Bắt đầu từ đầu tháng 7/2021, Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản – Vissan đã thực hiện chính sách ‘3 tại chỗ’. Cụ thể: Công ty đã tập trung toàn bộ nhân viên tại TP.HCM làm việc tại trụ sở nằm trên đường Nơ Trang Long, Quận Bình Thạnh. Tổng số công nhân viên thực hiện nhiệm vụ tại đây là 1.500 người.
Sau đó, họ còn bố trí chia thành 2 nhóm sản xuất: Một nhóm sản xuất bên trong và một nhóm vận chuyển hay chạy công việc bên ngoài. Hai nhóm này thực hiện nhiệm vụ độc lập, không tiếp xúc với nhau nhằm đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh.
Đặc thù hoạt động của Công ty là vừa sản xuất, vừa là nhà phân phối cho hệ thống kênh siêu thị, kênh truyền thống với gần 600 điểm bán và cũng là đơn vị giới thiệu và bán lẻ với hơn 40 cửa hàng tiện lợi của Vissan trên địa bàn TP. HCM nên lực lượng nhân viên bán hàng, mậu dịch bên ngoài Vissan phục vụ cho các kênh bán hàng trên là khá lớn.
Dù cẩn thận là thế, nhưng cách đây vài ngày, Vissan đã phát hiện ra các ca dương tính với Covid-19 trong nhân viên của mình. Cho đến thời điểm hiện tại, sau khi làm xét nghiệm toàn diện, doanh nghiệp này đã phát hiện ra 43 ca dương tính, cùng với 371 trường hợp F1 và 351 F2. Theo đó, công tác sản xuất – phân phối của Vissan gần như tê liệt hoàn toàn.
Vissan đề xuất 2 phương án giải quyết với các cơ quan chức năng nhằm tháo gỡ tình thế khó khăn của mình.
Phương án 1: công ty đã đưa toàn bộ các trường hợp F0 cách ly tập trung theo quy định. Các nhân sự còn lại được thực hiện xét nghiệm sàng lọc, khi có kết quả âm tính, Công ty sẽ bố trí các nhân sự này vào các khu riêng biệt theo từng dây chuyền hoặc phân xưởng để tiếp tục sản xuất.
Các đối tượng này sẽ được xét nghiệm định kỳ 3 ngày/lần, để tiếp tục bóc tách, phân lập những nhân sự có kết quả âm tính tập trung lại với nhau thành các khu riêng biệt, độc lập để đảm bảo an toàn cho những người lao động. Với phương án này, thuận lợi là doanh nghiệp sẽ tiếp tục duy trì sản xuất, có thể giảm sản lượng do thiếu hụt nhân sự bị F0 hoặc cách ly.
Tuy nhiên, khó khăn khi thực hiện phương án này là cần có sự thống nhất của toàn bộ người lao động cùng ở lại Công ty tiếp tục thực hiện phương châm "ba tại chỗ" và cần được sự hỗ trợ của Trung tâm Y tế quận Bình Thạnh trong việc tiến hành xét nghiệm sàng lọc.
Phương án 2: Thực hiện gửi các đối tượng F1 về địa phương sau khi xét nghiệm âm tính và tiến hành cách ly các đối tượng F2 (không được sản xuất) theo quy định.
Công ty đề nghị xin được dừng sản xuất kinh doanh cho đến khi các đối tượng F1, F2 hết thời gian cách ly, đủ điều kiện quay trở lại Công ty làm việc. Nếu thực hiện phương án này, Công ty có khả năng ngừng hoạt động trong thời gian từ 3-4 tuần.
Vậy nếu Vissan và các cơ quan chức năng đồng ý thực hiện phương án 2, tức họ sẽ dừng sản xuất trong gần 1 tháng, điều đó sẽ ảnh hưởng đến thị trường và người tiêu dùng như thế nào?
Năm 2020, tổng doanh thu của Vissan đạt 5.167 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt gần 205 tỷ đồng; trong đó đóng góp từ mảng thịt lợn là lớn nhất – khi họ đã bán ra thị trường khoảng 17.475 tấn. Tính chung cả năm 2020, lượng thịt heo xuất chuồng của cả nước tăng 4,6% so với năm 2019 lên 3,5 triệu tấn. Như vậy, Vissan chiếm khoảng 5% thị trường heo của cả nước.
Trong 1 phát biểu ở ĐHCĐ năm 2020, ông Nguyễn Phúc Khoa – Chủ tịch Vissan cũng đã nêu rõ về vấn đề này, khi trả lời về việc có hay không sự cạnh tranh giữa thị mát MeatDeli và thịt nóng của Vissan: "Theo nghiên cứu thị trường của Masan, qui mô thị trường thịt mát tươi sống của Việt Nam vào khoảng 10 tỉ USD (khoảng 235.000 tỉ đồng). Tuy nhiên, dịch tả heo châu Phi cùng với giá thịt heo tăng cao khiến nhu cầu mua thịt theo giảm đã làm qui mô thị trường giảm còn khoảng 130.000 tỉ đồng.
