Thị trường chứng khoán, trái phiếu, đồng rouble và lợi nhuận doanh nghiệp nước này đều cải thiện sau năm 2014 đầy biến động.
Nhưng đó là chuyện quá khứ. Bức tranh giờ đang thay đổi, khi nhà đầu tư bắt đầu tìm đến Nga trong năm 2015. Đồng rouble - tiền tệ mất giá mạnh nhất năm ngoái cũng đang ổn định khi biến động giá co lại nhiều nhất trong 31 tiền tệ phổ biến nhất thế giới.
Nhà đầu tư vào trái phiếu Chính phủ Nga niêm yết bằng đồng rouble năm nay đang hưởng lợi nhuận 7%, theo Bloomberg Russia Local Sovereign Bond Index. Trong khi đó, nếu nắm giữ trái phiếu các nước mới nổi khác, họ đã mất 1,1%.
Khách hàng Nga tại một siêu thị của Magnit. Ảnh: Bloomberg |
Giá trị đồng rouble đã giúp giải thích phần nào các tín hiệu hồi phục trên của Nga. Dù rouble vẫn là đồng tiền có biến động lớn nhất trong 31 tiền tệ phổ biến nhất thế giới năm nay, sự dao động này đã co hẹp lại. Sau năm 2014 đầy khó khăn, giờ đồng tiền này đã quay về mức biến động như năm 2009.
Tình hình kinh doanh cũng có vẻ đang cải thiện. Khoảng 78% công ty Nga trong chỉ số Micex cho thấy doanh thu và lợi nhuận trước thuế lớn hơn các công ty trên toàn cầu, dù cổ phiếu của họ vẫn xếp sau khá nhiều, theo số liệu của Bloomberg.
Một lý do cho việc này là các lệnh trừng phạt. Khi hàng hóa nước ngoài không sẵn, người Nga phải chuyển sang dùng sản phẩm trong nước.
Magnit PJSC - hãng điều hành chuỗi siêu thị giá rẻ với vốn hóa 16 tỷ USD là một cái tên đáng chú ý. Tăng trưởng doanh thu hãng này trong một năm gần đây là 31,7%, lấn át so với 0,87% các đối thủ toàn cầu.
Hãng khí đốt Novatek cũng vậy. Doanh thu của hãng tăng 19,5%. Trong khi các đối thủ cùng ngành trên toàn cầu chỉ tăng 0,76%. Đại gia dầu mỏ Rosneft cũng chứng kiến doanh thu tăng 18,26%, so với các đối thủ chỉ 0,76%.