui phần lớn đã đóng cửa theo chỉ thị 10 tại TP.HCM. Các shop chỉ nhận giao hàng online.

Thời điểm trước đó, Thế Giới Di Động cho biết đơn vị có 631 shop bị tác động bởi Covid trong khi FPT Shop cũng có 60 cửa hàng chuyển sang bán online. Sau khi ban hành chỉ thị 10 tại TP.HCM, con số này chắc chắn tăng lên.

Cửa hàng đóng, người dân hạn chế đi lại, thắt chặt chi tiêu tạo ra hệ quả lớn đối với các chuỗi kinh doanh điện thoại. "Tính riêng ngày 20/6, doanh số sụt giảm 70%. Từ khi tham gia ngành này, chưa bao giờ tôi chứng kiến doanh số sụt kinh khủng như vậy", ông Nguyễn Lạc Huy – đại diện CellphoneS cho biết.

Ông này cho hay từ giai đoạn giãn các, hệ thống đã cố gắng tung các biện pháp kích cầu như giảm giá sản phẩm, đẩy mạnh bán hàng online.

Thực tế là doanh số online tại các cửa hàng đã tăng 20-30% nhưng con số này không bù được số giảm do kinh doanh offline bởi từ trước đến nay kinh doanh offline vẫn là chủ lực. Đây cũng là tình trạng chung của nhiều cửa hàng, hệ thống kinh doanh di động trong những ngày này.

Tìm cách tối ưu chi phí

Thực tế, các hoạt động tối ưu chi phí đã được các cửa hàng tính đến từ cách đây hơn một năm, khi đại dịch bắt đầu bùng phát. Tuy nhiên, trải qua đợt dịch thứ 4, khi khó khăn bủa vây ngày một lớn, họ buộc phải tiếp tục "tối ưu trong tối ưu".

"Các phần có thể cắt giảm, hầu hết chúng tôi đã cắt giảm từ trước. Hiện chỉ có thể tối ưu vận hành từ nhân công và chi phí thuê mặt bằng", ông Lạc Huy cho biết.

"Với nhân viên, chúng tôi vẫn cố gắng xoay ca để duy trì công việc cho tất cả mọi người chứ chưa tính đến việc cắt giảm nhân sự. Tuy nhiên, các hoạt động tuyển mới thì sẽ tạm dừng lại. Trong khi đó, chúng tôi cũng đang thuyết phục các đối tác cho thuê mặt bằng, mong nhận được sự hỗ trợ, chia sẻ từ các đối tác".

Tuy nhiên, có một thực tế là khá nhiều các cửa hàng gặp khó trong vấn đề này khi các chủ nhà không giảm, hoặc giảm ở mức khá thấp tiền mặt bằng. "Có nơi thông cảm giảm tiền thuê mặt bằng nhưng cũng nhiều chỗ quyết không giảm, hoặc giảm rất ít - mức khoảng 10%, cao thì được 30%", ông Huy nói.

Theo chia sẻ từ giới kinh doanh di động, chi phí mặt bằng thường chiếm đến 25-35% chi phí phát sinh hàng tháng, là một trong những chi phí lớn nhất các hệ thống kinh doanh phải trang trải. Trong khoảng một năm qua, việc trả mặt bằng ở phố lớn để tìm đến các địa điểm nhỏ, tốn ít chi phí hơn hoặc trả hẳn, chuyển nghề trong giới kinh doanh điện thoại không phải hiếm.

Tuy nhiên, vẫn có tín hiệu vui trong giai đoạn khó khăn là doanh số di động tại Việt Nam trong năm 2020 có xu hướng tăng, cả về số lượng lẫn giá trị trung bình trên mỗi model.

Dự kiến, con số này có thể sẽ tiếp tục tăng trong năm 2021 này khi báo cáo mới đây của hãng nghiên cứu thị trường Canalys, doanh số smartphone toàn cầu có thể tăng đến 12%.

Thị trường Việt Nam chắc chắn không đứng ngoài quy luật này bởi tiềm năng thị trường vẫn còn. Thống kê trong năm 2020 cho thấy chỉ có khoảng 45% người dùng Việt Nam sở hữu smartphone.

Do đó, các cửa hàng có thể kỳ vọng vào giai đoạn cuối quý III và quý IV, khi thị trường bùng nổ các model mới, dịch Covid-19 lắng xuống, người dùng sẽ xuống tay "mua sắm bù" cho giai đoạn xuống dốc hiện tại.

Theo Thành Duy (Nhịp Sống Việt)