Đối với Vissan, doanh thu riêng mảng thịt tươi sống năm 2019 là 2.500 tỉ đồng, còn của Masan là 2.000 tỉ đồng, tính chung cả 2 đơn vị là 4.500 tỉ đồng. Đây là con số rất nhỏ so với qui mô thị trường 130.000 tỉ đồng.
Mặc dù Vissan chiếm thị phần rất lớn trong mảng thịt tươi sống nhưng chủ yếu là kênh bán hàng hiện đại còn kênh truyền thống hiện nay của công ty gần như chiếm tỉ lệ rất nhỏ. Như vậy với việc khai thác được thịt mát ở kênh truyền thống như cách làm của Masan và của Vissan trong thời gian tới, thị trường hiện nay rất rộng mở nên không có lý do gì để Vissan và Masan cạnh tranh với nhau".
Theo đó, hiện thịt mát của MeatDeli chỉ chiếm vài phần trăm thị phần, thịt ‘nóng’ từ Vissan và các nhà phân phối nhỏ lẻ không thương hiệu, một phần từ C.P Group vẫn chiếm hơn 90% thị trường.
Tại thị trường TP. HCM, trong thời bình, theo chia sẻ từ Vissan họ chiếm khoảng 10% thị phần thông qua hệ thống phân phối hiện đại như cửa hàng tự phát triển và siêu thị. Trong đợt cao trào này, do hệ thống chợ truyền thống bị cấm hoạt động, khiến Vissan quyết định tăng gấp 2,5 lần công suất sản xuất so với trước đây, sản phẩm chế biến cũng tăng 20% so với trước, tương ứng số lượng 100 tấn mỗi ngày.
Trước khi phát hiện các ca nhiễm Covid-19 trong cán bộ công nhân viên, mỗi ngày, Vissan giết mổ khoảng 1.000 đến 1.500 con, chiếm 26,5% đến 28,5% lượng tiêu thụ tại TP.HCM. Trong vài ngày gần đây, họ đã giảm xuống còn 500 con đến 700 con/ngày; chỉ cung cấp heo mảnh, ngừng cung cấp mặt hàng chủng loại và hàng đóng khay.
Ngoài 600 điểm bán thịt tự phát triển, Vissan còn là nhà cung cấp thịt heo tươi sống cho hàng nghìn điểm bán thuộc về hệ thống siêu thị Coop Mart, SatraMart, Maximart, MegaMarket, BigC, LotteMart…
Còn theo ông Đinh Minh Hiệp - Giám đốc Sở NN&PTNT TP.HCM chia sẻ trên Tuổi Trẻ, việc Vissan có thể ngừng cung cấp thịt heo trong gần 1 tháng không đáng lo; Nhà nước sẽ điều tiết bằng cách tăng lượng giết mổ từ các cơ sở khác tại TP.HCM để bù đắp vào lượng thiếu hụt hoặc nhờ các tỉnh, thành tăng cường giết mổ heo đưa về TP.HCM. Bên cạnh đó, hiện lượng thịt heo đông lạnh hiện còn dồi dào tại nhiều đơn vị, có thể bù đắp vào nguồn cung.
Đồng thời, các hệ thống siêu thị lớn như Saigon Co.op, Satra, Big C, MM Mega Market, LOEET Mart, Aeon, Emart... đã tính toán tăng nguồn cung từ các nhà cung cấp khác như Anh Hoàng Thy, CP, Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn (Sagri food) và các nguồn liên kết khác.
"Thực tế, nhu cầu tiêu dùng thịt heo của TP.HCM từ trên dưới 10.000 con lúc bình thường hiện xuống còn 6.000-7.000 con/ngày. Do đó, với các phương án đưa ra được triển khai thuận lợi, việc thiếu hụt thịt heo từ nhà máy Vissan không đáng lo ngại", ông Hiệp khẳng định.
Hiện trong tổng số 13 cơ sở giết mổ của TP.HCM, đã có 3 cơ sở ngưng hoạt động hẳn, một số cơ sở giết mổ quy mô lớn tạm ngưng hoạt động có thời hạn do ảnh hưởng dịch Covid-19 như An Nhơn, Xuyên Á...
Bên cạnh đó, do 2 chợ đầu mối thịt heo lớn của TP.HCM là Hóc Môn (mỗi đêm giết mổ khoảng 4.000 đến 5.000 con) và Bình Điền đóng cửa, nguồn hàng cung cấp cho thị trường từ các thương lái bán qua mạng xã hội, điện thoại và các doanh nghiệp giết mổ cộng với chi phí vận chuyển, giết mổ tăng... nên giá một số loại thịt bán đến tay người tiêu dùng tăng khá cao so với thời điểm trước khi bùng phát dịch lần 4.