Đối mặt với các lệnh trừng phạt của phương Tây và giá dầu thấp, các công ty Nga đang trông chờ vào các khoản cứu trợ của chính phủ. Nhưng nhu cầu cứu trợ nhanh chóng vượt xa nguồn cung tiền, làm gia tăng nguy cơ của một cuộc khủng hoảng kinh tế nếu nguồn quỹ cạn kiệt, tờ New York Times cho hay.
Một hệ thống phân phối khí đốt của doanh nghiệp nhà nước Nga - Ảnh: Reuters. |
Danh sách còn tiếp tục: từ ngành đường sắt vốn có vai trò độc quyền ở Nga, cũng là ngành sử dụng nhiều lao động nhất; đến chủ sở hữu các sân bay ở Moscow; một công ty đầu tư mạo hiểm chuyên đầu tư vào công nghệ nano; và một công ty xuất khẩu nhà máy điện hạt nhân của Nga.
Cho đến nay, các công ty đã đề nghị được hỗ trợ ít nhất 37 tỷ USD, và con số sẽ còn tăng cao hơn nữa.
"Một số lượng khá lớn công ty không thể tiếp cận nguồn vốn nào khác", Vladimir I. Tikhomirov, Kinh tế trưởng tại BCS Financial Group, nói.
Nhưng các quỹ đầu tư nhà nước, quỹ An sinh quốc gia, có thể không có đủ tiền để trang trải các nhu cầu của các công ty. Theo số liệu vào đầu tháng 3, các quỹ này có dự trữ khoảng 75 tỷ USD.
Khoảng một phần tư số tiền này nằm trong các tài sản có tính thanh khoản thấp, vì vậy nó không thể được san sẻ cho các chương trình cứu trợ tài chính. Một phần số tiền cũng được phân bổ cho cơ sở hạ tầng. Tính chung, các tài sản có thanh khoản thấp, các công trình cơ sở hạ tầng và gói cứu trợ cần đến ít nhất 82 tỷ USD.
Các quỹ đầu tư nhà nước của Nga đang cố gắng tăng cường cho ngân hàng vay tiền để mua trái phiếu của các công ty cần trợ giúp. Các ngân hàng có vốn, các công ty có được nguồn tiền trong lúc cần kíp. Thường thì hai vụ cứu trợ như vậy tiêu tốn 1 tỷ Rúp.
Tuy nhiên chiến lược này có thể tạo ra nhiều vấn đề. Nếu giá dầu giảm và nền kinh tế suy yếu hơn nữa, số trái phiếu có thể không còn nhiều giá trị, tạo ra ràng buộc tài chính giữa ngân hàng và công ty.
Giống như nhiều quốc gia xuất khẩu dầu mỏ, Nga tạo dựng được nguồn tiền dự trữ lớn khi giá dầu cao. Nhưng chính phủ nước này hiện đang tiêu khoản dự trữ này một cách nhanh chóng, trong bối cảnh giá dầu hiện nay dao động quanh 60 USD một thùng. Các biện pháp trừng phạt của phương Tây về vấn đề Ukraine càng gây thêm khó khăn tài chính cho Nga.
Tuy nhiên, Nga còn xa mới được coi là hết tiền. Nước này vẫn có dự trữ khoảng 360 tỷ USD, mặc dù nó đã giảm mạnh so với mức hơn 490 tỷ USD vào năm ngoái.
Ngân hàng trung ương đang sử dụng nguồn dự trữ này để chống đỡ cho đồng rúp. Nhưng với các công ty, quá trình này trở nên phức tạp hơn.
Hai nguồn tài chính chính của Nga là Quỹ An sinh Quốc gia và Quỹ Dự trữ Quốc gia. Theo luật pháp Nga, Quỹ Dự trữ chỉ được sử dụng để bổ sung cho ngân sách liên bang.
Nguồn tiền trong Quỹ Dự trữ, hiện vào khoảng 77 tỷ USD, phần lớn sẽ được dành cho việc khác. Theo kế hoạch ngân sách có thể sẽ được nội các phê duyệt trong tuần này, chính phủ Nga dự định chi khoảng 52,4 tỷ USD, tức hai phần ba của Quỹ Dự trữ, trong năm nay, và phần còn lại trong năm 2016.
Trong khi đó, sử dụng Quỹ An sinh ngay từ đầu sẽ gây tranh cãi, bởi nó là một phần của hệ thống lương hưu của Nga.
Trong những tháng đầu năm nay, cuộc chiến giành tiền của quỹ này phản ánh cuộc vật lộn kinh tế của nước Nga thời hiện đại, giữa một bên là các tài phiệt và những doanh nghiệp có liên hệ với nhà nước của họ, kiên quyết chiếm lấy tài sản quốc gia, với một bên là những người hưu trí vốn đang phải sống chật vật.
Trong cuộc chiến giành tiền từ quỹ này, người ta nghĩ đến việc sử dụng đồng Rúp hai lần. Theo đó, ngân hàng sẽ mua trái phiếu của các doanh nghiệp, qua đó bơm tiền trực tiếp vào công ty. Đến lượt mình, các ngân hàng có thể thế chấp trái phiếu tại ngân hàng trung ương để vay vốn từ đó.
Nhưng kế hoạch này cũng có thể tạo ra sự hỗn loạn trên thị trường. Cuối năm ngoái, ngân hàng trung ương quyết định chấp nhận trái phiếu Rosneft do các ngân hàng thương mại nắm giữ làm tài sản thế chấp. Rosneft sau đó đã phát hành thêm 625 tỷ Rúp trái phiếu mới, và ngân hàng trung ương phải tiếp tục bơm vốn theo cách này.